Cải lương không nên quảng bá ở phố đi bộ

Diện mạo của sân khấu cải lương chỉ có ở "thánh đường nghệ thuật", được đầu tư xây dựng nghiêm túc, nơi nuôi sống được người nghệ sĩ đồng thời giúp họ sáng tạo được nhiều tác phẩm giá trị
Cảnh trong vở cải lương “Rạng ngọc Côn Sơn” do nhóm xã hội hóa Kim Tử Long dàn dựng
Cảnh trong vở cải lương “Rạng ngọc Côn Sơn” do nhóm xã hội hóa Kim Tử Long dàn dựng

Trong buổi họp mặt cuối năm giữa văn nghệ sĩ và lãnh đạo UBND TP HCM, với chủ đề "TP HCM bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, tìm hướng đi mới cho nghệ thuật kịch nói trong xu thế hội nhập và phát triển", quy tụ hơn 100 văn nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật: cải lương, hát bội, xiếc, bóng rỗi, nhạc lễ, đờn ca tài tử..., ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TP HCM - cho biết từ năm 2019, mỗi quý một lần TP HCM sẽ tổ chức diễn nghệ thuật cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, kinh phí có thể vận động từ doanh nghiệp. Hoạt động này theo ông Tuyến là nhằm duy trì giá trị của nghệ thuật truyền thống.

Đừng "miễn phí hóa" cải lương

Đã có nhiều ý kiến trái chiều về dự án này của UBND TP HCM khi sân khấu cải lương đang hướng đến "thánh đường đúng nghĩa" sau 100 năm phát triển. Trước hết, phải khẳng định một thực tế là nghệ thuật cải lương không chết, chỉ có sàn diễn chết do nhiều năm qua các suất diễn cải lương không còn sáng đèn thường xuyên mà nguyên nhân hầu như ai cũng thấy. Không thể xem chương trình kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển của sân khấu cải lương đưa ra phố đi bộ vừa qua là một cú hích để vực dậy nghệ thuật cải lương. Bởi, đó chỉ là một chương trình nhằm tôn vinh sự đóng góp của nhiều thế hệ nghệ sĩ, một sự kiện văn hóa nghệ thuật. Còn dự án mỗi quý quảng bá cải lương tại phố đi bộ Nguyễn Huệ không thể nhân danh "cứu" cải lương nếu miễn phí hóa dành cho số đông. NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - nhắc lại: "NSND - đạo diễn Nguyễn Đình Nghi đã từng phát biểu rằng vở diễn đưa ra sân bãi đã là thứ phẩm, không thể là tuyệt phẩm khi mọi thủ pháp dàn dựng bị tước bỏ để vận chuyển gọn nhẹ. Dàn dựng vở diễn cải lương phục vụ ở sân bãi thì tính chất nghệ thuật vốn cần chất tự sự, trầm lắng của nghệ thuật cải lương gần như không đạt hiệu quả".

NSƯT Kim Tử Long bức xúc: "Nhiều năm qua, nghệ thuật cải lương đứng trước sức ép của thời đại, đời sống xã hội bị chiếm lĩnh bởi kỹ thuật số và giải trí truyền hình khiến nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống bị lép vế. Cải lương đã tự đánh mất người xem bằng sự dễ dãi, cứ gặm nhấm hào quang cũ, không quan tâm đến giới trẻ, giới trí thức và không giữ chuẩn mực nghệ thuật của mình. Cơ quan quản lý thiếu chiến lược, thiếu sự quan tâm. Nay nghệ sĩ chúng tôi càng thêm lo lắng khi TP quyết định đưa cải lương ra phố đi bộ diễn theo quý. Phố đi bộ quá đông du khách, họ chỉ ghé lại rồi đi, không thể thưởng thức trọn vẹn cả vở diễn, cả chương trình, sự xao động, ồn ào đó sẽ giết chết cảm xúc ca diễn của nghệ sĩ".

Theo NSƯT Thanh Nguyệt, vì lo ngại người xem cải lương ngày càng mất dần đi mà đưa cải lương ra phố đi bộ diễn miễn phí mỗi quý một lần là không ổn. Nên chăng đưa vào rạp, cụ thể là Nhà hát TP, nơi sẽ nâng cao giá trị nghệ thuật tác phẩm sân khấu. Cải lương không xa lạ với quần chúng thì đâu cần quảng bá. Cải lương cần "thánh đường" đúng nghĩa để tạo thêm nhiều tác phẩm giá trị.

Nên thận trọng với cải lương sau tuổi 100

Ngổn ngang nhiều trăn trở về hoạt động của sàn diễn cải lương ở tuổi 101, món nợ về một nhà hát đúng tầm, tạo "thánh đường" cho bộ môn nghệ thuật này vẫn còn canh cánh bên lòng của lãnh đạo TP HCM và đối với công chúng trân quý bộ môn nghệ thuật này. Hiểu về sự trăn trở đó, NSND Kim Cương nêu suy nghĩ của bà: "Xây nhà hát mới ở Thủ Thiêm theo chiến lược xây dựng thiết chế văn hóa của toàn TP là điều cần làm. Trước hết phải thận trọng khi đưa ra quyết sách gì mới cho bộ môn này để tránh gây tổn thương đối với các thế hệ nghệ sĩ. Tôi dự quá nhiều hội thảo, tọa đàm, nghe nhiều bức xúc của người trong giới nhưng có một điều không ai nói đó là cải lương vốn đã từng thu hút số đông giới bình dân và cả giới trí thức. Khán giả hồi thời hưng thịnh đi xem cải lương mặc veston, áo dài vì họ bước vào "thánh đường" đúng nghĩa. Ngày nay, xin đừng mặc định cải lương chỉ dành cho người nghèo. Theo tôi, có đưa vào bảo tàng, có bảo tồn cải lương thì cũng phải bán vé. Doanh nghiệp có thể nể nang lãnh đạo TP mà ủng hộ kinh phí để đưa cải lương ra phố đi bộ nhưng cũng phải nghĩ cho họ, mục tiêu quảng bá có đạt hiệu quả không khi mà thứ phẩm đưa ra kém chất lượng, rồi khán giả lại thất vọng với nghệ thuật cải lương".

Theo NSƯT Nam Hùng: "TP HCM nên tập trung vào việc xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ quản lý, đội ngũ diễn viên và đào tạo thế hệ khán giả trẻ... hơn là quảng bá cải lương theo sự kiện".

Chính cơ sở vật chất đi xuống là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng tác phẩm cải lương xuống dốc. Ông Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận việc cải lương xuống dốc một phần do sự buông lỏng của cơ quan quản lý. Về mặt bằng sân khấu, ông đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM rà soát những địa điểm nào chưa sử dụng cần được thu hồi để đưa vào khai thác hiệu quả hơn cho nghệ thuật cải lương.

Theo Người Lao động
Bình luận
Một tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật “Văn hóa Việt Nam-Tinh hoa di sản Kinh Bắc” của Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh tại Berlin. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN.
Câu quan họ Bắc Ninh vang lên giữa thủ đô Berlin
(Ngày Nay) - Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh mang những làn điệu dân ca quan họ được UNESCO vinh danh đến với cộng đồng người Việt tại Berlin, sau đêm diễn thành công trước đó một ngày tại thành phố Cottbus.
8 sản phẩm dữ liệu tiên phong triển khai thực hiện Nghị quyết 57
8 sản phẩm dữ liệu tiên phong triển khai thực hiện Nghị quyết 57
(Ngày Nay) - Chiều 11/4/2025, Trung tâm Dữ liệu quốc gia (Bộ Công an) và Hiệp hội Dữ liệu quốc gia đã có buổi làm việc về tự chủ công nghệ lõi phục vụ Nghị quyết 57. Tại buổi làm việc, 8 sản phẩm dữ liệu cốt lõi được giới thiệu, trao đổi. Đây đều là những sản phẩm dữ liệu ứng dụng trí tuệ Việt Nam, được kì vọng thúc đẩy kinh tế số phát triển.