Trong phần luận tội, Viện Kiểm sát (VKS) không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Tuy nhiên, kết luận sau phần đối đáp với các luật sư, VKS đã đề nghị HĐXX xem xét tình tiết ông Đinh La Thăng đã thành khẩn khai báo.
Điều này được thể hiện qua việc trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, ông Đinh La Thăng luôn xác định “do sức ép về tiến độ triển khai của dự án, do nôn nóng và quyết liệt chỉ đạo thực hiện theo chủ trương và yêu cầu của Chính Phủ, nên đã có những sai phạm trong việc chỉ đạo triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2”. Bị cáo “xin chịu trách nhiệm với cương vị người đứng đầu Tập đoàn về những sai phạm trong công tác chỉ đạo thuộc trách nhiệm của mình”.
Tuy nhiên, cựu Chủ tịch PVN khẳng định trách nhiệm trong việc ký Hợp đồng EPC số 33 (HĐ 33) thuộc về chủ đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, PV Power và đơn vị tổng thầu PVC.
Bị cáo cho rằng mình không biết gì về nội dung HĐ 33, không chỉ đạo các bên phải ký HĐ 33, cũng như không chỉ đạo BQLDA Nhiệt điện Thái Bình 2 chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Do vậy, cựu Chủ tịch PVN xin được chuyển tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sang tội “Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Về việc chỉ đạo ký HĐ 33, bào chữa cho bị cáo Thăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng: Hợp đồng được ký giữa chủ đầu tư (PV Power) và nhà thầu (PVC), hai bên hoàn toàn tự chủ thương thảo và ký kết, không phải xin ý kiến hoặc báo cáo PVN. HĐTV và Ban Tổng giám đốc PVN không có quyền can thiệp.
Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng. |
Lời khai của ông Vũ Huy Quang - nguyên Tổng giám đốc PVPower, ông Đỗ Chí Thanh - nguyên Chủ tịch HĐTV PV Power, bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc PVC là người trực tiếp ký Hợp đồng 33, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN là người được phân công trực tiếp phụ trách Dự án đều xác định: Trước và sau khi ký Hợp đồng 33, không ai báo cáo ông Đinh La Thăng.
“Việc làm sai này ông Đinh La Thăng và Ban lãnh đạo PVN đều không biết, có thể nói các bị cáo bị cung cấp thông tin sai sự thật”, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nói.
Điều khiến bị cáo Thăng tỏ ra bức xúc là mọi trách nhiệm thuộc về phần hành vi của PV Power và PVC trong việc ký kết Hợp đồng EPC, tạm ứng tiền, kiểm tra việc sử dụng tiền tạm ứng lại đều quy chiếu đến trách nhiệm của ông với tư cách là Chủ tịch PVN.
Cùng bào chữa cho bị cáo Thăng, luật sư Phan Trung Hoài cho rằng: Ông Phùng Đình Thực -Tổng Giám đốc PVN đã ký ban hành Quyết định số 8146 ngày 10/9/2010 thành lập Ban chỉ đạo các Dự án Nhiệt điện than do ông Nguyễn Quốc Khánh làm Trưởng ban và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Phó Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Quốc Khánh, bà Phạm Thị Thu Hà, ông Nguyễn Xuân Sơn. Ban quản lý dự án (QLDA) Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 được PVN cấp vốn đầu tư cho các Dự án và chi phí hoạt động của Ban theo quy định của PVN trên cơ sở dự toán và kế hoạch hoạt động được PVN phê duyệt, có trách nhiệm thay mặt PVN quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả vốn đầu tư của Dự án. Ban QLDA có trách nhiệm tạm ứng vốn và thanh toán cho nhà thầu theo quy định của Hợp đồng, chịu trách nhiệm trước PVN, các cơ quan quản lý và pháp luật về tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lý đối với các chứng từ thanh toán với nhà thầu theo đúng quy định của Nhà nước và PVN.
Do đó, đề nghị HĐXX xem xét liên quan đến trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong vấn đề đánh giá năng lực, xin ý kiến về chủ trương và chỉ định thầu, ký kết hợp đồng EPC, cũng như tạm ứng tiền cho PVC trong giới hạn phạm vi mối quan hệ giữa nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch PVN với Ban Tổng giám đốc và Ban QLDA.
Luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng. |
Trong việc ký HĐ 33 trái quy định, theo luật sư Phan Trung Hoài, bản chất pháp lý và mục tiêu của việc ký hợp đồng EPC là thực hiện dự án, chứ không phải mục tiêu ký hợp đồng để ứng tiền.
“Ông Đinh La Thăng cũng được cấp dưới PV Power và các lãnh đạo PVN báo cáo về thủ tục pháp lý của dự án đã đầy đủ không có vướng mắc và không ai báo ông Thăng việc ký hợp đồng là trái luật nên ông tin tưởng là các đơn vị được giao nhiệm vụ đã thực hiện đúng quy định của Nhà nước”, luật sư Phan Trung Hoài nói.
Về việc tạm ứng sai quy định cho PVC số tiền 1.300 tỷ đồng và 6,6 triệu USD (6% tổng giá trị hợp đồng EPC số 33), ông Đinh La Thăng từng chỉ đạo về nội dung tạm ứng một lần trong cuộc giao ban tại công trường ngày 01/6/2011, tại cuộc họp này, ông Đinh La Thăng đã kết luận “tạm ứng 10% giá trị hợp đồng EPC cho tổng thầu PVC theo quy định. Hoàn thành trước ngày 10/6/2011”.
Luật sư Thiệp cho rằng nội dung chỉ đạo này một lần nữa chứng tỏ khi đó ông Đinh La Thăng hoàn toàn chưa biết nội dung Hợp đồng 33: Trong Hợp đồng thể hiện giá trị tạm ứng chỉ 6% nhưng ông Thăng lại chỉ đạo tạm ứng 10% theo quy định.
Theo infonet