Đầu tuần này, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã đăng đàn chỉ trích VFF liên quan tới cuộc họp Hội đồng HLV quốc gia và VFF mổ xẻ thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Theo đó, ông Thắng chỉ trích VFF không báo cho biết về cuộc họp báo sau phiên họp trên. Tại đó Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sỹ Hiển đã chê bài hết lời năng lực cầm quân của cựu trung vệ xứ Nghệ. Theo HLV Nguyễn Hữu Thắng, Hội đồng HLV quốc gia đã không góp ý gì cho ông trong 2 năm cầm quân, rồi khi U22 Việt Nam thắng thì ca ngợi tới mây xanh, thua trận lập tức bị chỉ trích.
Tuy nhiên, sốc hơn cả là lời ông Thắng mô tả Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh chỉ là “máy truyền lệnh” của Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn. Ông Nguyễn Sỹ Hiển bị HLV Hữu Thắng mô tả là “Quốc Tuấn nói đi là đi, nói đứng là đứng”. Những phát biểu trên của HLV Hữu Thắng gây bất ngờ lớn với người trong cuộc, và với chính những ai quen biết ông Thắng lâu năm, bởi sự khác biệt về khẩu khí, lạ về đối tượng bị chỉ trích. Người ta biết rằng trong quá trình nắm tuyển, HLV Hữu Thắng có mối quan hệ rất tốt với giới lãnh đạo VFF, đặc biệt là Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn.
“Phim hay đoạn cuối”, gần như ngay sau khi thông tin trên đăng tải, HLV Hữu Thắng đã lên tiếng phản bác. Ông Thắng cho biết chỉ nói các vấn đề chuyên môn, và đã không biết bị những người hỏi mình sử dụng các từ ngữ nặng nề để tấn công cá nhân, phục vụ động cơ tranh quyền, đoạt lợi ở VFF. “Tôi lúc này rất mệt mỏi, chỉ muốn được nghỉ ngơi bên gia đình. Tôi không muốn bị lôi kéo vào chuyện đấu đá nữa. Xin đừng mang tôi và đội tuyển U22 Việt Nam ra để đánh nhau”, ông Thắng trần tình.
Ra là vậy! Cuối cùng, “cuộc đua” ở VFF đã được “vẽ” ra một cách cụ thể, thay vì mờ ảo như trước. Nhiệm kỳ VII VFF sắp hết hạn và theo đúng kế hoạch, đại hội bầu ra BCH mới sẽ phải tổ chức vào tháng 3/2018. Chiếc ghế Chủ tịch hiện do ông Lê Hùng Dũng nắm dĩ nhiên được quan tâm nhiều nhất. Độ hơn 2 năm trở lại đây, ông Dũng sức khoẻ không tốt, phải giao phần lớn công việc cho Phó chủ tịch thường trực Trần Quốc Tuấn. Từng có thời điểm, ông Dũng xin lãnh đạo ngành thể thao cho nghỉ, nhưng được động viên tiếp tục. Việc ông Dũng nghỉ vào cuối nhiệm kỳ VII là chắc chắn. Ai thay ông Dũng ngồi vào chiếc ghế được coi là “quyền rơm, vạ đá” ở VFF bỗng nhiên trở thành cuộc đua vô cùng nóng bỏng. Trong số các ứng viên, không thể không kể tới các cấp phó của ông Dũng hiện nay, trong đó Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn đang “sáng” nhất. Người trong giới biết ông Tuấn thạo việc, bao quát chung các vấn đề của VFF.
Lời khẳng định của HLV Hữu Thắng về việc bị “nhét chữ”, lôi kéo vào “chuyện đấu đá” là lần đầu tiên một ý kiến của người trong cuộc được công khai.
Lại nhớ một dạo, tin đồn về mâu thuẫn và mất đoàn kết trong nội bộ VFF lan ra. Lãnh đạo VFF lập tức phủ nhận. Phó chủ tịch Nguyễn Xuân Gụ phụ trách truyền thông đến giờ vẫn nổi tiếng với câu nói: “VFF không mất đoàn kết mà chỉ chưa đoàn kết cao!”. Giờ này, lắm người đang nhắc lại lời ông Gụ như một sự mỉa mai cho sự “đoàn kết” của VFF. Người ta cũng dự đoán rằng từ nay cho tới đại hội tháng 3/2018, làng bóng đá Việt ắt còn phải hứng nhiều “chuyện lạ”.
Bóng đá Việt liệu có thể phát triển thế nào trong hoàn cảnh này? Trả lời thực khó, nhưng tạm có thể lấy lời cảm thán của Tổng Giám đốc VPF Cao Văn Chóng để góp thêm một tiếng nói. Ông Chóng trên trang cá nhân viết thế này: “Chưa đến đại hội mà náo nhiệt vậy các anh, chờ V-League kết thúc hãy đánh nhau có được không?”.
Từ năm 2012, VPF được VFF trao quyền điều hành, tổ chức các giải VĐQG. Trải 5 năm các giải đấu, đặc biệt V-League vẫn còn khá nhiều thứ bộn bề. Trong khi đó giới chuyên môn đều nhất trí rằng, V-League là xương sống của nền bóng đá nước nhà. Các ĐTQG đều được hình thành dựa trên các giải đấu trong nước. Nội bộ VFF còn rối ren, V-League ai trông?
Làng bóng phức tạp nhưng xét về độ ồn ào lâu nay thường kém xa showbiz. Lâu lâu, bóng đá Việt Nam mới có một cầu thủ, cỡ Công Vinh hay Hồng Quân, Lee Nguyễn có thể ngang tầm được giới người đẹp, mặt hoa, da phấn showbiz. Nhưng lần này, có lẽ giới showbiz cũng phải chịu đứng sau VFF chăng?