Đồng thời, khẳng định vị thế của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UNESCO, cụ thể hóa các biện pháp triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025, tạo điều kiện thuận lợi để nước ta ứng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Bước tiến lớn
Trong Kỳ họp lần thứ 17 diễn ra vào ngày 16/11/1972 tại Paris, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Công ước về bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Đây là Công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, ảnh hưởng rộng rãi trong các quốc gia thành viên, được áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý Di sản Thế giới. Ở Việt Nam, Công ước chính thức được phê chuẩn từ ngày 19/10/1987.
Với việc tham gia Công ước, Việt Nam có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên và hỗn hợp được ghi vào Danh mục Di sản Thế giới. Việt Nam cũng đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa được xây dựng dần tiệm cận với tinh thần của Công ước, bộ máy quản lý Di sản Thế giới từ trung ương đến địa phương đang được củng cố, các nguồn lực để bảo vệ được ưu tiên, huy động tối đa, đồng thời luôn tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để bảo vệ Di sản Thế giới...
Với việc đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và tăng cường năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chủ đề chính được lựa chọn cho lễ Kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 là “50 năm tới: Di sản Thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo”. Trên cơ sở khuyến khích các quốc gia thành viên, UNESCO tổ chức Kỷ niệm 50 năm Công ước, hướng tới Lễ kỷ niệm toàn cầu tại Florence, Italia vào tháng 11/2022.
Tràng An - Điểm hẹn của bè bạn quốc tế
Mở đầu các hoạt động, sự kiện kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 tại Việt Nam được diễn ra tại Quần thể Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình vào ngày 6/9/2022. Hoạt động do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tổ chức nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.
Lễ kỷ niệm được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia, với sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ, ngành; UBND và 8 khu Di sản Thế giới tại Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; Ban Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; Đại sứ - Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO; Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Việt Nam; Đại sứ các nước có cơ quan đại diện tại Việt Nam đang là thành viên Ủy ban Di sản Thế giới như Argentina, Bỉ, Bungari, Ai Cập, Hy Lạp, Ấn Độ, Italia, Nhật Bản, Mexico, Oman, Qatar, Nga, Arab Saudi, Nam Phi, Thái Lan; các tổ chức quốc tế; trung tâm văn hoá nước ngoài tại Việt Nam; cơ quan thông tấn báo chí cùng đông đảo nhân dân địa phương.
Với tầm vóc quan trọng của sự kiện, đây là dịp để tỉnh Ninh Bình, Quần thể Danh thắng Tràng An nói riêng và Việt Nam nói chung khẳng định tinh thần tôn trọng, thực thi hiệu quả Công ước về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới 1972. Đồng thời là cơ hội Việt Nam chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế những nỗ lực, kết quả trong công tác bảo tồn di sản qua phương châm “Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay dự lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 tại Ninnh Bình |
Cho rằng sự kiện diễn ra tại Ninh Bình có ý nghĩa biểu tượng, vừa kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 vừa kỷ niệm 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước này, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay đã đưa ra thông điệp: “Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ”. Đó là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thế giới không bị tàn phá lần nữa, là sự kết nối giữa quá khứ với tương lai. Bà nhấn mạnh phải đặt văn hóa và di sản đúng vị trí quan trọng của chúng; coi các chính sách văn hóa là đòn bẩy mạnh mẽ cho hành động của Việt Nam cũng như các quốc gia thành viên khác.
10 năm trước, Ninh Bình là địa phương được lựa chọn để tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Công ước và đón nhận Bằng di tích cấp quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và Danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động. Tại Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, Tổng Giám đốc UNESCO nhận định Quần thể danh thắng Tràng An đang trở thành hình mẫu, câu chuyện thành công trong việc duy trì mối quan hệ cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản.
35 năm qua, mối quan hệ đối tác giữa UNESCO và Việt Nam luôn được duy trì, phát triển và vận động cùng thời đại. Đặc biệt, UNESCO đã dành hỗ trợ đối với ưu tiên của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý về di sản cũng như công tác kiểm kê các di sản phi vật thể của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng phát huy đầy đủ tiềm năng của Công ước. Sau 35 năm phê chuẩn Công ước, Việt Nam đã có tới 8 di sản được ghi danh là Di sản Thế giới. Mỗi di sản, theo cách riêng của mình, đã góp phần thể hiện bề dày lịch sử và sự giàu có, đa dạng của văn hóa Việt Nam.
20 năm khai mở Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội
Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm Công ước 1972, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “20 năm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội”. Hội thảo là dịp tổng kết những thành tựu nổi bật trong công tác quản lý, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội từ 2002 đến nay, đặc biệt giới thiệu kết quả khai quật khảo cổ học 10 năm tại khu vực Chính điện Kính Thiên.
Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, nội dung hội thảo tập trung vào hai chủ đề chính: Đánh giá kết quả 20 năm nghiên cứu di sản Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội và Phát huy giá trị di sản - thực tiễn kinh nghiệm và định hướng. Điều này nhằm thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ đối với Hoàng Thành Thăng Long là tiếp tục đầu tư vào công tác khai quật khảo cổ học để phát lộ những di chỉ, di vật, dấu tích quan trọng, đóng góp vào công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.
Với sự tham dự của khoảng 200 đại biểu trong nước và quốc tế, hội thảo tập trung vào bàn luận các thành tựu, ứng dụng công nghệ đã đạt được; qua đó đề xuất định hướng, phương án cho giai đoạn quản lý tiếp theo đối với khu di sản để Hoàng Thành Thăng Long trở thành điểm đến ngày càng phát triển, xứng tầm với một di sản thế giới giữa lòng Thủ đô Hà Nội.
“Bên cạnh các hoạt động diễn ra tại hội thảo, Hoàng thành Thăng Long tổ chức nhiều buổi trưng bày, triển lãm để hướng ứng dịp kỷ niệm 50 năm Công ước Di sản Thế giới. Trong đó, một số sự kiện chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ như trình chiếu công nghệ 3D mapping tại triển lãm Báu vật hoàng cung. Điều này giúp du khách không chỉ chiêm ngưỡng cổ vật theo cách thức thông thường, mà có được trải nghiệm đa chiều, đưa di sản tới gần hơn với công chúng”, ông Quang nói.
Nhận định về hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết: “Sự kiện là một trong những căn cứ, định hướng cho công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Các giá trị di sản đã được xác định phải đóng vai trò là tiêu chí cốt lõi trong việc đánh giá phương án phát triển để cho phép sự đồng thời giữa các giá trị truyền thống và các yêu cầu của cuộc sống hiện đại ngày nay”.