Chiều 3/5, Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng chính quyền chức năng đã tiến hành thu gom được 1,1 tấn cá nuôi của 23 hộ dân thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang để đưa đi tiêu hủy sau khi bị chết.
Thu gom cá nuôi bị chết tại thị trấn Thuận An.
Đây là những loại cá do người dân nuôi ở cạnh cửa biển Thuận An phía bờ Nam, trong đó hộ bị nặng nhất có trên 3 tạ cá chết, cá nặng từ 0,3-1,2 kg. Đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng cá nuôi chết tại địa phương này. Ông Trương Viết Phương, một hộ dân có gần 1 tạ cá vẩu bị chết, cho biết: “Vào sáng sớm, sau khi thủy triều lên thì cá nhà tôi xuất hiện tình trạng nổi lờ đờ như thiếu ô xy, vài giờ sau thì chết chìm xuống đáy lồng”.
Lực lượng chức năng kiểm đếm số lượng cá chết từng hộ dân.
Trong khi đó, phía bờ Bắc cửa Thuận An thuộc thôn 2 xã Hải Dương, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) tình trạng nhiều loài cá biển trong trạng thái lờ đờ, ào ạt dạt vào bờ và phá Tam Giang cũng xuất hiện khá nhiều vào cùng thời điểm. Hiện tượng cá vẩu, cá chẽm nuôi cạnh cửa Thuận An của người dân Hải Dương cũng bắt đầu chết.
Đưa cá nuôi bị chết tại thị trấn Thuận An đi tiêu hủy chiều 3/5.
Ông Nguyễn Châm, một hộ nuôi cá tại đây, cho biết vào buổi sáng 3/5 thì cá vẫn ăn bình thường, ít lâu sau xuất hiện tình trạng nổi lờ đờ và chết.
Cùng ngày, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Trần Duy Tuyến, Bí thư Thị ủy Hương Trà cùng nhiều cơ quan chức năng đã về xã Hải Dương kiểm tra tình hình.
Đào hố chôn cá chết tại thị trấn Thuận An.
Ông Tuyến cho biết trước đây tại xã Hải Dương tình trạng cá biển chết chỉ rải rác, cá nuôi không bị, nhưng đến thời điểm này lại ảnh hưởng rất nặng nề, trong đó có khoảng 70kg cá biển trong tình trạng lờ đờ được chính quyền địa phương thu gom, tiêu hủy. “Hiện tượng này xuất hiện sau khi thủy triều lên. Nhiều lồng cá nuôi cũng bị như vậy, một số đã bị chết nhưng chưa thể thống kê chính xác số lượng” - ông Tuyến cho biết.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, chính quyền thị xã Hương Trà đã tiến hành thu mua lại của người dân số lượng cá biển trôi dạt vào với giá 10.000 đồng/kg đưa đi tiêu hủy, tránh tình trạng mang đi bán. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng cử người túc trực 24/24 giờ tại cửa biển, khu nuôi cá để thu góm cá chết.
Hiện, ngành chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành lấy mẫu cá và nước tại các khu vực này để phân tích các chỉ số.
Trước đó, các mẫu nước lấy ở các cửa biển ngày 30/4, đưa đi phân tích đã cho kết quả nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển vùng ven bờ, và đảm bảo cho mục đích nuôi trồng thủy hải sản, bảo tồn thủy sinh, bãi tắm và thể thao dưới nước. Tuy nhiên, không hiểu sao bây giờ cá lại chết.
Theo Người lao động