Chàng trai cầm chiếc áo đấu của đội tuyển Việt Nam này là Lê Thạch Hoàng Long, 13 tuổi.
Chiếc áo đấu có chữ ký của những nhà vô địch AFF Cup Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dũng... này là món quà quý nhất mà cậu từng nhận được. Long nói: “Đây là gia tài của con”.
Mới 13 tuổi, nhưng Long đã là “đại ca” của khoa nhi bệnh viện Ung Bướu TPHCM, vì em đã dời hộ khẩu thường trú từ nhà vào đây được 10 năm. Em bị ung thư máu.
Tuần trước tôi vào thăm “Lớp học chữ” của cô giáo Đinh Thị Kim Phấn và gặp Long. Nói chuyện một hồi mới biết Long rất mê đá bóng và cực kỳ thần tượng Quang Hải. Long bảo:
"Mấy lúc được ra ngoài con đều đi đá banh cả.
- Giỏi. Vậy con đá ở vị trí nào?
- Con đá đâu cũng được.
- Phải có vị trí sở trường chứ.
- Mình có kỹ thuật mà, đá đâu cũng được. Như Quang Hải, đá đâu cũng được.
- Con có coi đủ hết mấy trận của chú Hải không?
- Gần hết. Có mấy lúc bác sĩ truyền thuốc thì mệt quá đi không nổi.
- Con phải ráng hết bệnh, để về còn đá banh giống chú Hải nhen.
Khi nói đến đây thì Lữ Phú Lộc (11 tuổi), bạn thân của Hoàng Long, chen vào.
- Đá banh nhớ rủ tao nha.
Long nhìn Lộc, nói: Mày có một giò, đá đấm cái gì.
Lộc “một giò” vì bị ung thư xương. Người ta đã cắt mất một chân của em để nó không di căn sang những bộ phận khác. Tôi hỏi Lộc có nhớ cái chân của mình không, Lộc nói:
- Không nhớ. Vì lúc còn nó, đau lắm con không ngủ được.
Trở lại với câu nói bông đùa của Long về việc “Mày có một giò, đá đấm cái gì”, Lộc hồn nhiên trả lời:
- Tao một giò nhưng còn nguyên hai tay, tao chụp gôn được mà.
Bọn trẻ trong bệnh viện này đều hàng ngày chiến đấu với tử thần. Nhưng cách bọn nó nói chuyện và sống khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều lắm. Vì bọn trẻ con có sợ chết đâu, đâu có như người lớn. Chúng chỉ sợ không được vui chơi, và sợ người lớn lừa gạt chúng thôi.
Tôi nói với Long: Con hãy viết thư cho chú Hải, nói là con rất hâm mộ chú, con sẽ chiến đấu hết bệnh để đi đá banh. Viết xong, tuần sau chú sẽ quay lại tặng con một tấm hình có chữ ký Quang Hải.
Sáng nay vừa gặp Long, em nói ngay: “Cả tuần qua bác sĩ lấy ven của con, con không viết được”. Nhưng tôi vẫn đưa quà và clip mà Quang Hải đã quay cho em. Em xúc động, nói năng lắp bắp. Tôi hỏi:
- Con phải có niềm tin vào người lớn. Tin chú Hải, và tin bác sĩ nữa. Bác sĩ nói gì với con?
- Bác sĩ nói: “Sẽ hết mà”.
Nếu Long có thể “hết mà” như lời bác sĩ, thì Quang Hải không phải là người hùng của Hoàng Long, mà chính Hoàng Long sẽ là người hùng của Quang Hải, vì em đã chiến đấu thành công trước đối thủ đáng sợ nhất: bệnh ung thư.
Hôm nay, tôi biết mình vừa thay mặt Hải trao cho Long một nguồn năng lượng sống. Một ngày đầu tuần vậy là tràn đầy năng lượng rồi.
Cám ơn Quang Hải, cám ơn em Lâm Thỏa, cám ơn anh Đắc Văn vì đã cùng nhau làm một việc ý nghĩa.