Chiến lược 'giành vàng bằng mọi giá' của Trung Quốc tại Olympic

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thay vì tập trung vào các bộ môn sở trường, nhiều vận động viên trẻ Trung Quốc đã được chuyển sang thi đấu ở các môn thể thao kém nổi bật, với hy vọng có thể dẫn đầu ở các môn thi này và giành được huy chương vàng (HCV).
Hou Zhihui của đội tuyển cử tạ Trung Quốc đã giành HCV ở hạng cân 49 kg và xô đổ ba kỷ lục Olympic. Ảnh: Reuters
Hou Zhihui của đội tuyển cử tạ Trung Quốc đã giành HCV ở hạng cân 49 kg và xô đổ ba kỷ lục Olympic. Ảnh: Reuters

Kể từ khi 12 tuổi đến nay, cứ 6 ngày mỗi tuần, Hou Zhihui luôn thực hiện một bài tập lặp đi lặp lại: nâng tạ có trọng lượng gấp đôi cân nặng của cô. Gần như mỗi năm Hou chỉ có vài ngày được nghỉ ngơi.

Vào thứ Bảy tuần trước, sự khổ luyện của Hou trong suốt thời gian dài khi phải xa gia đình, trải qua những chấn thương, cũng đã được đền đáp. Cô đã giành được HCV ở hạng cân 49kg, và phá vỡ 3 kỷ lục tại kỳ Thế vận hội Olympic Tokyo 2020.

Ở bộ môn cử tạ này, đoàn thể thao Trung Quốc được đánh giá rất cao với nhiều vận động viên vượt trội, chính họ cũng đã đặt mục tiêu giành mọi chiến thắng ở các hạng cân tham gia thi đấu.

“Đội tuyển cử tạ Trung Quốc rất đoàn kết, toàn đội luôn sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau. Điều duy nhất mà chúng tôi nghĩ đến là tập trung vào việc tập luyện”, Hou Zhihui chia sẻ sau khi giành được HCV ở giải đấu năm nay.

Chiến lược 'giành vàng bằng mọi giá' của Trung Quốc tại Olympic ảnh 1
Hou Zhihui đứng trên bục nhận HCV. Ảnh: Reuters

Thể thao tại Trung Quốc luôn được chú trọng, các vận động viên luôn đặt ra một mục tiêu tối thượng là giành HCV để đem vinh quang về cho quốc gia.

Tại Olympic Tokyo 2020, với 413 vận động viên được cử đi thi đấu, đoàn thể thao Trung Quốc cũng xác lập kỷ lục số lượng vận động viên tham gia thi đấu trong các kỳ Olympic.

Trung Quốc đặt mục tiêu giành vị trí dẫn đầu về số HCV, dù nhiều người dân nước này đã bày tỏ lo ngại về tình hình sức khoẻ của các vận động viên trong bối cảnh tình hình đại dịch COVID-19 tại Nhật Bản đang diễn biến hết sức phức tạp.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực không ngừng để chắc chắn rằng đoàn thể thao Trung Quốc sẽ giành vị trí dẫn đầu”, ông Gou Zhongwen, trưởng đoàn Olympic Trung Quốc, khẳng định.

Hệ thống đào tạo vận động viên tại Trung Quốc có quy mô rất lớn với hàng chục nghìn trẻ em tham gia vào các khóa đào tạo từ khi còn nhỏ tuổi tại hơn 2.000 cơ sở huấn luyện thuộc nhà nước. Để tối đa hoá mục tiêu “thu hoạch vàng”, Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược đào tạo trong ngành thể dục thể thao.

Để giành được nhiều huy chương nhất có thể và tránh phải cạnh tranh ở những môn thể thao được các nước phương Tây đầu tư nhiều, Trung Quốc đã tập trung đào tạo vận động viên ở các bộ môn kém nổi bật hơn tại Olympic.

Điều này cũng lý giải cho việc không phải ngẫu nhiên mà gần 75% số HCV Trung Quốc giành được tại Olympic kể từ năm 1984, chỉ ở 6 bộ môn thể thao là: bóng bàn, bắn súng, nhảy cầu, cầu lông, thể dục dụng cụ và cử tạ.

Theo thống kê trong quá khứ, hơn 2/3 số HCV mà Trung Quốc đã giành được thuộc về các vận động viên nữ, và tại sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh năm này, gần 70% thành viên của đoàn thể thao nước này cũng là nữ.

Sau khi giành được nhiều HCV ở bộ môn cử tạ tại Olympic Sydney 2000, môn thế thao này được xem là thế mạnh của Trung Quốc, và từ đó được xem là bộ môn chủ chốt trong chiến lược giành HCV của nước này. Với các vòng thi ở nhiều hạng cân khác nhau, chỉ riêng cử tạ đã sở hữu đến 4 HCV để các nước tham gia tranh tài.

Việc đào tạo vận động viên ở Trung Quốc, đặc biệt là trong bộ môn cử tạ, sẽ chỉ tập trung vào mục tiêu giành huy chương, hoàn toàn không chú trong đến tính hấp dẫn của môn thể thao này, cũng như việc liệu đối tượng tham gia huấn luyện có hiểu biết gì về bộ môn này hay không.

Tại trung tâm huấn luyện của đội tuyển cử tah quốc gia ở Bắc Kinh, lá quốc kỳ Trung Quốc luôn được treo phủ toàn bộ một bức tường, nhằm nhắc nhở các vận động viên về nghĩa vụ của họ với đất nước.

“Phương pháp này rất hiệu quả. Đó dường như cũng là lý do tại sao bộ môn cử tạ của chúng tôi đạt thành tích cao hơn so với các quốc gia và khu vực khác”, theo Li Hao, vận động viên cử tạ từng tham gia Olympic Rio 2016, và hiện là Giám đốc bộ phận chống doping tại Trung tâm Cử tạ, Đấu vật và Judo thuộc Tổng cục Thể thao Trung Quốc.

Chiến lược 'giành vàng bằng mọi giá' của Trung Quốc tại Olympic ảnh 2

Vận động viên Sun Wei của đội tuyển thể dụng dụng cụ Trung Quốc đã giành một huy chương đồng tại kỳ Thế vận hội lần này. Ảnh: NY Times

Hầu hết các quốc gia đều mong muốn được đứng trên đỉnh vinh quang tại các kỳ Olympic. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Liên Xô còn từng coi Thế vận hội là một mặt trận để ganh đua.

Nhưng với Trung Quốc, mục tiêu giành HCV lại gắn liền với sự kiện thành lập nước vào năm 1949. Trong bức văn kiện đầu tiên gửi đến toàn dân, Chủ tịch Mao Trạch Đông đã có lời kêu gọi người dân Trung Quốc nâng cao sức khoẻ để không bị coi thường là "Đông Á bệnh phu".

Tuy nhiên trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã tẩy chay, không góp mặt tham dự các kỳ Thế vận hội mùa hè, nhằm phản đối việc Đài Loan tham gia giải đấu với tên gọi Trung Hoa Dân Quốc. Và chỉ tham gia đấu trường này vào năm 1984, khi Đài Loan được đổi tên thành Đài Bắc Trung Hoa.

Vào năm 1988, Trung Quốc chỉ giành được 5 huy chương vàng khi tham dự Olympic. Nhưng sau hai thập kỷ, nước này đã vượt qua Mỹ để đứng đầu danh sách quốc gia giành được nhiều HCV nhất vào năm 2008.

Tuy nhiên, Olympic London 2012 và Olympic Rio 2016 lại là nỗi thất vọng lớn đối với Trung Quốc khi nước này chỉ đứng thứ ba sau Mỹ và Anh trong bảng tổng sắp huy chương.

Hiện nay, chính quyền Trung Quốc đang phải rất nỗ lực nỗ lực để đẩy mạnh công tác đào tạo vận động viên trẻ. Bởi giờ đây, nhiều gia đình không muốn cho con theo đuổi sự nghiệp thể thao. Khi mức sống của người dân ngày càng được cải thiện, ánh hào quang và những hy vọng đổi đời khi tham gia vào hoạt động thể dục thể thao của nước nhà không còn có sức hút đối với họ.

Hơn thế, người dân Trung Quốc cũng hiểu ra một điều rằng trong hàng chục nghìn đứa trẻ tham gia huấn luyện tại các trung tâm thể thao, tỷ lệ tạo ra một nhà vô địch Olympic là rất nhỏ.

Với những vận động viên bị bỏ lại ở quê nhà, cuộc sống của họ sẽ vô cùng khó khăn khi bị dày vò bởi chấn thương, không có triển vọng nghề nghiệp bởi học thức kém.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục triển khai các kế hoạch đã đề ra, mở rộng chương trình huấn luyện ở các bộ môn như taekwondo, chèo thuyền, đua thuyền buồm,…

“Những đứa trẻ đến từ các vùng nông thôn hay những gia đình không quá dư dả về mặt kinh tế có khả năng thích nghi tốt với những khó khăn, gian khổ trong quá trình luyện tập”, ông Li Hao cho biết.

Trung Quốc thường chú trọng các môn thể thao cá nhân, mà kĩ năng có thể cải thiện được thông qua quá trình rèn luyện, thay vì các môn thể thao đồng đội. Ngoài môn bóng chuyền nữ, đến nay nước này vẫn chưa giành được HCV Olympic ở một môn thể thao đồng đội.

Tại Olympic Tokyo 2020, chiến lược của Bắc Kinh đã đi theo đúng định hướng khi tính đến hiện tại, Trung Quốc đã giành được 17 HCV, vượt qua Nhật Bản và Mỹ để đứng ở vị trí dẫn đầu.

Nước này đã giành được HCV đầu tiên của giải đấu ở nội dung 10 m súng trường hơi nữ, và sau đó có được chiến thắng thứ hai ở bộ môn đấu kiếm.

Chiến lược 'giành vàng bằng mọi giá' của Trung Quốc tại Olympic ảnh 3

Vận động viên Yang Qian đoạt HCV Olympic sau khi chiến thắng trong trận chung kết 10m súng trường hơi nữ. Ảnh: SCMP

Nhưng ở một số bộ môn truyền thống như bóng bàn, nhảy cầu và cử tạ, Trung Quốc đã không đạt được mục tiêu giành HCV.

Đoàn Trung Quốc đã gặp nhiều sự cố trước khi Thế vận hội chính thức khai mạc. Sun Yang - vận động viên bơi lội hàng đầu của nước này, đã bị cấm thi đấu hơn 4 năm sau khi từ chối kiểm tra doping, trong khi đó các đội tuyển bóng đá, bóng chuyền và bóng rổ nam đã không vượt qua được vòng loại.

Trong quá trình rền luyện, các vận động viên Olympic của Trung Quốc đã từng phải hy sinh rất nhiều. Họ không thường xuyên được gặp gia đình, cũng như chỉ được bổ túc kiến thức phổ thông qua loa, thậm chí ngay cả những nhà vô địch thế giới cũng vẫn phải sử dụng chung phòng kí túc xá với các vận động viên khác.

Đối với những vận động viên cử tạ nữ, cái giá phải trả khi theo đuổi sự nghiệp thể thao là rất lớn. Số tiền họ nhận được khi còn là vận động viên sẽ đều phải giải trình với chính quyền. Đến khi giải nghệ, thì họ khó có thể tìm kiếm thêm thu nhập từ danh tiếng của mình bởi các nhà quảng cáo thường không mặn mà với những vận động viên này.

Từng có trường hợp một nhà cựu vô địch quốc gia đã phải sống trong một nhà tắm công cộng vì quá nghèo sau khi từ giã sự nghiệp thi đấu. Cô thậm chí còn bị mọc râu, do hệ quả của việc sử dụng doping quá liều khi còn là một vận động viên trẻ.

Vào năm 2017, 3/4 số HCV của các nữ vận động viên Trung Quốc tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 đã bị thu hồi, sau khi các mẫu xét nghiệm cũ được kiểm tra lại và cho kết quả dương tính với chất cấm.

Chiến lược 'giành vàng bằng mọi giá' của Trung Quốc tại Olympic ảnh 4

Hai vận động viên lặn Wang Zongyuan và Xie Siyi giành HCV tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: NY Times

Trung Quốc tuy không phải quốc gia duy nhất bị phát hiện có vận động viên sử dụng doping, nhưng việc vận động viên ở nhiều môn thi sử dụng chất cấm dường như không phải là lỗi cá nhân mà có tính hệ thống. Điều này đặt ra nghi vấn rằng: liệu có phải để giành được HCV, Trung Quốc sẵn sàng đánh đổi bằng mọi giá?

Các vận động viên Trung Quốc đã nỗ lực khổ luyện trong nhiều năm trời cho kì thế vận hội lần này, nhưng trước những áp lực và sức nóng của giải đấu, đã có những sai xót xảy ra.

Hôm thứ Hai vừa qua, Liao Qiuyun - vận động viên cử tạ ở hạng cân 55kg, đã bắt đầu Olympic Tokyo với tư cách là nhà đương kim vô địch thế giới. Hai ngày trước, ở hạng cân nhẹ hơn, vận động viên Hou Zhihui của đoàn cử tạ Trung Quốc đã đoạt HCV.

Khi bước lên thi đấu, khuôn mặt của Liao lộ rõ sự hồi hộp, lo lắng. Và trong những giây phút thi đấu cuối cùng, cô đã bị đối thủ người Philippines vượt mặt và để tuột mất HCV.

Sau đó, Liao đã liên tục khóc, sự thất vọng thể hiện rõ trên khuôn mặt cô. Khi trả lời phỏng vấn của các phóng viên, một nhà báo đã động viên cô rằng huy chương bạc đã là một thành tích rất tuyệt vời. Nhưng Liao vẫn khóc và đáp lại trong sự ngậm ngùi: “Hôm nay, tôi đã làm hết sức mình”.

Thất bại của Liao tại Thế vận hội năm nay một phần bắt nguồn từ những chấn thương dai dẳng trong suốt trong nhiều năm, thể lực của cô đã bị ảnh hưởng rất nhiều và không thể trụ vững khi phải gánh một khối lượng lớn vượt quá khả năng.

Liao cũng cho biết sau Olympic trên đất Nhật Bản, cô sẽ tiếp tục tranh tài tại Đại hội Thể thao Quốc gia với tư cách vận động viên của tỉnh Hồ Nam – quê hương của cô. Cô sẽ phải nỗ lực rất nhiều bởi các khoản trợ cấp cho vận động viên phần lớn phụ thuộc vào kỳ đại hội sắp tới.

Theo NY Times
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.