Trên mạng xã hội, ca sĩ Trúc Nhân đã chia sẻ bài viết về du khách nước ngoài bị giật túi xách cùng với đó là dòng chú thích “Bạn ơi, đừng đến quê hương chúng tôi” khiến nhiều người phẫn nộ.
Theo như chia sẻ của Trúc Nhân, ngày 11/3, hai du khách người châu Âu (một nam, một nữ) đang đi bộ trên đường Lương Hữu Khánh, hướng từ đường Nguyễn Trãi ra đường Bùi Thị Xuân, thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) thì bất ngờ bị hai thanh niên đi xe máy theo chiều ngược lại giật phăng túi xách của cô gái đang đeo trên vai và chạy mất.
Chia sẻ của nam ca sĩ Trúc Nhân trên mạng xã hội. Ảnh: Facebook.
Theo một số nguồn tin cho biết, toàn bộ giấy tờ tùy thân và tiền bạc của cô đều nằm trong túi xách đó nên khi bị giật mất đồ, cô “hoảng” đến mức chỉ biết ngồi sụp xuống đất và khóc. May mà cô còn khóc chứ cô lại đứng ngây ra cười thì có lẽ mức độ nghiêm trọng của nạn cướp giật đã được nâng thêm một tầm cao mới.
Sau mỗi lần bị cướp hoặc chứng kiến người bị cướp (đặc biệt là du khách nước ngoài), chúng ta phẫn nộ, chúng ta trút hết tức giận vào mười đầu ngón tay, nhờ bàn phím nói hộ lòng mình, kêu gọi mọi người chia sẻ để...like động viên nạn nhân. Nhưng sau đó rồi sao?
Sau đó thì cướp vẫn hoàn cướp, du khách nước ngoài đến thì vẫn bị cướp. Vòng tròn cảm xúc của người chứng kiến, người bản địa cứ thế lặp đi lặp lại. Chỉ có du khách thì chẳng bao giờ quay lại Việt Nam!
Đương nhiên, ngược lại hoàn toàn với quan điểm của những người đã đang hoặc sẽ “ném đá” ca sĩ Trúc Nhân, tôi hoàn toàn đồng ý với việc kêu gọi du khách nước ngoài đừng đến Việt Nam nói chung hoặc nơi nào có nhiều nguy hiểm rình rập như cướp giật, trộm cắp nói riêng...
Trong hoàn cảnh xã hội như hiện nay và ngay sau khi đọc chia sẻ của Trúc Nhân, tôi chợt nhớ đến câu thoại bất hủ trong truyện tranh Conan: “A secret makes a woman woman” (Bí mật làm nên sự quyến rũ của người phụ nữ). Hay “phũ phàng” hơn là câu nói của nhà văn Mark Twain: “Chẳng thà mình không nói để người ta tưởng mình ngu, còn hơn mở miệng ra để người ta không còn nghi ngờ gì nữa”.
Quả thực, lúc mọi thứ chưa phơi bày rõ ràng mà chỉ mấp mé ở ranh giới của sự “mập mờ” thì sẽ hấp dẫn, thu hút hơn rất nhiều.
Thà rằng du khách nước ngoài “đừng đến quê hương chúng tôi” để Việt Nam còn giữ được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng các bạn ngoại quốc về con người, về phong cảnh.
Hoặc chí ít khi du khách không đến Việt Nam thì tất cả mọi sự tiêu cực, những mặt trái, tệ nạn xã hội đều chỉ nằm trong diện “nghi hoặc” hay “lời đồn” chứ không phải “rõ ràng”, nói có sách, mách có chứng khiến cho du khách “phát ớn” khi nhắc về bốn chữ: “Du lịch Việt Nam”.
Nên giờ đây, tôi chỉ ước rằng các bạn đừng đến Việt Nam, hãy đợi đến khi TP.HCM dẹp yên được nạn cướp giật, đợi đến khi dịch vụ du lịch được cải tiến thì chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón!
Thế mới thấy ca sĩ Trúc Nhân chẳng có gì đáng để chê trách, để miệt thị với những “mỹ từ” như “não ngắn”, “tay nhanh hơn não”... mà cư dân mạng dành tặng cho anh.
Đôi khi, những nhận định đúng đắn luôn bị “dìm” và “ném đá” đến mức không thể ngóc lên được bởi sự sĩ diện và lòng “tự hào hão” của một số người không dám nhìn thẳng vào sự thật.
Nhiều người không chấp nhận cảnh trộm cắp, cướp giật, bất lực trước vấn nạn đó nhưng lại muốn du khách nước ngoài đến “thăm” “chiêm ngưỡng”, “thưởng thức” những “đặc sản đầy khốc liệt”. Thế chẳng phải quá tham lam và ích kỉ hay sao?
Thế nên nếu không muốn trải nghiệm du lịch mạo hiểm thì xin đừng đến Việt Nam!
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả