Năm 68, đi theo cơ quan ông cụ sơ tán lần hai. Xã Trung Giáp, huyện Phù Ninh, Phú Thọ - một vùng trung du điển hình. Rừng cọ, trám, mỡ, rặng long não già, lấy dao lướt nhẹ vào thân, lộ ra một lớp vỏ hồng màu máu, mùi thơm vương lên tay chân, quần áo cả ngày. Con suối trong vắt uốn lượn dưới những chân đồi nhấp nhô, vô tận, xanh mờ...
Ngay sáng đầu tiên nơi sơ tán mới, tôi và thằng Cường, em tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu khám phá. Con đường đất nhỏ uốn lượn men theo đồi mỡ, những bụi lau sà xuống mặt đường, khuất sau là sim mua bạc tím... Qua cây cổ thụ cao vút đơn độc cuối đường là con dốc nhỏ. Một cái cầu xi măng cũ kĩ, rêu bám mốc meo, không có lan can, vắt ngang con suối. Xa xa thấp thoáng con đường đất nhỏ, xuyên giữa đồng lúa xanh rì dẫn vào xóm trung du nhấp nhô những mái nhà lợp lá cọ. Vạt mía lao xao chạy theo con suối...
Những người địa phương đầu tiên tôi và thằng Cường gặp là mấy thằng bé trạc tuổi, chân đất đang đùa nhau dưới gốc cổ thụ. Một thằng bé cởi trần, tay cầm con chim chèo bẻo đen nhánh bị buộc dây chân.
Trẻ làm quen với nhau rất nhanh.
Cuộc trao đổi diễn ra đúng như phương thức thời nguyên thủy, hàng đổi hàng. Tôi thích con chèo bẻo. Thằng bé thỉnh thoảng liếc ánh mắt lạ lẫm nhìn chiếc huy hiệu tôi đeo trên ngực. Trao đổi xong, âu yếm bế chú chèo bẻo. Bọn nhóc giành nhau cầm cái huy hiệu. Thằng Cường lon ton theo sau...
Buộc con chèo bẻo vào thân cây chò chỉ, bắt đầu nghĩ ra trò nghịch. Buổi trưa ăn cơm vội vàng, lén bớt mấy hạt cho chú chèo bẻo. Loay hoay buộc cái sào dài vào chiếc lồng bằng tre, thả con chèo bẻo vào lồng, hai anh em ngồi trong nhà rình.
Thế giới tự nhiên, chịu quan sát sẽ cảm nhận được nhiều điều thú vị vô cùng. Chỉ chèo bẻo mới hiểu tiếng kêu của chèo bẻo. Đâu khoảng vài chục phút, một chú chèo bẻo khác bỗng sà xuống. Chú chèo bẻo tự do chí chách vờn nhau với chèo bẻo mồi. Thỉnh thoảng, chỉ một tiếng động nhỏ bất thường, nó cảnh giác vỗ cánh bay lên cành chò ngó nghiêng. Vài lần, có lẽ đã khẳng định không có mối hiểm nguy nào rình rập, nó bất ngờ chui vào tọt vào chiếc lồng gà chí choé cãi nhau với chèo bẻo mồi, rồi lại vụt bay...
Đúng lúc nó yên tâm nhất, tôi rình rình thả cây sào. Cái lồng sập xuống. Hai chú chèo bẻo đập cánh bay loạn xạ trong lồng. Tôi lao như mũi tên từ trong phòng ra thò tay vào lồng bắt chèo bẻo tự do. Vội quá lại sơ ý, ngã oạch, bàn chân bị lật, đau nhói.
Được chú chèo bẻo, chân bị bong gân, lúc sau đã sưng vù... Không sao.
Bẫy được chú chèo bẻo đầu tiên trong đời, ngay ngày đầu ở nơi sơ tán mới, có thể coi là một sự kiện vĩ đại với một thằng bé mười tuổi...
Vĩ đại đến mức hơn nửa thế kỷ sau, khi kể lại câu chuyện này, vẫn còn nghe tiếng chèo bẻo kêu chen chét, tiếng đập cánh phành phạch, đôi mắt hoảng hốt. Vẫn nhớ những móng chân chèo bẻo đen sắc nhọn cào xước hết cả tay. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, vẫn cảm thấy nhói đau cái bàn chân bong gân xưng vù tập tễnh cả tuần.
Nhớ Mẹ, đêm nào cũng lấy rượu thuốc bóp chỗ đau...
Rồi cũng đến một ngày, sáng mai thức dậy, đôi chèo bẻo không còn nữa. Chúng bay đi...
Như tuổi thơ, rồi cũng trôi qua. Dẫu không muốn là người lớn, cũng chả ai mãi mãi bé con - để được nũng nịu, cưng chiều...