Tôi dành rất nhiều thời gian để nghĩ về định danh của các thế hệ, và biết nhiều bạn bè mình cũng thế, ví dụ như nỗ lực của một người bạn tôi vào năm kìa với quyển sách tên là “1987” - bài tản mạn của mấy chục con người bước vào tuổi 30, về chân dung thế hệ của mình.
Audition không chỉ là một cái games - bản thân tôi cũng không chơi - nó thật ra là tên của một cái playlist đã từng định hình gu thẩm mỹ của nguyên một, ừm, thế hệ. Tôi ngồi nghe lại Aloha của Cool, Because I’m stupid của SS501, Lạnh của Khổng Tú Quỳnh, 10 Minutes của Lee Hyori và tự hỏi, ừm, ý nghĩa của điều này là gì.
My life is so sweet, you are my everything.
Việc chúng tôi đã cùng ngồi trong những quán net năm ấy, chat Yahoo! Messenger, tâm sự với những người lạ (có những người lạ, mà đến mười mấy năm sau khi chúng tôi làm quen qua Yahoo! Messenger, bây giờ có trong friendlist Facebook, tôi vẫn chưa gặp họ lần nào); cùng chơi Audition, nghe Aloha và bắt đầu học cách chia sẻ suy nghĩ lần đầu trên Yahoo! 360; điều này có ý nghĩa gì?
Tôi đã từng trình bày khúc chiết trong một bài viết được đón nhận, về tên của thế hệ mình, The Cold Y, những người giữ trong lòng nhiều nỗi ám ảnh của bậc cha anh đã trưởng thành trong Chiến tranh Lạnh, cấm vận, đóng cửa kinh tế, nhưng vẫn đủ cởi mở với một kỷ nguyên Internet mới. Những hoàng tử và công chúa lai tuổi 30.
Nhưng hôm nay nghe lại Aloha, tôi nghĩ đến những tính chất khác. Chúng ta đã lớn lên, dậy thì, học cách yêu lần đầu trong một không khí ngọt ngào. Tôi rất muốn bạn nhớ lại, năm ấy, trong những quán net ấy và trước màn hình Yahoo! Messenger ấy, bạn ở tuổi mười chín đôi mươi đã mơ ước gì. Chắc là nó rất nhiều màu sắc, đơn sơ nhưng giàu cảm hứng - chúng ta thuộc về thế hệ những người đầu tiên trên đất nước này không mơ rằng mình thoát khỏi cái xấu; mà mơ rằng mình sẽ sở hữu cái đẹp.
Mỗi lần đặt bút viết về ký ức của mình, trong bất kỳ bản thảo nào, tôi cũng nhớ về giai đoạn ấy, nhìn thấy một Hà Nội hơi chớm lạnh, không khí dường như trong hơn, tôi nắm bàn tay một thiếu nữ - chúng tôi đã hẹn gặp nhau qua mạng đấy - và nghĩ rằng chúng tôi sẽ đi với nhau vào một tương lai có màu bức tranh phong cảnh, không giàu có những đầy chất thơ. Đoạn này hơi đạo thơ Hoàng Anh Tú rồi, nhưng thôi bạn đã hiểu.
Và đây, đoạn chính yếu của bài viết này: đấy là chúng ta có quyền dứt bỏ nhiều di sản tinh thần của quá khứ, các bạn ạ. Đúng, là nhiều bậc cha anh của chúng ta, sự khắc nghiệt và chao chát trong tinh thần là điều giúp họ tồn tại và tự mua vui trong những ngày buồn của đất nước. Họ đúng chứ không sai. Nhưng bây giờ tôi nhìn thấy nhiều người của thế hệ mình, bị cuốn theo dòng cay nghiệt như một dạng trào lưu. Trend gì mà kỳ vậy. Ơ sao đấy, chúng ta phải sống nhàn hơn và nghĩ nhàn hơn chứ, mang trên vai trọng trách tạo ra những điều rất thơ cho đất nước này đấy.
Tôi chẳng mấy khi kêu gọi hành động hay khuyên bảo gì trên Facebook của mình. Tôi thực sự cũng không muốn bình luận gì lúc này đâu. Nhưng nói thế nào nhỉ, chúng ta cũng phải sống thế nào để không thẹn với Yahoo! Messenger, Audition, SS501 và mùa Đông Hà Nội năm ấy chứ.
Bạn có nhớ không?