Ngày 2/12, thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, đơn vị vừa có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo kết quả kiểm tra liên quan đến cá lồng nuôi chết tại đầm Lập An, huyện Phú Lộc.
Theo đó, kết quả đo đạc, phân tích mẫu nước đầm cho thấy, chất lượng nước đầm Lập An tại thời điểm lấy mẫu ngày 16/11 không có hiện tượng bất thường và đạt giá trị giới hạn theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT.
Cụ thể, thông số chất lượng nước thải tại bể thu gom trước khi xử lý, điểm thải ra môi trường của hệ thống xử lý nước thải khoan hầm, bể lọc xơ dừa và bể tuần hoàn cuối cùng của các bể nước thải tại trạm trộn bê tông, thuộc dự án “Đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân – QL 1A, tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng” đều nằm trong giới hạn cho phép của cột B, QCVN 40:2011/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Riêng thông số pH đo đạc tại bể lọc xơ dừa và bể tuần hoàn cuối cùng của các bể nước thải tại trạm trộn bê tông có kết quả đo đạc lần lượt là 11.4 và 4.9, nằm ngoài giới hạn cho phép của cột B, QCVN 40:2011/BTNMT.
Sát đầm Lập An đang thi công dự án “Đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân – QL 1A, tỉnh Thừa Thiên – Huế và TP Đà Nẵng” |
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, để đánh giá toàn bộ các nguồn thải có nước thải đưa vào đầm Lập An, đơn vị sẽ chủ trì phối hợp với Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh, UBND huyện Phú Lộc rà soát lại các nguồn thải trong khu vực, đánh giá chất lượng các nguồn xả thải.
Đồng thời, Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại đầm Lập An, hướng dẫn kỹ thuật và thời vụ nuôi tới các hộ nuôi; Phối hợp với UBND huyện Phú Lộc xây dựng phương án di dời các lồng nuôi trong khu vực thi công Cầu Hải Vân 2, đảm bảo khoảng cách an toàn, cho đến thời điểm dự án thi công hoàn thành.
Như trước đó, ANTT đã đưa, vào tháng 10/2017, nhiều hộ nuôi cá lồng ở khu vực cửa biển đầm Lập An, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế đứng ngồi không yên khi ngày nào cũng thấy cá nuôi bỏ ăn, rồi chết dần.
Một số người dân cho rằng, việc cá lồng nuôi bị chết là do môi trường nước bị ô nhiễm khiến cá bị xót dẫn đến lở loét da và nổ mắt. Họ nghi ngờ, nguồn nước bị ô nhiễm là do trong quá trình thi công một hầm đường bộ gần đó, đơn vị thi công đã sử dụng thuốc nổ, chất xika và khi rửa trôi đã chảy thẳng ra đầm. Sau đó, gặp thủy triều lên các chất này hòa trong nước chảy vào các lồng cá nuôi và dẫn đến việc cá bị xót nước.
Theo An Ninh Tiền Tệ