Minh “hấp” và những chiếc áo “Xin đừng đánh” chẳng còn xa lạ với những người dân sống quanh khu vực Trường Chinh, Hà Nội.
Ai cũng biết Minh chỉ là một “cậu bé” ngớ ngẩn, ngờ nghệch sống trong vỏ bọc của chàng thanh niên 26 tuổi.
Vài năm trở lại đây, Minh lúc nào cũng mặc những chiếc áo được viết chi chít dòng chữ “Xin đừng đánh” và số điện thoại khiến người Minh tựa như những bức tường quảng cáo dịch vụ Khoan cắt Bê – tông.
Đương nhiên, khi người ta thiếu điều gì thì họ mới cầu xin điều đó. Cha của Minh viết lên áo cậu dòng chữ “Xin đừng đánh” thì chắc hẳn Minh luôn thiếu an toàn khi “hòa nhập” vào xã hội.
Minh "hấp" và chiếc áo với dòng chữ "Xin đừng đánh". Ảnh: Trí thức trẻ.
Tuy nhiên, hành động đó của Minh khiến tôi nhớ đến việc “chửi” của Chí Phèo (Trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao). Chí chửi không phải vì Chí ghét bỏ, thù hằn ai trong làng Vũ Đại mà Chí chửi đơn giản vì hắn muốn được người khác “công nhận”, muốn được có người “đối thoại” lại, quan tâm tới hắn.Minh luôn gây khó chịu cho người khác bởi những hành động (có thể) là vô thức của mình như bấm chuông cửa, trêu chọc người khác, ném những hòn sỏi nhỏ vào nhà hàng xóm,...
Minh cũng vậy, phải chăng từ sâu trong nhận thức của mình, Minh luôn cảm thấy tủi hờn khi mình bị hắt hủi, trở thành người “vô hình” trong xã hội. Với sự ngờ nghệch của cậu thì cậu chỉ có thể gây chú ý, làm bạn với “xã hội” bằng cách “gây sự”.
Câu nói: “Khôn cho người ta rái**, dại cho người ta thương” có lẽ buộc phải lùi về quá khứ bởi giờ đây khôn thì người ta ghét còn dại thì người ta “phang”!
Minh dại, ai cũng biết điều đó. Không chỉ những người sống quanh khu vực Trường Chinh mà chắc hẳn ai lần đầu gặp Minh cũng đều nhận ra rằng cậu ấy có những biểu hiện không hề bình thường.
Vậy mà không ít lần Minh bị đánh, sỉ nhục và hắt nước vào người, thậm chí bị chém đến chảy máu đầu chỉ vì những hành động vô thức của mình.
Những hành động của Minh gây ức chế và phiền phức nhưng liệu nó có đáng để chúng ta phải “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, có đáng để chúng ta mất công mất sức sỉ nhục, chửi bới cậu, có đáng để chúng ta lại một lần nữa cứa vào những tổn thương mà người cha, người mẹ phải chịu hơn 26 năm qua?
Phải chăng giờ đây con người ngày càng ích kỉ, gai góc và “hèn hạ” khi “ăn thua” với cả một người không có khả năng tự vệ, không có khả năng nhận thức bình thường?
Chiếc áo “Xin đừng đánh” của Minh không chỉ chứa đựng tình yêu thương vô bờ của cha mẹ mà nó còn là lời tố cáo những con người hèn hạ, ích kỉ khi chỉ biết “ra nắm đấm” với những người yếu thế hơn mình.
Thế nên tôi không hề thấy cảm động hay thương xót khi nhìn tấm áo đó của Minh mà tôi chỉ thấy ức nghẹn với cách con người đối xử với nhau trong thời buổi hiện nay.
Và giờ đây, tôi chỉ hi vọng một ngày được nhìn thấy Minh được mặc quần áo như – người – bình – thường, dòng chữ "Xin đừng đánh" không còn xuất hiện trên áo của cậu nữa. Và ngày đó chính là ngày người sống "tử tế" với người hơn.
(**Sợ - từ cổ)
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả