Phát biểu khai mạc hội thảo về nhà văn Anh Đức, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Trịnh Bích Ngân, cho biết: “Nhà văn Anh Đức tên thật Bùi Đức Ái. Ông sinh ra tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. 13 tuổi, cậu thiếu niên Bùi Đức Ái đã đi theo kháng chiến, giúp việc cho tạp chí Lá Lúa, tạp chí Văn Nghệ Nam bộ. Trong những ngày gian khổ chống Pháp, Bùi Đức Ái được sự hướng dẫn của nhà văn Đoàn Giỏi đã tập tành sáng tác văn chương. Với tập truyện đầu tay “Biển động”, Bùi Đức Ái đã được giải thưởng văn học Cửu Long năm 1952 và chuyển sang làm phóng viên báo Cứu Quốc Nam bộ.
Nhà văn Anh Đức (1935 - 2014) |
Năm 1954, Bùi Đức Ái tập kết ra Bắc và công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1957, Bùi Đức Ái tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và chính thức bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp. Tác phẩm “Một chuyện chép ở bệnh viện” xuất bản năm 1958, đã khẳng định tên tuổi Bùi Đức Ái trên văn đàn. Năm 1962, Bùi Đức Ái trở lại chiến trường miền Nam và dùng bút danh Anh Đức. Thực tế sôi động và khốc liệt của quân dân miền Nam chống Mỹ đã được nhà văn Anh Đức chuyển tải thuyết phục qua các tác phẩm: “Bức thư Cà Mau”, “Hòn Đất”, “Giấc mơ ông lão vườn chim”, “Đứa con của đất”… Những con người Nam bộ bình dị xuất hiện trong văn chương Anh Đức như biểu tượng của tinh thần bất khuất, dù ông đặt tên nhân vật gần gũi và thân thuộc như chị Sứ, chị Tư Hậu, cô Cà Mỵ, chị Hai Thép, thím Ba Ú, ông Tám Xẻo Đước, ông Tư Vườn Chim…”.
Cũng theo nhà văn Trịnh Bích Ngân: "Sau năm 1975, do bận bịu với công tác quản lý văn nghệ, nhà văn Anh Đức viết khá ít. Thế nhưng, nhiều tác phẩm của ông vẫn gây ấn tượng khó quên cho độc giả như “Miền sóng vỗ”, “Cái bàn bỏ trống”, “Về mảnh vườn xưa”, “Cành đào trước gió”… Bằng sức sáng tạo của mình, nhà văn Anh Đức thể hiện tài năng ở cả hai thể loại, truyện ngắn và tiểu thuyết. Qua tác phẩm Anh Đức, văn chương cách mạng Nam bộ có một sắc thái hoàn toàn mới mẻ so với sự hình dung theo thói quen của nhiều người. Cốt cách nho nhã của nhà văn Anh Đức mang đến những trang văn chau chuốt, giàu suy tưởng, điềm đạm và sang trọng. Không chỉ chăm chút chữ nghĩa, nhà văn Anh Đức còn chú trọng khai thác tâm lý nhân vật một cách kỹ lưỡng và thấu đáo. Vì vậy, giá trị tác phẩm của ông luôn vượt lên những sự kiện, những tình huống để soi rọi chiều sâu vào ẩn khuất của từng số phận”.
Hội thảo được tổ chức thành 2 bàn tròn nhỏ lần lượt trình bày, trao đổi về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Anh Đức do nhà thơ kiêm nhà nghiên cứu phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn và nhà văn Trầm Hương lĩnh xướng.
Tại bàn tròn thứ nhất, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cho biết nhà văn Anh Đức thành danh khá sớm khi mới 17 tuổi: “Có 3 nhà văn cùng quê ở tỉnh An Giang được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, gồm: Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng và Lê Văn Thảo, thì Anh Đức là nhà văn thành công sớm nhất so với hai nhà văn còn lại. Khi Anh Đức đã nổi danh thì Nguyễn Quang Sáng còn đang làm tuyên truyền viên và sau đổi mới khi Anh Đức ít viết thì Lê Văn Thảo mới tạo nên tên tuổi”.
“Nhà văn Anh Đức làm nghề rất chuyên nghiệp, thể hiện qua tiểu thuyết “Hòn Đất” và “Một chuyện chép ở bệnh viện”. Đây vốn là hai truyện vừa, nhà văn thấy chưa đủ nên đã phát triển thành tiểu thuyết", theo nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Chính từ những chi tiết của tiểu thuyết mới có thêm nhiều chất liệu để làm thành hai bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng: Hòn Đất, Chị Tư Hậu – do chính nhà văn Anh Đức chuyển thể thành kịch bản từ “Một chuyện chép ở bệnh viện”.
Anh Bùi Đức Huy - con trai nhà văn Anh Đức - thay mặt gia đình phát biểu tại Hội thảo |
Còn theo Phó giáo sư, tiến sĩ Võ Văn Nhơn, thì khái quát: “Trong nền văn nghệ cách mạng, có thể nói nhà văn nào cũng là chiến sĩ từ trang đời đến trang văn. Trong không khí rực lửa của thời chiến, mỗi nhà văn có một hướng tiếp cận và lối thể hiện riêng trên trang viết để phục vụ mục tiêu chiến đấu, từ đó tạo nên phong cách riêng của mình. Sau mấy mươi năm kết thúc chiến tranh, đọc lại Anh Đức, có thể thấy được tính chiến đấu vẫn còn sục sôi trong tác phẩm. Nếu như Đoàn Giỏi đắm say với cảnh sắc thiên nhiên và đời sống của người dân Nam Bộ; Nguyễn Quang Sáng, Lê Văn Thảo len ngòi bút vào những ngõ ngách tâm tình của con người giữa cuộc chiến tranh, phát hiện và xây dựng được những tình huống truyện đặc sắc; thì Anh Đức biến trang văn của mình thành một chiến trường có ta – địch rõ ràng, tạo nên những tượng đài tráng lệ về người anh hùng Nam Bộ chống giặc ngoại xâm”.
Nhà văn Anh Đức được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000. Ngoài sáng tác, nhà văn Anh Đức còn đóng góp tích cực cho các hoạt động văn học nghệ thuật và nhiều hoạt động cho sự phát triển của cộng đồng. Trong suốt quá trình cống hiến của mình, nhà văn Anh Đức gắn bó với công việc viết văn và làm báo. Ông từng giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Văn nghệ giải phóng, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn TP.HCM, Tổng Biên tập tạp chí Văn... Ông còn là đại biểu Quốc hội khóa 7.