Cầu treo Sam Lang. |
Trưa 23/7, từ xã biên giới Nà Hỳ (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), tiếu tá Phương Công Quý, Đồn trưởng Đồn biên phòng Nà Hỳ điện thoại về, cho biết do mưa lũ quá lớn nên cây cầu treo Sam Lang đã bị hư hỏng không thể đi lại được.
Theo thiếu tá Quý, do ảnh hưởng bão Rammasun, từ ngày 18-7 ở khu vực Nậm Pồ xuất hiện mưa, đặc biệt mưa lớn suốt cả đêm 19-7 đến tận sáng 20-7, làm nước lũ sông Nậm Pồ dâng tràn cả vào cổng đồn, điều trước nay chưa từng có.
Do lượng mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về sông Nậm Pồ cao kỷ lục nên rất nhiều cây lớn, đồ vật đã bị mắc lại ở cầu treo Sam Lang. Cây và rác quá nhiều, cộng nước lũ quá cao và siết đã làm đứt hệ thống cáp treo khiến mặt cầu bị sập, không thể đi lại được.
Một số cột điện ở xã Nà Hỳ cũng đổ, gãy làm mất điện lưới suốt từ ngày 19-7 đến nay.
Trao đổi với PV (qua điện thoại), ông Nguyễn Văn Thái - chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ - và ông Đỗ Văn Chung - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên - đã xác nhận thông tin cầu treo Sam Lang bị lũ cuốn đứt cáp, hiện không thể đi lại được.
Theo ông Thái, đợt mưa lũ vừa qua là “trận lũ lịch sử”, khiến mực nước sông Nậm Pồ đạt mức kỷ lục. Lũ lớn đã làm hư hại toàn bộ trên 400 ha lúa nước của dân vừa mới cấy ở những cánh đồng dọc hai bên sông Nậm Pồ. Lũ cũng cuốn trôi toàn bộ một ngầm dài trên 100m ở xã Nà Khoa. Rất may, không gây thiệt hại về người, nhà cửa…
Ông Đỗ Văn Chung - phó giám đốc Sở GTVT Điện Biên - cũng cho biết mưa lũ lớn làm sạt lở, chia cắt tuyến đường quốc lộ 12 (Điện Biên đi Mường Lay và tỉnh Lai Châu) và quốc lộ 4H (đi huyện Nậm Pồ, Mường Nhé) từ ngày 19-7. Tỉnh đã chỉ đạo, khẩn trương khắc phục nên đến chiều 22-7 cơ bản đã thông tuyến, xe ô tô đã có thể vào đến trung tâm các huyện.
Về việc cầu treo Sam Lang bị hư hại, ông Chung cho biết chiều 22-7 đã cử một đoàn công tác lên kiểm tra và sáng nay đoàn đã cùng các phòng chức năng huyện Nậm Pồ đi kiểm tra trực tiếp hiện trường để đánh giá thiệt hại, hướng khắc phục.
Do đường từ Nà Hỳ đến cầu treo bị sạt lở, chỉ có thể đi bộ, nên dự kiến chiều tối nay khi trở ra đoàn mới có báo cáo chính thức.
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Tăng Cương - tổng giám đốc Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (đơn vị thiết kế cầu và được Bộ GTVT giao trực tiếp thi công) - cho biết đã nắm được thông tin. Tuy chưa lên kiểm tra đánh giá thiệt hại trực tiếp, nhưng qua phản ánh, xí nghiệp đã cử ngay đoàn công tác đem theo cả cáp lên để kiểm tra, thay thế.
Theo ông Cường, việc thay cáp chỉ trong vòng một tuần là xong, nhưng việc thay cáp lại phụ thuộc vào mực nước trên sông Nậm Pồ.
Theo thông cáo vừa phát của Bộ GTVT, do ảnh hưởng của cơn bão Rammasun đã gây mưa to trên diện rộng, tạo thành trận lũ lịch sử từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập lụt nhiều khu vực tại huyện Nậm Pồ, trong đó có xã Na Hỳ, nơi cầu treo Sam Lang mới được xây dựng.
Thông tin ban đầu cho biết do một bè gỗ lớn theo lũ dồn về đâm va mạnh vào cầu Sam Lang gây đứt cáp, cùng với sức nước quá lớn đã làm lật cầu.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo Sở GTVT Điện Biên và các cơ quan chức năng của bộ khẩn trương đến ngay hiện trường để triển khai các biện pháp nhanh chóng khắc phục, dựng lại cầu để sớm bảo đảm việc đi lại thuận lợi cho người dân.
Cầu treo Sam Lang được xây dựng bởi sự chỉ đạo trực tiếp của bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, sau khi xuất hiện câu chuyện người dân, giáo viên, học sinh ở Sam Lang mùa lũ qua suối phải chui vào túi ni lông đăng trên báo.
Cầu được thiết kế, xây dựng theo kết cấu mới nhất Việt Nam, khung thép, sàn thép, là loại cầu “bán vĩnh cửu” (tức là có thời gian sử dụng đảm bảo độ an toàn ít nhất từ 25 năm trở lên).
Chiều dài giữa hai trụ cổng cầu 70m (chưa kể đường dẫn 2 bên đầu cầu từ trụ cầu đến mố neo mỗi bên dài 15m), rộng mặt cầu 1,5m. Cầu làm toàn bộ bằng thép ống tổ hợp từ trụ tháp cầu (cao 7m, hình chữ “H”) cho đến dầm dọc, dầm ngang, lan can, mặt sàn…
Cây cầu được khởi công xây dựng ngày 11-4, và sau một tháng thi công khẩn trương, ngày 5-5 cây cầu đã được khánh thành, bàn giao chính thức đưa vào sử dụng.