Chén Thánh: Biểu tượng độc đáo của tôn giáo và văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Khi bước vào một nhà thờ hay thánh đường cổ kính, ta có thể dễ dàng bắt gặp một trong những thánh tích huyền thoại được đặt phía sau lớp kính bảo vệ nghiêm ngặt: Chén Thánh.
Chén Thánh: Biểu tượng độc đáo của tôn giáo và văn hóa

Biểu tượng đại chúng

Chỉ riêng ở châu Âu đã có tới khoảng 200 chiếc ly đều được cho là Chén Thánh – chiếc ly được chúa Jesus dùng để uống rượu vang trong Bữa Tối Cuối Cùng, và cũng là chiếc ly mà Joseph xứ Arimathea đã dùng để hứng máu của Jesus khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá.

Nhiều con chiên đã đổ xô đến các nhà thờ lớn để chiêm ngưỡng và cầu nguyện trước những chiếc chén đó. Nhưng đâu mới là chén thánh thật – và nó có thực sự tồn tại hay không? Đó vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp hoàn toàn chính xác.

Bỏ qua những nhận định không rõ ràng về nguồn gốc, chúng ta có thể công nhận rằng hình tượng Chén Thánh đã ăn sâu vào trí tưởng tượng của đại đa số người dân, dù là người theo đạo hay ngoại đạo.

Trong văn học, nghệ thuật và phim ảnh, ta có thể dễ dàng bắt gặp những cốt truyện xoay quanh các công cuộc khai quật và tìm kiếm, và trong đó, cụm từ “holy grail” (Chén Thánh) thường được sử dụng để chỉ một mục tiêu đóng vai trò mấu chốt cuối cùng. Ngoài ra, những đột phá y học lớn cũng thường được gọi với cái tên “holy grail” (Chén Thánh).

Chén Thánh: Biểu tượng độc đáo của tôn giáo và văn hóa ảnh 1

Hình tượng Chén Thánh xuất hiện trong điện ảnh đại chúng.

Trong văn hóa đại chúng, biểu tượng Chén Thánh cũng mang sức ảnh hưởng quan trọng. Nhà Văn Dan Brown đã kiếm được hàng triệu đô la từ những nhận định của mình về Chén Thánh trong tiểu thuyết “Mật mã Da Vinci”, trong đó ông đưa ra giả thuyết rằng Chén Thánh thực chất không phải là một đồ vật, mà là một bí mật – rằng Chúa Jesus đã có con với Mary Magdalene. Và đương nhiên chúng ta không thể không nhắc tới phân cảnh tài tử Harrison Ford với tay chạm vào “chiếc cốc của người thợ mộc” trong bom tấn “Indiana Jones và cuộc Thập tự chinh cuối cùng”.

Ngay cả những văn hóa phẩm có nội dung không liên quan đến Cơ đốc giáo cũng thường xoay quanh các cuộc tìm kiếm và khai quật – từ loạt tiểu thuyết Harry Potter đến “Chúa tể của những chiếc nhẫn”.

Tuy nhiên, khi bỏ qua những biến thể hiện đại đó, chúng ta sẽ có một lời giải thích đơn giản hơn: Chén Thánh được cho là chiếc chén mà Chúa Jesus đã sử dụng trong Bữa Tối Cuối Cùng.

Chén rượu mà Chúa Jesus đã uống trước khi bị bắt giữ, xét xử, kết án và bị đóng đinh trên cây thập tự tất nhiên sẽ được coi là báu vật vô giá đối với những người theo đạo trên khắp thế giới. Do tầm quan trọng của sự kiện chúa Jesus bị đóng đinh và bí tích thánh thể trong Thiên Chúa Giáo, cùng với những truyền thuyết về sức mạnh và khả năng tạo ra phép lạ, “chén thánh” ngày càng thu hút mối quan tâm sâu sắc từ cả các con chiên và những người ngoại đạo.

Bà Joanne Pierce, giáo sư ngành Tôn giáo học tại Cao đẳng Holy Cross, Massachusetts, cho biết hiện chỉ đang tồn tại một vấn đề duy nhất.

"Thành thật mà nói, tôi không nghĩ chiếc ly được dùng trong Bữa Tối Cuối Cùng vẫn còn tồn tại đến bây giờ", bà nói.

"Chúa Jesus chắc chắn đã sử dụng một ly uống rượu trong Bữa Tối Cuối Cùng, nhưng theo một số lời tường thuật trong sách Phúc âm, căn phòng nơi diễn ra bữa tiệc đã được chuẩn bị từ trước. Vì vậy, chiếc cốc có thể còn không phải là cốc của Người".

Là một người Công giáo, bà Pierce cho biết Chén Thánh đối với bà mang ý nghĩa trừu tượng nhiều hơn là một món đồ vật lý, là "một biểu tượng văn hóa hơn là một thánh tích tôn giáo".

Nhưng đối với nhiều người, Chén Thánh là một đồ vật có thật và được trưng bày ở Valencia (Tây Ban Nha). Hoặc Léon (Tây Ban Nha). Hoặc Genoa (Ý). Hoặc bất kỳ nơi nào trong số những địa điểm được cho là nơi cất giữ Chén Thánh.

Chúng ta thậm chí có thể cảm nhận được sức mạnh huyền bí của Chén Thánh khi đến thăm một trong những địa điểm cất giữ bí mật của thánh tích này. Ví dụ như trên núi Montserrat nằm ở ngoại ô Barcelona (Tây Ban Nha). Hoặc một vùng nông thôn tại Ba Lan, nơi mà các Hiệp sĩ dòng Đền có thể đã cất giấu chiếc chén. Hoặc xung quanh Glastonbury Tor - ngọn đồi bí ẩn ở miền nam nước Anh. Theo truyền thuyết thời trung cổ, Joseph xứ Arimathea đã mang Chén Thánh đến đây ngay sau khi Chúa Jesus qua đời.

Tại Nhà thờ chính tòa Valencia nằm ở phía đông Tây Ban Nha, một nhà nguyện đã được xây dựng riêng để cất giữ "Santo Cáliz" (“Chén Thánh” trong tiếng Tây Ban Nha)

"Các lời tường thuật cho thấy rằng đây chính là chiếc ly mà Chúa đã sử dụng trong Bữa Tối Cuối Cùng để thiết lập Bí tích Thánh Thể", theo trang web của nhà thờ lớn mô tả về "Chén Thánh của Bữa Tiệc Ly".

Họ tin rằng Thánh Peter đã mang Chén Thánh đến Rome, từ đó chiếc chén được gửi đến Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ ba sau Công nguyên.

Trang web của hội đồng du lịch Valencia cũng mô tả chiếc cốc là "Chén Thánh được Chúa Jesus sử dụng trong Bữa Tiệc Ly". Việc thành phố Valencia tuyên bố sở hữu Chén Thánh dĩ nhiên đã thu hút rất nhiều khách du lịch. Và cách thức quảng bá du lịch này vốn tồn tại từ thời trung cổ, khi những người châu Âu tham gia vào cuộc Thập tự chinh khi đó đã mang về vô số "thánh tích" từ Jerusalem.

Từ thánh vật được tôn thờ đến đồ lưu niệm sinh lời

Trên thực tế, thánh tích đã được đặt ở vị trí trung tâm của Kitô giáo ngay từ thuở sơ khai, bà Pierce cho biết.

Khi những tín đồ Công giáo đầu tiên chấp nhận tử vì đạo, các con chiên sẽ cầu nguyện tại mộ của họ: "Thánh tử đạo đóng vai trò là người bảo trợ hoặc đấng trung gian giúp dâng lời cầu nguyện của các tín đồ khác lên thiên đàng". Nhận định này bắt nguồn từ một tập tục La Mã cổ đại, nơi mà "hệ thống bảo trợ là một phần quan trọng của xã hội". Niềm tin đối các vị thánh giúp làm tăng sức nặng hoặc giúp gửi gắm lời cầu nguyện đến đúng nơi vẫn tồn tại trong Kitô giáo ngày nay.

Nhưng không chỉ có ngôi mộ của các thánh tử đạo mà bất kì điều gì liên quan đến cơ thể của họ hoặc những thứ họ đã chạm vào đều trở nên “thiêng” hơn. Bà Pierce chia sẻ rằng: "Những đồ vật mà họ có thể đã chạm vào đều được coi là có mang ân sủng linh thiêng".

Tất nhiên, chiếc chén mà Chúa Jesus cầm trên tay khi Người chỉ giáo cho các tông đồ cách cử hành nghi lễ Thánh Thể và khi Người tuyên bố rằng Người sắp bị phản bội, nghiễm nhiên trở thành di vật linh thiêng nhất trong các thánh tích.

Vì vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có vô số công cuộc truy tìm Chén Thánh từng được tiến hành trong lịch sử.

Bà Pierce cho biết, trong thời kỳ Thập tự chinh, cuộc đời của Chúa Jesus trên Trái đất trở thành mối quan tâm đặc biệt đối với người dân châu Âu. Họ di chuyển liên tục tới Đất Thánh Jerusalem để tìm kiếm những hiện vật có thể liên quan đến Chúa. Đó chính là lý do vì sao hầu hết các “Chén Thánh” đều xuất hiện ở châu Âu và được trưng bày trong các nhà nguyện tại ở lục địa này.

Mathew Schmalz, chủ biên sáng lập Tạp chí Công giáo Toàn cầu và đồng thời là giáo sư nghiên cứu thuộc khoa Tôn giáo học tại Holy Cross, cho biết: "Điều này cũng tương tự sức hấp dẫn của các hiện tượng siêu nhiên trong xã hội hiện đại".

“Vào thời Trung cổ, sức hấp dẫn này đã đạt đến độ nhận diện mà trước đây chưa từng có.”

Nhưng qua nhiều thế kỷ, việc thu thập thánh tích không chỉ đơn thuần phục vụ mục đích tôn giáo, Schmalz nói. Ông cho biết có “thánh tích mang lại nhiều lợi ích kinh tế khác nhau liên quan đến phong tục hành hương”.

“Nhiều thánh tích đã bị lấy trộm khỏi các ngôi mộ và phân tán rộng rãi, biến nhiều nơi trở thành địa điểm hành hương. Đây là một hoạt động kinh doanh sinh lời cao đối với những người có sở hữu thánh tích”. Khách du lịch sẽ hành hương đến những nơi này và góp phần thúc đẩy nền kinh tế địa phương.

Ngoài ra, các thánh tích tôn giáo cũng mang đậm tính chính trị vào thời kỳ Thập tự chinh. Ông Schmalz cho biết “Việc tìm thấy những vật phẩm như ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Chúa Kitô được coi là lời khẳng định cho sứ mệnh thiêng liêng - ‘giải phóng’ Đất Thánh”.

Đó là một trong những lý do khiến một số thánh tích được “tìm thấy” quá nhiều - đến mức chúng không thể là hàng thật.

“Bạn có thể xây được cả một thành phố bằng loại gỗ mà vô số người cho là thuộc về cây thập giá dùng để đóng đinh Chúa Jesus”, ông nói.

Chúa Jesus hay Vua Arthur?

Đối với những người theo đạo Thiên chúa, Chén Thánh có thể được biết đến như một thánh tích. Nhưng qua nhiều thế kỷ, chiếc ly này cũng mang theo mối liên hệ mật thiết với những cái tên khác. Trước hết, hình ảnh Chén Thánh đã gắn liền với Vua Arthur huyền thoại từ thời Trung cổ nhờ vào thơ ca hiệp sĩ.

Một bài thơ tiếng Pháp được viết thế kỷ thứ chín đưa ra giả thuyết rằng Joseph xứ Arimathea đã dùng Chén Thánh để hứng máu của Chúa Jesus trong quá trình đóng đinh và sau đó đã mang chiếc chén đến Glastonbury - nơi hiện là Vương quốc Anh.

"Bài thơ này đã được kết hợp với các truyền thuyết của người Celt, Ireland, xứ Wales và tiền Kitô giáo để mô tả các vật thể mang sức mạnh", cô nói.

Theo thần thoại cổ đại, từ "graal" hoặc “grail” trong tiếng Anh ban đầu dùng để chỉ một chiếc đĩa sâu, đĩa đựng thức ăn hoặc thậm chí là chiếc vạc thuộc về các vị vua Anh trước đây.

Vào thế kỷ 12, bài thơ “Perceval, the Story of the Grail” của Chrétien de Troyes mô tả một cuộc phiêu lưu hào hùng với sự xuất hiện của Vua Arthur và các Kỵ sĩ Bàn Tròn, cùng với một ngọn giáo đẫm máu – và một chiếc chén lấp lánh có khả năng chữa bệnh kỳ diệu.

Đến thế kỷ 15, nhân vật Perceval - một hiệp sĩ thuộc hội Bàn Tròn của vua Arthur, đã được phong tước thành Sir Galahad. Galahad đã thành công tìm thấy chén thánh và chọn cách hy sinh trên đường trở về sau khi được chiêm ngưỡng viễn cảnh thiên đường. Hơn nữa, Galahad còn có khả năng chữa lành bệnh tật và thực hiện phép màu.

Người phụ nữ tìm ra Chén Thánh

Vậy cuộc sống ở một thành phố sở hữu Chén Thánh sẽ như thế nào? Các đại diện từ Nhà thờ Valencia không đưa ra bình luận về điều này. Tương tự, nhà thờ Genoa của Ý cũng không phản hồi yêu cầu bình luận. Nơi này hiện đang trưng bày Sacro Catino - chiếc bát làm bằng ngọc lục bảo tuyệt đẹp từng được cho là Chén Thánh. Chiếc bát này là một tác phẩm nghệ thuật Hồi giáo có niên đại từ thế kỷ thứ 9 hoặc thứ 10 và được đưa đến Ý vào thế kỷ thứ 11.

Tuy nhiên, Margarita Torres Sevilla- một giáo sư lịch sử tại Đại học Léon, Tây Ban Nha - tin rằng Chén Thánh hiện đang nằm ở quê hương của bà. Trên thực tế, Torres đã tìm thấy một chiếc chén đơn sơ có niên đại từ thời trung cổ mà bà tin chính là Chén Thánh

Năm 2010, bà Torres cùng với đồng nghiệp José Miguel Ortega del Río đã làm việc tại Vương cung thánh đường San Isidoro ở Léon - một nhà thờ đồng thời là khu lăng mộ của vương triều Léon và Castilla. Ở đó, họ đã tiến hành nghiên cứu những cổ vật nằm trong bảo tàng lịch sử trung cổ của nhà thờ.

“Một số món đồ ở bảo tàng đến từ các quốc gia Hồi giáo nhưng không có tài liệu ghi chú chính xác”, bà nói. Trong số đó có “Chén Thánh Doña Urraca” – một chiếc chén bằng đá mã não khảm ngọc quý được cất giữ trong hộp đựng bằng vàng. Nó đã được đưa từ Ai Cập đến Tây Ban Nha vào thời trung cổ dưới hình thức quà ngoại giao.

Torres và Ortega del Río đã nghiên cứu sâu hơn về nguồn gốc của chiếc chén và nhờ đến sự giúp đỡ của một đồng nghiệp tại Cairo nhằm tìm kiếm các tài liệu giải đáp về sự xuất hiện của chiếc chén này ở Tây Ban Nha.

“Vào giữa thế kỷ 11, một nạn đói lớn đã xảy ra ở Ai Cập và vị vua khalip của nước này đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ các quốc gia Hồi giáo khác”, bà nói.

Thư viện trường đại học Al-Azhar ở Cairo hiện đang lưu trữ hai cuộn giấy da thuộc có niên đại từ thế kỷ 14. Một tấm là tài liệu lịch sử ghi lại việc taifa (người cai trị) của thành phố cảng Dénia, nằm ở gần Valencia ngày nay, đã gửi một con thuyền chở đầy thực phẩm đến Ai Cập.

Trong tấm giấy da có ghi chú thêm rằng để đổi lấy sự giúp đỡ, vị taifa đã đưa ra một yêu cầu: "đổi lấy chiếc cốc mà những người theo đạo Thiên chúa gọi là “Cốc của Đấng cứu thế” ... được sử dụng trong bữa tiệc với các môn đồ của mình".

Thông tin được ghi chép trong tấm giấy da cho biết chiếc cốc được tìm thấy trong "một nhà thờ nhỏ ở ngoại ô Jerusalem" và sở hữu "sức mạnh chữa lành phi thường" theo như lời kể của những người theo đạo. Tuy nhiên, tấm giấy cũng ghi rằng "các nhà khoa học và những người đam mê học thuật đã bác bỏ sức mạnh đặc biệt của chiếc chén".

Ali bnu Muyahid ad-Danii, người cai trị Denia, đã yêu cầu đổi lấy chiếc chén để ông có thể "gửi nó đến Vua Léon nhằm củng cố liên minh". Theo ghi chép lịch sử, vào năm trước đó, Léon đã tấn công Valencia và cuộc chiến tranh đang dần lan rộng đến thành phố Dénia. Vì vậy, có thể vị taifa đang muốn xoa dịu vua Ferdinand I của Léon do ông này bị mắc bệnh sỏi thận và taifa nghĩ rằng chiếc cốc thần kỳ có thể giúp chữa bệnh.

Một mảnh giấy da khác, cũng từ thế kỷ 14, được cho là bản sao của một lá thư được viết vào thế kỷ 12 bởi vị vua Ai Cập Salah ad-Din Yusuf ibn Ayyub (còn được gọi là Saladin). Vị vua này đã viết lá thư yêu cầu gửi mảnh vỡ của "hòn đá thánh" hoặc "chiếc cốc" bị hư hỏng trong quá trình di chuyển đến Dénia cho cô con gái đang ốm của ông.

Cô đã được chữa lành bằng cách đặt "mảnh đá đặt trên cơ thể mình", và mảnh đá này đã được cất giữ cẩn thận trong kho bạc công cộng của nhà nước Hồi giáo.

Bà Torres đã quay lại nghiên cứu chiếc cốc trong nhà thờ ở Léon.

"Chiếc chén thực sự có một vết nứt giống như tờ giấy da đã mô tả", Torres nói. "Chúng tôi biết mình đang nắm trong tay một món đồ tối quan trọng".

Torres và Ortega de Río cho biết đã xác định được niên đại của chiếc cốc mã não là vào thế kỷ thứ nhất và họ tin rằng công chúa Urraca, con gái của Ferdinand I, đã nung chảy tất cả đồ trang sức của mình để phủ đầy vàng bạc lên chiếc chén. Họ thậm chí còn xác định được chiếc cốc mã não có xuất hiện trong bức tranh “Bữa Tiệc Ly” tại đền thờ hoàng gia San Isidoro. Họ tin rằng đó là một gợi ý về sự tồn tại của chiếc chén.

Tất nhiên, không phải ai cũng đồng tình với phát hiện này. Một giáo sư ở đại học Oxford cho rằng việc khẳng định chiếc chén thực sự thuộc về Chúa Jesus là một điều "nực cười".

Trường hợp của Torres là một minh chứng cho sức ảnh hưởng của Chén Thánh trong văn hóa đại chúng, đặc biệt là khi bà nhận thấy phát hiện của mình giống như cách nhân vật Indiana Jones đưa ra một quyết định liều lĩnh trước khi tìm thấy Chén Thánh.

"Anh ấy đã nhắm mắt lại và bắt đầu hành trình tìm kiếm Chén Thánh. Cảm giác của chúng tôi cũng giống vậy", cô nói.

“Tôi là người theo đạo Thiên Chúa giáo, nhưng đồng nghiệp của tôi thì không. Mẹ tôi là một nhà sử học; bố của Jose là một nhà báo.” Họ không phải là kiểu người dễ bị xao nhãng bởi vấn đề đức tin.

Bà Torres cho biết, việc một công chúa tự nguyện hàn lại một chiếc cốc vỡ bằng vàng bạc của mình cũng “tương tự như việc con gái của Bill Gates nấu chảy đồ trang sức để sửa một món đồ chơi bị hỏng.”

Những tuyên bố của Torres chắc chắn là có sức thuyết phục. Và mặc dù bà là ủy viên hội đồng thành phố Léon phụ trách mảng du lịch từ năm 2015 đến năm 2019, bà cho biết bản thân “có thể vạch rõ ranh giới giữa công việc của một chính trị gia và một nhà sử học.”

Bà Torres có thể đảm bảo chiếc cốc mã não đó là chiếc cốc của Chúa Giêsu Kitô không? “Tôi có thể khẳng định rằng chiếc cốc được tôn thờ ở Jerusalem từ thế kỷ thứ tư đến thế kỷ thứ 11 giống hệt với chiếc chén thánh của công chúa Urraca,” bà nói.

“Nhưng tôi không thể biết chắc điều gì đã xảy ra từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ tư, vì tôi không ở Jerusalem, không ở cùng Chúa Jesus Christ, và bạn cũng vậy.”

‘Đức tin của tôi không phụ thuộc vào điều này’

Mặc dù bà Pierce không tin rằng Chén Thánh còn tồn tại, bà công nhận những vật phẩm như chén thánh Urraca vẫn mang nhiều giá trị văn hóa sâu sắc.

“Tôi thấy vô cùng hoài nghi… nhưng điều quan trọng là các di vật này vẫn được tôn thờ như những biểu tượng của văn hóa”, cô nói.

“Đức tin của tôi không phụ thuộc vào những món đồ như thế này. Đức tin đối với Chúa Jesus Christ không nhất thiết phải phụ thuộc vào những tàn tích vật lý thực sự về cuộc đời của Người”.

Bà so sánh công cuộc tìm kiếm Chén Thánh với Tấm vải liệm Turin. “Tôi đã từng thấy tấm vải đó và những câu chuyện xung quanh nó đều vô cùng lôi cuốn, nhưng các nghiên cứu cho thấy tấm vải thực chất thuộc về thời kỳ sau này. Điều đó không hề ảnh hưởng đến niềm tin của tôi vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Jesus Christ – có người tin vào nó đến mức họ đã thêu dệt nên câu chuyện về tấm vải liệm”, cô nói.

Ông Schmalz, người “nghi ngờ” về thực hư sự tồn tại của Chén Thánh, đồng ý với quan điểm của bà Pierce về tấm vải liệm.

Tuy vậy, ông cũng không bác bỏ nguồn gốc và sự tồn tại của tất cả các thánh tích vì chính ông cũng đã từng mặc một mảnh áo lễ của Giáo hoàng John XXIII quanh cổ. Ông nói rằng: "Tôi đã làm mất nó và nhiều người cho rằng tôi có thể đã bị quỷ dữ tấn công. Còn tôi tin rằng đó chỉ đơn giản là do sự bất cẩn của bản thân. Nhưng tôi cũng tin rằng thánh tích có vai trò vô cùng quan trọng - chúng kết nối chúng ta không chỉ với những vị thánh mà còn cả với Chúa".

Vậy Chén Thánh sẽ có hình thù như thế nào nếu nó thực sự tồn tại? Ông Schmalz đã đưa ra câu trả lời mà ông cho là hợp lý nhất: "Tôi đồng ý với quan điểm của Indiana Jones rằng đó sẽ chỉ là một chiếc cốc đơn giản - 'chiếc cốc của một người thợ mộc' ở một quán trọ nhỏ. Theo một cách nào đó, sự đơn sơ đó lại thấm nhuần ý nghĩa tôn giáo - một món đồ đơn giản và trần tục như vậy lại có thể chứa đựng máu của Chúa Kitô".

Vậy chiếc chén “đơn sơ” đó có phải là Chén Thánh ở Léon không? Hay Valencia? Hay bất kỳ nơi nào khác trong số 200 địa điểm được tuyên bố là nơi cất giữ thánh tích? Chúng ta sẽ không bao giờ biết được.

Nhưng một điều chúng ta biết đó là tưởng về chiếc cốc đơn giản của một người thợ mộc có vẻ sẽ tồn tại trong nhận thức của công chúng trong 2.000 năm nữa.

Theo CNN
Hố lớn trên đường lăn sân bay Miyazaki sau vụ nổ bom. Ảnh: CNN.
Bom từ Thế chiến II phát nổ tại sân bay Nhật Bản
(Ngày Nay) - Một quả bom Mỹ chưa được phát hiện từ Thế chiến II đã phát nổ tại một sân bay của Nhật Bản, khiến cho hơn 80 chuyến bay bị ảnh hưởng và phải hoãn lại. Chính quyền Nhật Bản cho biết vụ việc không gây ra bất kì thương vong nào.
Hình logo OpenAI được chụp vào ngày 20/5/2024. Ảnh: Reuters.
Những tính năng mới của OpenAI nâng cấp quá trình tạo giọng nói
(Ngày Nay) - OpenAI đã hé lộ một loạt các công cụ mới giúp các lập trình viên dễ dàng tạo ra những phần mềm ứng dụng dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Đặc biệt là trong bối cảnh khi ChatGPT đang phải cạnh tranh với những “ông lớn công nghệ” khác để theo kịp cuộc đua AI.
Mỹ áp đặt lệnh cấm lên các công ty thép và phụ gia thực phẩm của Trung Quốc
Mỹ áp đặt lệnh cấm lên các công ty thép và phụ gia thực phẩm của Trung Quốc
(Ngày Nay) - Mỹ đã cấm nhập khẩu hàng hoá từ hai công ty Trung Quốc do các vấn đề liên quan đến người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, lệnh cấm này sẽ có hiệu lực từ ngày 3/10. Đây là động thái mới nhất của Mỹ nhằm loại bỏ các hàng hóa được sản xuất bằng lao động cưỡng bức khỏi chuỗi cung ứng của quốc gia này.