Chúng ta hãy giảm bớt những phàn nàn về cuộc sống khó khăn trong những bài giảng, lắng lại niềm bức xúc về những điều còn chưa lành trong cuộc sống đời thường để nơi giảng đường toàn tâm toàn ý cho việc chỉ đường tri thức, truyền cảm hứng và đam mê nghề nghiệp cho sinh viên, đó là vun nhựa sống, là gieo mầm thiện lương cho thế hệ sau.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội |
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc ĐH Quốc gia HN: Hãy dẫn dắt học trò như tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái.
20/11 một ngày đặc biệt của hầu hết mọi người, của tất cả những ai đã thụ hưởng sự giáo dục. Những người làm giáo chức lại càng cảm nhận về ngày này thiêng liêng sâu nặng hơn, bởi lẽ nó là dịp tôn vinh, ghi nhận của cả xã hội đối với thiên chức, sự hy sinh và những đóng góp to lớn của các nhà giáo cho đời.
Nhân ngày của các nhà giáo, tôi cũng xin bày tỏ niềm mong mỏi các cô, các thầy ra sức phát huy những tinh thần và phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo xưa nay. Sự phát huy đó không phải qua lời hô hào, mà cần bằng hành động hàng ngày.
Chúng ta hãy giảm bớt những phàn nàn về cuộc sống khó khăn trong những bài giảng, lắng lại niềm bức xúc về những điều còn chưa lành trong cuộc sống đời thường để nơi giảng đường toàn tâm toàn ý cho việc chỉ đường tri thức, truyền cảm hứng và đam mê nghề nghiệp cho sinh viên, đó là vun nhựa sống, là gieo mầm thiện lương cho thế hệ sau. Hãy dẫn dắt các trò cả chuyên môn, nhân cách và niềm vui sống bất diệt của con người như tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái.
Làm nhà giáo của một đại học nghiên cứu hàng đầu, các cô các thầy cần nghiên cứu và công bố khoa học, đó là lý do tồn tại của các thầy cô trong trường, nhưng hình tượng đọng lại sống động và lâu bền trong lòng học trò lại không hẳn là số lượng bài báo của các thầy, mà là thái độ sống và tình yêu thương mà học trò cảm thấy, nhận ra trong từng tiết học.
Thế giới đang biến đổi rất nhanh và những đòi hỏi mới nảy sinh hàng ngày, muốn học sinh không bỡ ngỡ, thích ứng nhanh, làm việc tốt sau khi ra trường, các cô các thầy cần có tầm nhìn xa rộng, sự trải nghiệm lớn, kỹ năng cao đủ mức để làm người dẫn dắt và chỉ đường cho học trò.
Tình yêu và trách nhiệm của thầy cô phải được thể hiện trước hết và quan trọng nhất chính ở chỗ làm sao cho sinh viên ra trường sống lương thiện, thích ứng nhanh, có việc làm tốt, và khởi nghiệp thành công.
Từ lãnh đạo ĐHQGHN, các tổ chức, đoàn thể, lãnh đạo các đơn vị, các thầy các cô trực tiếp giảng dạy và phục vụ giảng dạy, hỗ trợ sinh viên, từng ngày cần cố gắng làm mọi việc tốt hơn, để mỗi một ngày ĐHQGHN của chúng ta tốt lên một chút, để mỗi lần 20/11 tới chúng ta lại có thêm niềm vui và niềm tự hào mới.
GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân: Thầy cô hãy luôn đặt ra những đỉnh cao tri thức
GS.TS, Nhà giáo Nhân dân Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế quốc dân
Chia sẻ với Dân trí, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng: “Thay đổi hoặc Tụt hậu” – đó chính là câu hỏi lựa chọn mang tính chiến lược đang đặt ra với thế hệ hiện tại và tương lai.
Lễ kỷ niệm 35 năm ngày nhà giáo Việt nam hôm nay, tôi mong muốn mỗi thầy, cô giáo nói chung và của Trường ĐH Kinh tế quốc dân luôn mang theo mình lòng yêu nghề và niềm hăng say chia sẻ và truyển thụ kiến thức.
Mỗi thầy, cô hãy thực sự trở thành một tấm gương về đạo đức, nhân cách và lối sống, là tấm gương về tinh thần tự học và nghiên cứu sáng tạo, là người đi đầu trong nắm bắt các xu hướng phát triển kinh tế hiện nay như kinh tế số, kinh tế Internet, mô hình doanh bền vững, doanh nhân xã hội của thế kỷ 21,…
Các thầy cô hãy truyền cảm hứng cho học viên, sinh viên triết lý của giáo dục khai phóng, hãy nghiêm khắc, công bằng và khách quan trong đánh giá, hãy luôn đặt ra những đỉnh cao tri thức mà học viên, sinh viên luôn phải nỗ lực và có phương pháp khoa học trong quá trình khám phá.
Hãy tạo lập môi trường nuôi dưỡng và phát huy các tiềm năng, chắp cánh cho những ước mơ, để sinh viên và học viên có niềm tin và động lực phấn đấu đạt được mơ ước cao đẹp của mình trong học tập.
Với trường ĐH Kinh tế quốc dân, ngay trong năm học này, tôi mong muốn các thầy, cô hãy đi đầu trong việc triển khai có hiệu quả các chủ trương đổi mới của Trường như áp dụng Office 365, TurnItin và blended learning trong quản lý và đánh giá người học, khai thác có hiệu quả nguồn cơ sở dữ liệu điện tử của Thư viện của Nhà trường.
Tôi chờ mong mỗi cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong trường thực sự trở thành các điển hình về tinh thần phục vụ với nhiều sáng kiến, sáng tạo cụ thể và thiết thực trong quản lý với phương châm lấy người học là trung tâm của quá trình đào tạo.
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế mạnh mẽ, đặc biệt là dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các mô hình kinh doanh mới tại một nước đang trên đà phát triển như Việt Nam đã và đang tạo ra sức ép lớn và đặt Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trước nguy cơ tụt hậu so với chính mình nếu không thay đổi. Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những trường đại học đang giữ vị trí đi đầu, dẵn dắt một số ngành, một số lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu về kinh tế như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Và hơn bao giờ hết, nhân tố mang tính quyết định để Nhà trường thực sự vững bước trên quỹ đạo phát triển mới chính là yếu tố “CON NGƯỜI”. Thời điểm mang tính bước ngoặt hiện nay chính là cơ hội vàng để mỗi thành viên của Trường đại học KTQD hãy tự thay đổi và vượt lên chính mình.
Theo Dân Trí