"Một tiền gà, ba tiền thóc"
Đợi một người thanh niên lẩn thẩn đi khuất lối trong chợ, chú trung niên tên Lê Văn Hưng trong chiếc áo có ghi dòng chữ “Đội bốc vác chợ Thủ Đức” kể chuyện tai nạn nghề nghiệp.
Năm ngoái, anh thiên niên ấy đứng trên thùng xe tải bốc gạo, bao hơn 50 kg không may tuột khỏi tay, rơi xuống người đang đứng bên dưới, khiến người đó vẹo cột sống. Ai cũng khổ mới gặp nhau chốn này, mới cùng danh xưng phu bốc vác, đời cửu vạn… Vậy nên khi tai hoạ ập đến, anh em tự thương lượng tiền thuốc thang với nhau hết mấy chục triệu mà giờ bị bao gạo đè như liệt nửa thân trên không làm nỗi việc gì dù nhẹ. Rồi thì, ai còn sức làm tiếp, ai mất sức đành ở nhà nghỉ, không bảo hiểm, không phụ cấp, không có gì cả…
Ai còn sức làm tiếp, ai mất sức đành ở nhà nghỉ, không bảo hiểm, không phụ cấp, không có gì cả… |
Chàng trai tên Khang còn trẻ măng, nghe em kể vừa thi trượt lớp 12, khăn gói xuống thành phố xin việc, nhưng thời gian này việc làm mới khó kiếm làm sao. Chẳng đặng đừng, em theo ông chú ra chợ làm một cửu vạn được hơn một tháng.
“Em vác hàng không quen nên dừng nghỉ nhiều lắm, mỗi ngày không kiếm được bao nhiêu mà tối về từ vai đến người đau ê ẩm. Rồi em “phát minh” ra cách đội hàng trên đầu dễ hơn vác trên vai, đội được mấy lần thì em bị đau đầu, ảnh hưởng viêm xoang cũ nữa, tối đến nhức từ đầu sang tai, đau chịu không thấu. Đúng là, có được một tiền gà thì mất thêm ba tiền thóc..."
Trầy xước chân tay là chuyện bình thường, có người mấy năm làm nghề còn quen với việc bị bong gân, trật khớp gối, thậm chí gãy xương.... sơ suất một chút thì cũng nhiều rủi ro. Nhiều người thuê có lòng thương, họ cho thêm ít tiền để mua thuốc, còn không thương thì tự chịu thôi, không kêu ai được”. Có lẽ hiểu được những tai nạn, sự cố có thể đến với mình bất cứ lúc nào, mà bao giờ những cửu vạn cũng có ít nhất một chai dầu nóng, một vài gạt băng vết thương trong người…
Ai cũng biết nghề cửu vạn vốn bạc bẽo nhất trong vô vàn nghề bạc bẽo. Ở đó, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chỉ là giao dịch, thỏa thuận bằng miệng mà không có bất cứ hợp đồng nào, nên khi xảy ra rủi ro, người lao động phải tự gánh chịu hậu quả.
Dấn thân vào nghề này nghĩa là chấp nhận khi còn sức khoẻ thì còn kiếm ra tiền, khi mất sức đành lui về thành người thất nghiệp với những chi chít vết thương, vết sẹo trên người. Không còn làm được việc gì khác nữa và cũng không còn tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.
Nghề cửu vạn, quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động chỉ là giao dịch, thỏa thuận bằng miệng... |
Không một điểm tựa
Cửu vạn ở chợ đầu mối Bình Điền nhộn nhịp nhất vào khoảng từ giữa đêm tới hơn 4 giờ sáng. Lúc này, các xe hàng thực phẩm, nông sản theo nhau đổ về, trên chất đầy các loại hàng nông sản, từ rau củ, trái cây, tôm cá, gà vịt, heo bò... đến thực phẩm sấy khô, kèm theo đó là tiếng gọi nhau í ới, tiếng hỏi bán gạ mua ầm ĩ…
Đây cũng là khoảng thời gian “thu hoạch” nhiều nhất của cánh cửu vạn. Khu chợ nằm phía Nam thành phố này có quy mô hơn 65ha với tổng số vựa gần 2000, xe cộ hàng hoá vào ra suốt đêm không ngủ. Những lao động tự do, lao động thời vụ cũng bám lấy nguồn sống này để mưu sinh. Những cửu vạn đầu quân bốc vác từ đâu cũng tìm về rất đông đảo và đôi khi hiềm khích đã xảy ra.
Mâu thuẫn trong khi làm việc, xô xát, giành xe chở hàng, đụng độ giữa nhóm này nhóm kia cũng không phải là hiếm. Có nhóm đánh nhau đó, rồi giãn hoà đó, họ tự cân bằng và phân chia lại khu vực với nhau để dễ bề làm việc. Có nhóm dùng tay chân thậm chí dao, mã tấu để giải quyết việc tranh chấp.
“Đó là chưa nói đến một vài nhóm tự nhận bảo kê khu chợ, thỉnh thoảng ghé lại chặn xe, đổ hàng hoá, “xin tiền uống cà phê”. 20 ngàn, 30 ngàn hay 50 ngàn tuỳ mặt mà họ đòi hỏi, muốn yên ổn, rất ít anh em nào không nộp tiền, dần dà thành thói quen “gặp mặt gửi tiền luôn một tháng, 300 ngàn hay 500 ngàn đưa cho họ, để yên ổn làm làm ăn”.
Chú Hồ Văn Thể (50 tuổi) bốc hàng ở khu chợ này gần 15 năm, quen mặt từng tiểu thương, rõ tính từng chủ hàng nhưng vẫn chấp nhận đóng tiền bảo kê. Có lẽ cũng bởi vậy, nên chú Thể là một trong những cửu vạn có tuổi đời lâu nhất khu chợ này.
Khu chợ nằm phía Nam thành phố này có quy mô hơn 65ha với tổng số vựa gần 2000, xe cộ hàng hoá vào ra suốt đêm không ngủ. |
Chú Thể kể tiếp, tháng nào ở chợ đêm này cũng xảy ra 3-4 vụ đâm chém. Thường vào các ngày 15 hoặc cuối tháng vì thời gian này, chợ đông hơn. Đa số các chủ vựa đều có một nhóm đứng ra giành bảo kê. Mỗi khi có tranh chấp mối hàng, những đối tượng trên được các chủ vựa gọi đến giải quyết giùm.
"Cách đây chừng 5 tháng có 2 nhóm chém nhau giành địa bàn, một người bị chém đứt gần lìa cánh tay”. Đang trao đổi thì có một chiếc xe tải chạy đến nhận hàng, tiếng gọi nhau hối hả, chú Thể chỉ còn kịp vớ lấy chiếc nón len cũ nhầu đội lên: "Chuyện đời chúng tôi còn nhiều lắm nhưng nếu nói hết với nhà báo thì hôm nay vợ con ở nhà sẽ không có cái gì để ăn". Nói rồi, hoà vào đội nhận hàng...
Bài 3: Về đâu, những mảnh đời?