Thế vận hội 2020 và những giấc mơ tan vỡ vì đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Vốn dĩ, thể thao không những có thể giúp chúng ta cải thiện về mặt thể chất, mà còn đem lại những lợi ích to lớn về mặt tinh thần. Tại các kỳ Thế vận hội, thế giới tạm gác lại những lo âu, các quốc gia sẽ ngừng bắn, và tiếng cười cùng cờ hoa sẽ tràn ngập khắp muôn nơi. Thế nhưng, COVID-19 đến đã làm đổi thay nhiều thứ, khiến những cánh cửa của hy vọng bỗng đóng lại, chỉ còn nhiều những giấc mơ tan vỡ. 
Đại dịch SARS-CoV-2 có thể được coi là “rào cản nghề nghiệp, cản trở sự phấn đấu và đạt được thành tích xuất sắc của những người thi đấu thể thao”. (Ảnh: Forbes)
Đại dịch SARS-CoV-2 có thể được coi là “rào cản nghề nghiệp, cản trở sự phấn đấu và đạt được thành tích xuất sắc của những người thi đấu thể thao”. (Ảnh: Forbes)

Một tuần trước Thế vận hội Tokyo 2020, tài năng trẻ và cũng là niềm hy vọng vàng của đội tuyển quần vợt nước Mỹ, Coco Gauff tuyên bố từ giã đấu trường Olympic vì nhận kết quả dương tính với COVID-19.

Gauff cho biết trong một bài đăng trên Twitter cá nhân: “Tôi rất thất vọng khi phải nói điều này, tôi đã nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 và không thể tham dự Thế vận hội. Cầu chúc đội tuyển Mỹ may mắn, tôi hy vọng những điều an lành nhất sẽ tới với mọi vận động viên (VĐV) của Tokyo 2020”.

Ở tuổi 17, Coco Gauff được xem như “thần đồng” của làng tennis Mỹ khi là tay vợt trẻ nhất lọt vào Top 25 thế giới. Sau khi Serena Williams và cả Sofia Kenin, hai VĐV có thứ hạng cao nhất quốc gia này rút lui khỏi Thế vận hội vì những lý do chấn thương, Gauff được giới chuyên môn kỳ vọng sẽ dẫn đầu đội tuyển quần vợt xứ cờ hoa và trở thành tuyển thủ có thành tích tốt nhất tại Olympic.

Với kết quả xét nghiệm COVID-19 ngay trước ngày khởi hành, “giấc mơ vàng” trong môn quần vợt của Coco Gauff và có lẽ là cả nước Mỹ, đã phải khép lại.

Thế vận hội 2020 và những giấc mơ tan vỡ vì đại dịch ảnh 1

Coco Gauff buộc phải "lỗi hẹn” với Thế vận hội lần thứ 32. (Ảnh: Camo)

Sự lỗi hẹn của những tên tuổi lớn

Olympic là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh với khoảng hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng tham dự tranh tài. Thế nhưng, Tokyo 2020 đang được coi là sự kiện thể thao “vô duyên” với sự lỗi hẹn của các đội chơi và hàng loạt những tên tuổi lớn.

Theo Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo, có khoảng 11.000 vận động viên và 4.000 nhân viên hỗ trợ thể thao đến từ hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ tham dự đại hội thể thao lần này. Olympic lần thứ 32 cũng là kỳ thế vận hội đầu tiên có số lượng môn thi lớn nhất từ trước tới nay: 33 môn với 339 nội dung.

Sau khi Olympic kết thúc, dự kiến sẽ có khoảng 5.000 vận động viên khác tham dự kỳ Paralympics diễn ra từ ngày 24/08/2021.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach từng phát biểu vào tuần trước rằng nguy cơ các VĐV lây nhiễm chéo cho nhau là “bằng không”. Nhưng sau đó, các ca dương tính liên quan đến những người trong ban tổ chức, chủ thầu và cả VĐV từ Làng Olympic đã làm dấy lên những lo ngại. Trước những nguy cơ tiềm tàng, khoảng 10.000 tình nguyện viên Olympic cũng được cho là đã rút lui khỏi sự kiện.

Trước đó, vào ngày 06/04, Bộ trưởng Thể thao Triều Tiên Kim Il Guk tuyên bố quốc gia của ông sẽ không tham gia Olympic năm nay vì lo ngại dịch bệnh COVID-19. Tiếp theo Triều Tiên, Samoa là cũng đưa ra quyết định tương tự. Bộ trưởng Bộ Truyền thông Samoa, ông Afamasaga Rico Tupa'i giải thích nguyên nhân là do Nhật Bản vẫn ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 mới hàng ngày và có quốc gia này ẩn chứa quá nhiều nguy cơ lây nhiễm virus.

Thế vận hội 2020 và những giấc mơ tan vỡ vì đại dịch ảnh 2
Biểu ngữ chào mừng đến với Olympic Tokyo 2020 tại sân bay của nước chủ nhà. (Ảnh: Pinimg)

Không chỉ vắng bóng các đoàn thể thao, viễn cảnh phải sống cùng hàng nghìn người khắp nơi trên thế giới trong vòng 3 tuần và nguy cơ lây nhiễm chưa thể xác định được cũng khiến một số VĐV đã quyết định rút khỏi Olympic 2020, có thể kể đến siêu cầu thủ Neymar, tay golf số 1 thế giới Dustin Johnson, nhà vô địch nhảy cao Derek Drouin, VĐV điền kinh David Rudisha, VĐV bóng rổ Australia Liz Cambage, VĐV nhảy cầu Christian Taylor…

Đặc biệt, Tokyo 2020 bị đánh giá là một kỳ kém khởi sắc đối với làng quần vợt thế giới khi thiếu vắng hàng loạt những tên tuổi đỉnh cao như: Roger Federer, Rafael Nadal, Sofia Kenin, Serena Williams, Nick Kyrgios Bianca Andreescu, Simona Halep, Victoria Azarenka và Angelique Kerber. Những VĐV này không có mặt tại Tokyo với lý do chủ yếu là chấn thương hoặc lo sợ dịch bệnh.

Thế vận hội 2020 và những giấc mơ tan vỡ vì đại dịch ảnh 3
Quang cảnh tại Làng VĐV Olympic tại Tokyo 2020. (Ảnh: Olympics)

Không thể luyện tập đủ cường độ cho Olympic vì đại dịch

Đại dịch COVID-19 cùng những biện pháp, chính sách phòng dịch cũng góp phần tạo nên sự bất bình đẳng giữa các môn thi đấu.

Có thể kể đến câu chuyện của nữ VĐV karate của Cộng hòa Ireland, Caradh O'Donovan. Nữ võ sĩ 36 tuổi này đã chia sẻ với kênh truyền hình DW (Đức) rằng dịch bệnh khiến cô không thể tập luyện và thi đấu đúng sức: “Ireland không có ngoại lệ dành cho các VĐV chuẩn bị thi đấu ở Olympic. Tôi đã vướng 3 lần phong tỏa và không thể tập luyện gì kể từ tháng 3 đến tháng 7 năm ngoái. Kể cả sau đó, tôi cũng chỉ có thể thực hiện một số bài tập nhất định, bằng một nửa chế độ tập luyện cần thiết để thi đấu ở đẳng cấp cao.”

O'Donovan cho biết môn karate đã không được Ủy ban Olympic Ireland hỗ trợ giống như các môn thể thao khác: “Họ ủng hộ các môn thể thao không có sự tiếp xúc hoặc các môn thể thao ngoài trời nhiều hơn. Những môn thi trong nhà như chúng tôi hoàn toàn bị bỏ quên”.

Caradh O'Donovan là một nữ võ sĩ thành công ở bộ môn kickboxing trước khi chuyển hướng sang môn karate. Do sự tương đồng giữa kickboxing và karate, cô nhanh chóng giành được thành công và đạt đủ tiêu chuẩn tham dự Olympic. Tuy nhiên, vì dịch bệnh và điều kiện ngặt nghèo trong thời gian phong tỏa, O'Donovan đã quyết định từ bỏ giấc mơ Olympic, dù nếu xét về mặt kỹ thuật, cô đủ sức vượt qua vòng loại và thậm chí có thể tranh huy chương nếu được luyện tập theo quy chuẩn.

Theo O'Donovan, nỗi thất vọng của cô không chỉ đến từ dịch bệnh mà còn do Ủy ban Olympic Ireland và IOC đã không tạo điều kiện thuận lợi cho các VĐV thi đấu ở vòng loại một cách công bằng. “IOC không cung cấp đủ sự hỗ trợ cho chúng tôi, cả về khẩu trang cũng như bảo hiểm. Các VĐV tới Tokyo phải chịu rủi ro rất lớn và từ bỏ quyền được bồi thường trong trường hợp nhiễm COVID-19.”

Trong một bản thông cáo mới đây, Tổ chức ISSP về Phát triển và Chuyển đổi Sự nghiệp của Vận động viên đã đánh giá đại dịch SARS-CoV-2 có thể được coi là “rào cản nghề nghiệp, cản trở sự phấn đấu và đạt được thành tích xuất sắc của những người thi đấu thể thao”. Theo đó, tất cả các VĐV bất kể trình độ và quốc gia nào, đều bị ảnh hưởng bởi một số thách thức cụ thể ở chính địa phương đó. Và điều này có thể kéo tụt những nỗ lực cùng sự đầu tư ở thời điểm trước đại dịch của các VĐV cũng như các đoàn thể thao nói chung.

Những khán đài im lặng trở thành 'bóng ma tâm lý' đối với các tuyển thủ

Buộc phải hạn chế sự góp mặt của những người hâm mộ để tránh lây lan dịch bệnh, Thế vận hội 2020 đang diễn ra với 300 sự kiện lớn nhỏ dành cho 33 môn thể thao khác nhau nhưng thiếu đi tiếng cổ vũ của các cổ động viên. Những khán đài im lặng ít nhiều đã tác động đến tâm lý thi đấu và màn bình diễn của khá nhiều VĐV, dẫn đến những hành động tương đối "cảm tính", gây ra nhiều bất ngờ và tranh cãi.

Thế vận hội 2020 và những giấc mơ tan vỡ vì đại dịch ảnh 4
Simone Biles đứng trước quyết định khó khăn tại Tokyo 2020. (Ảnh: IndianExpress)

Simone Biles là siêu sao môn thể dục dụng cụ Mỹ, người đã giành tới 4 huy chương vàng ở Olympic Rio 2016, được coi là một biểu tượng Mỹ ở Thế vận hội bên cạnh Michael Phelps. Từng có kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao, tuy nhiên tại Thế vận hội Tokyo 2020, cô đã có một quyết định gây sốc khi rút lui ngay trước phần thi chung kết nội dung đồng đội môn thể dục dụng cụ Olympic Tokyo 2020.

Giải thích cho quyết định đột ngột của mình, Biles cho biết cô đã không ở đúng "điểm rơi" để thi đấu. “Thế vận hội này thực sự quá căng thẳng, không chỉ bởi tổng thể không có khán giả mà còn có rất nhiều phát sinh khác”, biểu tượng thể dục dụng cụ thế giới trả lời Washington Post.

Reuters dẫn lời Ben Miller, một chuyên gia tâm lý Mỹ, rằng thông qua câu chuyện của Biles, đã đến lúc trạng thái tinh thần của các VĐV cũng cần được xem trọng như sức khỏe thể chất. Miller nhận định rằng một kỳ Thế vận hội diễn ra trong điều kiện không có khán giả, không nhận được sự cổ vũ của gia đình và bạn bè, phải hạn chế tiếp xúc, những cái ôm, nụ cười, tiếng hò reo chiến thắng bị ngăn cấm, như ở Tokyo 2020, thì sức ép tâm lý đè nặng lên các tuyển thủ là cô cùng lớn, có thể tác động tiêu cực đến khả năng thi đấu của họ.

Mới đây, IOC đã quyết định nới lỏng quy định phòng chống dịch bệnh tại các sự kiện trong khuôn khổ Thế vận hội khi cho phép những VĐV đoạt huy chương được bỏ khẩu trang trong tối đa 30 giây để lên bục nhận huy chương và chụp ảnh. Theo IOC, thay đổi này nhằm “cho phép các VĐV có hình ảnh đẹp cho giới truyền thông, lưu lại thời khắc đẹp trong sự nghiệp của mình”.

Một chút hy vọng cho những vận động viên mắc COVID-19

Ngày 26/7, Ban tổ chức Thế vận hội 2020 đã ra quyết định đặc biệt cho phép các tuyển thủ nhiễm COVID-19 vẫn có thể tham gia thi đấu nếu họ đáp ứng một số yêu cầu. Cụ thể, các VĐV nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện tại Tokyo vẫn được thi đấu nếu không có các biểu hiện của dịch và phải hoàn thành thời hạn cách ly 10 ngày, hoặc đã hoàn thành việc cách ly trong 6 ngày và có kết quả âm tính trong 2 lần xét nghiệm cách nhau ít nhất 24 giờ.

Mặc dù tin tức này đã giúp các VĐV bớt lo lắng về việc lập tức bị loại khỏi cuộc thi ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính, nhưng cũng có khả năng các quy định và những tình huống phát sinh có thể ngăn họ tiếp tục thi đấu.

Theo AFP, vào ngày 28/7, có 24 người tham gia Olympic 2020 được báo cáo đã nhiễm SARS-CoV-2. Một số VĐV từng có kết quả dương tính đã đủ điều kiện để thi đấu trở lại theo quy định của IOC, như trường hợp 2 tuyển thủ của đội bóng đá Nam Phi, họ đã từng dương tính với SARS-CoV-2 vào ngày 18/7. Cả hai đều phải vắng mặt trong lượt trận đầu tiên giữa Nam Phi và Nhật Bản ở vòng loại vào hôm 22/7. Tuy nhiên, trong ngày 25/7, cả hai đã xuất hiện trong trận đấu với đội tuyển Pháp.

Mặt khác, có ít nhất bảy vận động viên đã bị tước mất cơ hội tham gia Thế vận hội vì thời điểm kết thúc cách ly của họ vượt quá ngày thi đấu của đội tuyển. Bốn trong số này là cặp VĐV bóng chuyền bãi biển Ondrej Perusic và Marketa Nausch-Slukova, VĐV bóng bàn Pavel Sirucek và VĐV đua xe đạp Michal Schlegel, đều đến từ Cộng hòa Séc.

Trận khai mạc bóng chuyền bãi biển giữa cặp Marketa Slukova - Barbora Hermannova (CH Czech) với Megumi Murakami - Miki Ishii (Nhật) là trận đấu đầu tiên bị hủy tại Olympic Tokyo 2020, sau khi nữ VĐV Slukova nhận kết quả dương tính với COVID-19.

Quyết định tạo cơ hội cho các VĐV nhiễm COVID trở lại sàn đấu xuất phát từ quan điểm của IOC rằng Tokyo 2020 không gây áp lực lên hệ thống y tế của nước chủ nhà, và mọi chuyện hiện vẫn trong tầm kiểm soát. Trong số 310.000 mẫu kiểm tra sàng lọc tại Thế vận hội, tỷ lệ dương tính chỉ ở mức 0,02%. Theo người phát ngôn của IOC Mark Adams, không có bằng chứng nào về mối liên hệ giữa Olympic 2020 và tình trạng số ca bệnh đang ngày một tăng lên ở Nhật Bản.

Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
Tranh truyện Hàng Trống - tinh hoa đất Kinh Kỳ
(Ngày Nay) - Những bức tranh dân gian Hàng Trống với nội dung thể hiện các tích truyện dân gian, được các nghệ nhân khắc họa cầu kỳ, tinh xảo, toát lên nét sinh động, ý nhị, trở thành nét tinh hóa văn hóa của vùng đất Kinh Kỳ.
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
Lượng khách quốc tế tăng, du lịch Hà Nội lấy lại đà tăng trưởng
(Ngày Nay) - Theo Sở Du lịch Hà Nội, quý I/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
Trùm tiền ảo bị kết án 25 năm tù
(Ngày Nay) - Ngày 28/3, người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried đã bị kết án 25 tù vì tội lừa đảo khách hàng và các nhà đầu tư trên nền tảng giao dịch tiền ảo này.
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
Cửa Lò sẵn sàng cho mùa du lịch biển
(Ngày Nay) - Trước thềm mùa du lịch biển, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng chỉ trang đô thị, nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa thép nhập khẩu và thép trong nước
(Ngày Nay) - Nếu áp thuế chống bán phá giá đối với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu sẽ khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm và vô hình chung sẽ tạo ra thế độc quyền cho doanh nghiệp sản xuất trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp trong ngành tôn mạ và ống thép sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và trên hết là người tiêu dùng cũng sẽ phải sử dụng thép nội giá cao.