- Việc Bộ Văn hóa đề xuất đặt mô hình phim "Kong: Skull Island" tại Hồ Gươm đã gây ý kiến trái chiều. lãnh đạo Sở Văn hóa Hà Nội thông báo vị trí này không phù hợp, ông nghĩ sao?
- Để quảng bá du lịch Việt Nam thông qua bộ phim "Kong: Skull Island", chúng tôi dự kiến đặt các mô hình lớn ở một số địa danh quay phim như Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Bình và thủ đô Hà Nội. Lãnh đạo các tỉnh và doanh nghiệp đều hợp tác tốt với Bộ Văn hóa, vì mục tiêu đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Chúng tôi đề xuất đặt mô hình phim tại khu vực Tượng đài cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh (gần Hồ Hoàn Kiếm), vì đây trung tâm của phố đi bộ, nơi tập trung đông người và có diện tích đủ rộng có thể đặt mô hình. Tuy nhiên, đây là khu vực di tích quốc gia đặc biệt nên khi triển khai cần có ý kiến của các chuyên gia.
Hiện lãnh đạo Sở Văn hóa Hà Nội đã có ý kiến rằng vị trí Hồ Gươm là không phù hợp, chúng tôi sẽ xem xét lựa chọn các địa điểm khác như công viên, vườn hoa nào đó để có thể đặt mô hình này.
- Mô hình 3D khỉ Kong được dựng như thế nào?
- Đó là một bảng nhiều lớp giống như poster quảng cáo phim, dự kiến cao 5 m, rộng hơn 3 m, bằng chất liệu xốp, bạt do Việt Nam sản xuất. Hình ảnh poster này thiết kế dạng 3D, tạo cho du khách cảm giác đứng giữa bối cảnh phim. Tiết kế mô hình này do hãng sản xuất phim của Mỹ gửi sang, việc in ấn hình ảnh poster chỉ mất 2 ngày. Nếu Hà Nội chọn được địa điểm thích hợp thì chúng tôi sẽ triển khai thực hiện.
Thời gian dựng mô hình phim Kong chỉ trong khoảng một tháng, vì đó là thời gian mọi người quan tâm đến phim này và chất liệu làm mô hình poster cũng không bền vững trong thời gian dài.
- Ngày 3/3, Bộ Văn hóa có văn bản đề nghị tìm vị trí đặt mô hình khỉ Kong, chỉ vài ngày trrước khi phim công chiếu, ông giải thích thế nào về sự chậm trễ này?
- Chúng tôi mất khá nhiều thời gian đàm phán với hãng phim để được ghi dòng chữ “Siêu phẩm Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam” trên các poster quảng cáo phim.
Từng từ ngữ trên poster của một bộ phim lớn đều phải được hãng và nhà sản xuất duyệt đồng ý, vì đây là một sản phẩm thương mại có giá trị rất cao.
Ngoài ra, mục đích dựng mô hình phim Kong không phải để giới thiệu phim mà để đưa hình ảnh Việt Nam đến với du khách trong và ngoài nước. Nhiều khán giả không có điều kiện đến rạp, nên mô hình có thể ra mắt chậm hơn phim. Khách du lịch khi xem mô hình sẽ biết phim Kong được quay tại Việt Nam, có thể đặt tour đi đến các địa danh mà đoàn phim đã quay. Tôi nghĩ đây là ý tưởng tốt để quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam qua bộ phim Kong.
Ông Trần Nhất Hoàng, Phó cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. |
- Việc giới thiệu mô hình phim Kong sẽ khiến nhiều người hiểu là quảng cáo phim, vậy mục đích quảng bá du lịch sẽ lồng ghép ra sao?
- Chúng tôi đã trao đổi với Sở Du lịch Hà Nội và các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình, Quảng Ninh, để các cơ quan này đưa ra tờ rơi giới thiệu về điểm đến du lịch ở khu vực trưng bày mô hình. Du khách sẽ được phát miễn phí tài liệu và tư vấn về các thắng cảnh này tại khu vực trưng bày.
- Ông nghĩ sao về ý kiến cho rằng còn nhiều hạn chế trong việc tận dụng cơ hội từ phim ảnh nói chung, phim Kong nói riêng để quảng bá du lịch?
- Khi sử dụng hình ảnh phim thì chúng ta phải có sự đồng ý của nhà sản xuất, phải trả tiền bản quyền. Trong khi chúng ta không đủ tài chính thì các sản phẩm sáng tạo từ khỉ Kong sẽ không thể thực hiện. Do đó, chúng tôi chỉ có thể quảng bá trên kênh báo chí trong và ngoài nước về hình ảnh Việt Nam thông qua bộ phim.
Ngoài ra, chúng tôi đã nhờ các diễn viên Hollywood nhắc đến đất nước Việt Nam trong các bài phỏng vấn của họ. Đây là cách quảng bá độc đảo và sinh động. Chúng tôi cũng đã và sẽ giới thiệu hình ảnh đất nước qua các bộ phim tại các lễ hội lớn trên thế giới.
Một điểm khác biệt với các nước là chúng tôi đã mời được đạo diễn phim Kong làm Đại sứ du lịch, anh sẽ là cầu nối cho những ngôi sao hàng đầu thế giới đến Việt Nam du lịch, góp phần quảng bá đất nước và con người Việt Nam.
Bộ Văn hóa đã đề nghị Hà Nội tạo điều kiện dựng phối cảnh 3D bộ phim tại một điểm nổi bật trên phố đi bộ quanh Hồ Gươm, để người dân Thủ đô và khách du lịch chụp ảnh lưu niệm. Địa điếm đề xuất là khu vực Tượng đài Cảm tử cho Tố quốc quyết sinh (phố Đinh Tiên Hoàng). Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Văn hóa Hà Nội cho hay đề xuất nêu trên không phù hợp. Kong: Skull Island là bộ phim đầu tiên của Hollywood với quái vật chính là hình tượng con khỉ kể từ phim King Kong 2006 của Peter Jackson. Tác phẩm có kinh phí 190 triệu USD này đưa non nước Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình và Quảng Bình lên màn ảnh rộng thế giới. |
Theo Vnexpress