Ngày 12-10, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết: Thời gian tới đây (từ cuối năm 2017 trở đi), việc xử phạt vi phạm qua hình ảnh (còn gọi là “phạt nguội”) sẽ là biện pháp trọng tâm, căn cơ của CSGT trong việc xử phạt vi phạm giao thông.
Tránh đối đầu trực tiếp giữa CSGT và người vi phạm
Theo đó, Phòng PC67 sẽ nâng cấp và hoàn thiện trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông thành hệ thống quản lý, xử lý hình ảnh vi phạm giao thông. Cụ thể là sẽ lắp đặt hệ thống camera giám sát trên toàn TP, nâng số camera lên hàng trăm máy. Camera sẽ tập trung tại các giao lộ phức tạp, vừa phục vụ việc giám sát tình hình, vừa ghi hình, xử phạt, trích xuất hình ảnh vi phạm.
“Việc này sẽ tạo cho người dân ý thức chấp hành pháp luật, vì khi tham gia giao thông, biết khu vực nào có camera giám sát thì người dân sẽ tự điều chỉnh hành vi. Đồng thời, hệ thống camera với tính chính xác sẽ xác lập chuẩn hành vi vi phạm, tránh sự đối đầu trực tiếp giữa CSGT với người dân” - Trung tá Huỳnh Trung Phong nói.
Ngoài ra, tại các tuyến cửa ô, các địa bàn giáp ranh như Bình Chánh - Long An, Tây Ninh - Củ Chi, hệ thống camera cũng sẽ được thiết lập nhằm cảnh báo người dân ở các địa phương khác khi di chuyển vào địa bàn TP.HCM lưu ý để tránh vi phạm.
Thông tin chính thức về danh sách “phạt nguội”
Cùng ngày, Trung tá Huỳnh Trung Phong đã có thông tin chính thức về việc TP.HCM công bố danh sách các xe vi phạm đã bị camera của lực lượng CSGT ghi hình lại. Trong đó nhiều xe vi phạm hàng chục lần nhưng chưa đóng phạt.
Trung tá Phong khẳng định danh sách đăng tải trên cổng thông tin điện tử Công an TP.HCM chỉ là thông báo cho người dân biết rằng biển số xe này vào thời gian đó đã vi phạm với lỗi cụ thể. Danh sách này chưa xác định được ai là người vi phạm và quyết định xử phạt vi phạm sẽ dành cho ai, vì có nhiều trường hợp chủ xe cho mượn, cho thuê xe, xe của các doanh nghiệp, đơn vị vận tải,…
Theo đó, thông qua hệ thống camera xử phạt, sau khi đã ba lần gửi thông báo vi phạm về cho chủ phương tiện mà chủ xe không đến phối hợp thì sẽ đưa thông tin, dữ liệu này lên cổng thông tin điện tử Công an TP.
Vì vậy khi nhận được thông tin này, ông Phong khuyến cáo chủ xe có trách nhiệm thông báo cho người vi phạm biết. Trường hợp chưa biết người vi phạm thời điểm đó là ai thì chủ xe có thể liên hệ với Phòng PC67 để được cung thông tin liên quan nhằm xác lập người điều khiển phương tiện. Sau đó CSGT chỉ lập biên bản vi phạm hành chính đối với người đó chứ không phải chủ xe là người chịu tất cả lỗi vi phạm đã thông báo.
“Sẽ có trường hợp lập biên bản đối với người chủ xe trong trường hợp chủ xe cũng là người điều khiển xe vi phạm lúc đó. Còn các trường hợp khác chủ xe chỉ phối hợp để tìm người vi phạm” - ông Phong nhấn mạnh.
“Vì sao thông báo vi phạm không đến tay chủ xe khiến họ phát hoảng khi thấy tên của mình xuất hiện trong danh sách công bố trên cổng thông tin điện tử Công an TP?”. Trả lời câu hỏi này, Trung tá Huỳnh Trung Phong cho hay có thể người chủ không tiến hành sang tên nên không xác định được chủ xe cũ; một số chuyển nhà đi nơi khác, đi nước ngoài, công tác thì thư báo không đến được.
Cá biệt có trường hợp chủ xe nhận được thông báo của cơ quan chức năng nhưng không thực hiện công tác phối hợp.
Theo Pháp luật TP HCM