Cái chết đau lòng của người phụ nữ H’re
Trao đổi với PV, Đại úy Phạm Duy Phương, Phó trưởng Công an huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, ngày 20/2, trên địa bàn xảy ra vụ một phụ nữ tử vong trên chòi rẫy. Nạn nhân được xác định là chị Phạm Thị H. (25 tuổi, ngụ thôn Vẩy Ốc, xã Ba Khâm). Qua khám nghiệm hiện trường và khám nghiệm tử thi, Công an huyện Ba Tơ xác định, đây không phải là một vụ án mạng, chị H. tử vong do uống thuốc trừ sâu tự tử.
Theo lời kể của người nhà nạn nhân, vào sáng 20/2, chị H. vẫn ăn cơm sáng cùng gia đình, sau đó đi chợ mua thức ăn như thường ngày. Đến khoảng 8h sáng, anh Phạm Văn Thối (25 tuổi), chồng chị H. rủ chị H. đi ăn đám giỗ tại gia đình một người bà con trong xóm nhưng chị không đi. Khi anh Thối đi ăn giỗ, chị H. cầm rựa nói là lên rẫy phía sau để chăm sóc cây keo.
Đến khoảng 12h trưa, anh Thối trở về nhà không thấy vợ bèn lên rẫy để tìm. Tuy nhiên, vừa bước chân vào chòi rẫy (một căn nhà nhỏ được làm bằng tranh, đặt giữa rừng để nghỉ trưa khi đi rẫy - PV), anh Thối bàng hoàng phát hiện chị H. đang nôn, co giật, người tím tái, mùi thuốc trừ sâu nồng nặc.
Anh Thối vội vàng đưa vợ đến trung tâm Y tế huyện Ba Tơ để cấp cứu nhưng chị H. đã tử vong ngay sau đó. Được biết, trước khi lên rẫy, chị H. đã gọi điện cho chị gái của mình là Phạm Thị Tý, lúc đó đang đi làm thuê ở huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi).
Chị Tý buồn rầu kể lại: “Lúc hơn 8h, nó gọi cho tôi kèm theo tiếng nấc và nói: “Chắc em không còn cách nào để giữ anh Thối rồi chị ơi! Chắc em sẽ đi xa”. Tôi hỏi lại “em định vào Nam làm thuê hả?”, H. liền trả lời lại là: “Rồi chị sẽ biết”. Sau đó nó tắt máy. Lúc đó, tôi nghĩ không có chuyện gì nghiêm trọng nên tiếp tục làm, đến chiều thì nhận hung tin như vậy...”.
Ông Phạm Văn Đổng (50 tuổi, ngụ thôn Vẩy Ốc), hàng xóm của chị H. cho biết: “Rẫy nhà tôi với nhà H. gần nhau. Sáng đó hai vợ chồng tôi lên rẫy làm được khoảng 1 tiếng thì H. lên. Tôi có hỏi sao đi làm trễ vậy thì nó nói là do mệt trong người. Bữa đó kỳ lắm, H. lên rẫy không chịu làm mà cầm rựa đi vòng quanh rẫy keo của nhà mình.
Nó còn nói: “Cháu sắp đi xa, nhờ cô chú trông cái rẫy keo”. Nghĩ nó nhờ thiệt nên tôi gật đầu đồng ý mà không để ý đến biểu hiện lạ của H.. Đến trưa, vợ chồng tôi về nhà, còn H. vào chòi rẫy. Tôi không ngờ nó lại nghĩ quẩn mà tự tử”.
Phải bỏ nhà đi vì cái chết... xấu
Căn nhà của vợ chồng anh Thối hiện không có ai ở.
PV trở lại thôn Vẩy Ốc (xã Ba Khâm), tìm đến gia đình anh Phạm Văn Thối nhưng khi nghe hỏi đến anh Thối, người dân ai cũng lắc đầu rồi bỏ đi. Thấy lạ, PV tìm đến nhà ông Phạm Văn Vì, Trưởng thôn Vẩy Ốc để tìm hiểu.
Bà Phạm Thị Lế trò chuyện với PV.
Ông Vì lắc đầu cho biết: “Theo quan niệm của người dân tộc H’re, một người chết đi không phải vì bệnh tật hay tai nạn thì người ta gọi là cái chết xấu. Vì vậy, gia đình nào có người chết xấu sẽ bị bà con xa lánh. Sau khi lo đám ma của H. xong, bị mọi người xa lánh, thằng Thối không chịu được nên bỏ vào Nam làm ăn rồi, căn nhà của hai vợ chồng nó bây giờ bỏ hoang”.
Theo chân ông Vì, PV tìm đến nhà vợ chồng anh Thối. Quả đúng vậy, căn nhà nằm gần bìa rừng của vợ chồng anh đóng cửa im ỉm. PV quay lại nhà của cha mẹ đẻ anh Thối ở đầu thôn để hỏi thêm thông tin.
Tiếp PV, bà Phạm Thị Lế (50 tuổi), mẹ anh Thối nức nở nói: “Nỗi đau mất con dâu chưa qua, giờ thằng Thối không chịu được sự xa lánh của bà con nên cũng bỏ quê vào Nam làm ăn rồi. Tội con tôi quá, vợ tự tử đã đau lòng rồi, lại bị bà con xa lánh”.
Được biết, chị H. là một cô gái đẹp có tiếng ở xã Ba Trang (huyện Ba Tơ). Trong một lần giao lưu văn nghệ giữa thanh niên hai xã Ba Trang và Ba Khâm, anh Thối và chị H. phải lòng nhau và đến năm 2014 thì nên duyên vợ chồng. Sau một năm chung sống, thấy anh Thối không có công ăn việc làm, chỉ ở nhà làm thuê và bám víu với rẫy mỳ, rẫy keo, sợ con gái mình khổ nên ba mẹ chị H. dẫn con về nhà sống. Sau đó, ba mẹ H. ép chị ly thân với chồng và chuẩn bị tìm cho chị người chồng mới.
Vì còn yêu chồng nên cách đây 4 tháng, chị H. nói dối gia đình là đi vào Nam làm thuê, nhưng không đi mà quay về nhà sống với anh Thối. Đầu năm nay, chị H. nói dối chồng đã có thai và cả hai trở về lại xã Ba Khâm sinh sống.
Lau vội nước mắt, bà Lế kể, Tết Nguyên đán vừa rồi, anh Thối dẫn chị H. về nhà ba mẹ của chị xin cho hai vợ chồng được làm lại từ đầu. Vì nghe con gái bảo đang mang thai nên ba mẹ chị H. đành gật đầu đồng ý.
“Vì tưởng vợ có thai thật nên nó vui lắm, cố gắng đi làm để kiếm tiền nuôi con. Cách đây mấy ngày, nó phát hiện vợ nói dối. Dù còn yêu vợ, muốn sống chung nhưng thằng Thối sợ ba mẹ vợ biết chuyện rồi qua trách móc, nên bảo con H. trở về nhà đi. Con H. không chịu quay về và nói sẽ có cách. Rồi không biết sao lại xảy ra chuyện thế này. Chắc không còn cách nào để giữ chồng nên nó tìm đến cái chết”, bà Lế đau buồn nói về cái chết của con dâu.
Tự tử trở thành vấn nạn “Địa bàn huyện Ba Tơ chủ yếu tập trung người đồng bào H're sinh sống vì trình độ thấp, hoàn cảnh khó khăn, rất tự ti nên khi phát sinh mâu thuẫn, họ thường tìm đến cái chết. Các trường hợp tự tử đã để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và cộng đồng, mà nạn nhân chính là những đứa trẻ mồ côi. Vì vậy, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục đồng bào biết quý trọng tính mạng, cuộc sống của bản thân và mọi người xung quanh. Bên cạnh đó, tích cực vận động bà con hạn chế tình trạng uống rượu say, kịp thời phát hiện và giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn tiềm ẩn trong người dân để hạn chế vấn nạn tự tử”, Đại úy Phạm Duy Phương, Phó trưởng Công an huyện Ba Tơ cho biết. |
Dương Kha