Chuyện gì khó, gọi cửu vạn!
Đội cửu vạn ở chợ đầu mối Bình Điền còn đông hơn nhiều chợ khác, không chỉ bốc vác, đẩy xe hàng. Tại đây số người lao động tự do, người thất nghiệp tìm việc làm trong chợ lên đến hơn 1000 người, chia làm nhiều tổ, hoạt động thay phiên suốt ngày suốt đêm trong chợ. Cũng ở đây, có công việc gì khó người trong chợ sẽ bảo nhau “gọi cửu vạn!”
Những anh em cửu vạn mà tôi trò chuyện trong đêm, dường như chẳng có ai nhớ cụ thể mình đã trở một cửu vạn chợ đầu mối từ lúc nào... |
Như khi, một hàng quán bị hỏng tấm bảng hiệu, áng chừng phải thay mới sẽ tốn nhiều tiền, thì lựa chọn của ông chủ ở đây là gọi một anh cửu vạn tên Thắng đang ngồi tựa lưng ngủ gật gần đó. Nhanh như thoắt, anh Thắng mở mắt, chạy đến xem xét tình trạng cánh cửa, nhẩm tính trong đầu cần làm gì rồi ra giá “200 ngàn!”. Kỳ kèo qua lại còn 170 ngàn, anh Thắng vội biến mất trong ít phút rồi quay lại với vài thứ đồ nghề, lửa bắn ra từ thanh hàn sắt mấy chốc mà xong. Nhận tiền anh còn cười cười nói thêm “bảo hành 3 tháng không hư hỏng”.
Có chị phụ nữ đẩy xe rau với thù lao mỗi chuyến 2 ngàn đồng, có cụ già ngồi ngâm bàn tay nhăn nheo trong nước đá lạnh lẽo lựa cá tôm mỗi đêm được vài chục ngàn, có những em nửa thiếu nhi nửa thiếu niên lang thang mót cá trong chợ hoặc ai sai gì làm nấy, và cả những người phu bốc vác… Họ đều được gọi chung là cửu vạn.
Cụ bà tên Nga ngồi nhặt cá cho biết “Lựa được 1 ký cá thì chủ trả 1 ngàn đồng. Bà già rồi, mỗi đêm vừa lựa, vừa rửa chừng 15-20 ký thôi”. Vậy là sau một đêm nhọc nhằn bên vựa cá, cụ Nga và nhiều người cùng làm được trả thù lao trên dưới 20 ngàn đồng. Số tiền này cũng đủ mua 1 ổ bánh mì, đủ mua 2 nắm xôi, đủ một tô phở bình dân mỗi sáng của hàng triệu người thành phố đang say giấc…
Người mới vô làm nghề phải “nhập gia tuỳ tục” đóng lệ phí xin chỗ là 1 triệu đồng.. |
Anh Nguyễn Quang Sang là trưởng một nhóm bốc vác tại chợ đầu mối Bình Điền, anh cho biết “Đa phần những người làm nghề này thường là dân lao động nghèo ở ven thành phố và các tỉnh lân cận. Không phải tự nhiên mà vào chợ làm được cửu vạn hay tự nhiên mà có người cho vào trong chợ kiếm kế sinh nhai đâu. Người mới vô làm nghề phải “nhập gia tuỳ tục” đóng lệ phí xin chỗ là 1 triệu. Riêng bốc vác thì trong chợ có nhiều tổ khác nhau và thường có tổ trưởng đứng ra nhận mối bốc hàng. Khi đã đóng lệ phí giữ chỗ trong chợ rồi có thể tự do đi kiếm xe hàng, kiếm chủ hàng bắt mối hoặc xin vào tổ của ai đó, chia đều tiền mà chủ hàng khoán trắng.”
“Đa phần những người làm nghề này thường là dân lao động nghèo ở ven thành phố và các tỉnh lân cận... |
Ở chợ còn có trang bị xe đẩy, ai mỏi vai đau khớp hay món hàng nặng quá có thể thuê xe, giá cho thuê xe là 30 ngàn đồng/ đêm. Nhưng đa phần ít người chịu chia bớt tiền cho xe đẩy. Đã đi bán sức kiếm cơm qua ngày, còn sức còn bán, bỏ tiền ra thuê xe thì tốn thêm một khoản, thôi thì cứ cố. Anh Sang cho biết.
Thu nhập của những người làm nghề cửu vạn cũng chông chênh , không thể định lượng được. Như chính họ chia sẻ: “Theo thời vụ, tuỳ món hàng, tuỳ khoảng cách và cả… tùy người”.
Lấy đêm làm ngày
Đã có thời điểm nhiều việc làm liên tục, chưa xong chuyến bốc cá đã có người thuê bốc trái cây… tiền công một đêm lên đến gần một triệu đồng. Nhưng cũng có những ngày không có hàng về nhiều, anh em đông phần ai nấy lo, rảnh rỗi quá thì ra tụ tập ngồi uống nước trò chuyện chán rồi về. Có khi cùng một việc nhưng có người thuê trả cao hơn hay bồi dưỡng thêm, lại cũng có người kỳ kèo hạ giá khi mà họ có nhiều lựa chọn để thuê, thậm chí còn soi mói để tìm cách trừ tiền như trái cây dập nát mấy quả trên vai, trừ tiền; Hàng đến trễ, chủ đợi lâu cũng trừ tiền; Đôi khi, không có lý do gì cả, chủ kỳ kèo “bớt mấy chục làm quen, lần sau lại gọi”. Thời buổi kiếm tiền khó khăn, nhiều lúc câu cửa miệng của anh em cửu vạn là “Thế nào cũng được!”.
Những người làm nghề cửu vạn, có thanh niên trai tráng, có người già tóc điểm bạc, có những chị em phụ nữ dáng người gầy gò, ốm yếu, có cả những đứa trẻ bỏ học lang thang dạt vào chợ làm đủ thứ nghề. Tất cả dường như cứ cố sức, đánh vật hết mọi khổ nhọc để kiếm sống.
Hầu hết, những người vào nghề đều có gia cảnh đặc biệt, họ là những nông dân ở những vùng quê nghèo, không công ăn việc làm, không đồng vốn lên thành phố kiếm sống. Biết là vất vả, mệt nhọc nhưng cũng chẳng ai dám bỏ nghề bởi nói như anh Sang, thì làm cửu vạn không phải bỏ vốn, chỉ phải bỏ sức mà kiếm được đồng tiền, bát gạo cho gia đình nên vào nghề rồi ít ai giờ từ bỏ.
Làm cửu vạn không phải bỏ vốn, chỉ phải bỏ sức mà kiếm được đồng tiền, bát gạo cho gia đình nên vào nghề rồi ít ai giờ từ bỏ... |
Với một người nông dân như anh Hùng quanh năm chỉ biết cày bừa, đồng ruộng thế nhưng ruộng ở quê ngày càng ít thì còn biết làm gì. "Rảnh rỗi, không việc làm, ở nhà mãi dễ sinh hư. Thôi thì đành lên phố bán sức lao động vậy".
Tản sáng, mặt trời lên xua đi màn sương lạnh phủ lấm tấm những mái đầu, nhưng những đồng tiền, những áp lực mưu sinh vẫn cứ đè nặng lên đôi vai cửu vạn suốt những tháng năm.
Những anh em cửu vạn mà tôi trò chuyện trong đêm, dường như chẳng có ai nhớ cụ thể mình đã trở một cửu vạn chợ đầu mối từ lúc nào, điểm chung mà họ đều nhớ là khi ấy trong túi không còn một đồng xu cắc bạc, trước mắt là những tháng ngày dài không nghề nghiệp. Họ bước vào nghề một cách vô định như không còn được lựa chọn. Cũng có rất nhiều người đã đến bước vào tuổi xế chiều, độ tuổi mà đáng lẽ ra bây giờ họ đã được nghỉ ngơi, sống cuộc sống êm đềm, quây quần bên con cháu, nhưng vẫn đang đánh đổi từng giọt mồ hôi để sống tiếp qua ngày.
Những bữa ăn vội vã của người lao động bán sức đổi cơm... |
Đời cửu vạn vốn vậy, cuộc mưu sinh hôm nay để đánh đổi bằng tương lai của chính họ và con cái họ. Làm việc quá sức, dù có ốm đau, bệnh tật, tai nạn thì đó cũng chỉ là chuyện của mai sau để mai sau hãy nghĩ, còn bây giờ không ai nghĩ xa xôi đến vậy.
Ở hiện tại, những lo toan hằng ngày cứ như một trò đùa dai dẳng, bám chặt trên đôi vai chai sần, trên làn da nứt nẻ, trên những ngón tay bám đầy đất bụi đen ngòm. Và cứ thế những đêm dài bạc mắt, họ vẫn cứ miệt mài với cuộc mưu sinh.