Chị Nguyễn Thanh San, 51 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội là giảng viên đại học. Cách đây 4 năm, khi đi khám sức khoẻ tổng quát, chị bất ngờ phát hiện u buồng trứng.
Theo chị San, những năm trước đó chị vẫn đều đặn đi khám sức khoẻ định kỳ nhưng chủ quan không siêu âm nên không phát hiện ra.
Đặc biệt, cùng lúc, em gái chị San là chị Nguyễn Thị Hà, 38 tuổi cũng được chẩn đoán mắc bệnh này. Sau đó, 2 chị em cùng đi phẫu thuật cắt u tại BV Phụ sản TƯ.
Kết quả sinh thiết cho thấy, cả 2 chị em đều mắc ung thư ác tính, trong đó chị Hà ở giai đoạn 1, tình trạng của chị San nặng hơn nên phải hoá trị, được chuyển sang BV Ung bướu Hà Nội điều trị.
Chị San chia sẻ, trong 4 tháng nhập viện truyền hóa chất, cuộc sống của chị và gia đình bị xáo trộn nhiều, chị cũng phải tạm nghỉ việc để nằm viện. May mắn, được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, cơ thể đáp ứng tốt với hoá chất nên chị đã ổn định, đi làm trở lại.
Sau khi xuất viện, từ 2016 đến nay, đều đặn 3 tháng, chị San và chị Hà lại đi kiểm tra sức khỏe 1 lần, các kết quả đều rất khả quan.
Bên cạnh đó, nhờ luôn tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ như sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học, tích cực luyện tập thể dục… nên hiện tại, 2 chị hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn đi làm hàng ngày và có cuộc sống bình thường như bao người.
“Ban đầu khi nghe đến ung thư, tôi hoang mang, lo sợ lắm. Nhưng được bác sĩ giải thích và gặp thêm nhiều bệnh nhân ung thư, tâm trạng tôi ổn định dần, sống lạc quan hơn. Đến giờ, nếu tôi không kể, thì không ai nghĩ tôi là bệnh nhân ung thư”, chị San chia sẻ.
Trong khoảng thời gian nằm viện, chị San được bác sĩ giải thích, ung thư buồng trứng có có yếu tố di truyền nên ngay lập tức, chị đã nhắn tin cho cô em gái Thúy Hằng, 40 tuổi ở bên Mỹ đi khám sức khoẻ.
Không ngờ, chị Hằng cũng nhận được kết quả có u ở buồng trứng nhưng may mắn là u lành tính.
Theo nghiên cứu trên toàn thế giới, ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp thứ 2 ở nữ giới sau ung thư cổ tử cung.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1.500 ca mắc ung thư buồng trứng, trong đó khoảng 50% tử vong, do hầu hết bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Loại ung thư này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở phụ nữ 50-65 tuổi, trong đó có khoảng 10% liên quan đến di truyền, cụ thể liên quan đến các đột biến gen BRCA1 và BRCA2. Do đó, nếu trong nhà có mẹ hoặc chị em gái mắc bệnh, những nữ giới còn lại cũng là đối tượng có nguy cơ cao, cần được tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện sớm.
Ở giai đoạn sớm, ung thư buồng trứng hầu như không có dấu hiệu, nhưng khi có những dấu hiệu cảnh báo kéo dài trên 2 tuần như đau bụng dưới rốn, đau khi quan hệ tình dục, thay đổi kinh nguyệt, thay đổi thói quen tiểu tiện, đại tiện, hay chướng bụng, sụt cân không rõ nguyên nhân... thì chị em cần lưu ý.
Để điều trị ung thư buồng trứng, tùy giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật, hoá trị hay xạ trị. Nếu phẫu thuật ở giai đoạn sớm, bác sĩ có thể chỉ loại bỏ một bên buồng trứng, giúp bảo toàn khả năng sinh con trong tương lai cho bệnh nhân.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.