Chính sách đối ngoại 'đa chiều' của Kazakhstan trong cuộc xung đột ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Kazakhstan đã tăng cường quan hệ đối tác với các chủ thể khác trong bối cảnh bất ổn đang diễn ra. Tuy nhiên, Kazakhstan khó có thể cắt đứt quan hệ với Nga vì Moskva vẫn là một nhân tố nổi bật trong khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev.

Theo nhận định của Tiến sĩ Jason Wahlang, nhà phân tích và nghiên cứu tại Trung tâm châu Âu và Á-Âu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng Manohar Parrikar (MP-IDSA) ở New Delhi ngày 30/4, Kazakhstan đã duy trì lập trường đặc biệt liên quan đến cuộc xung đột Nga-Ukraine: Nước này nhiều lần nhấn mạnh giải pháp ngoại giao để giải quyết xung đột. Chính quyền Kazakhstan cũng đã phản đối kết quả các cuộc trưng cầu dân ý của Moskva về việc sáp nhập các khu vực Donetsk, Kherson, Luhansk và Zaporizhzhiaine của Ukraine. Đồng thời, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev sau khi tái đắc cử vào ngày 22/11/2022 đã chọn Nga cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình. Những diễn biến này đã làm nổi bật chính sách đối ngoại đa chiều kéo dài ba thập kỷ của Kazakhstan.

Tiến sĩ Jason Wahlang cho rằng, sau khi Liên Xô tan rã, hầu hết các quốc gia Trung Á, trong đó có Kazakhstan, đã áp dụng chính sách đối ngoại đa phương, được đặc trưng bởi cách tiếp cận phi ý thức hệ và thực dụng. Điều này giúp các nhà lãnh đạo Kazakhstan linh hoạt trong việc duy trì quan hệ với các cường quốc toàn cầu và khu vực để thúc đẩy lợi ích chính trị, an ninh kinh tế của mình.

Vị trí địa lý không giáp biển của Kazakhstan cùng với nguồn tài nguyên phong phú cũng đóng một vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại đa chiều trên. Điều này thể hiện rõ ở việc Kazakhstan thiết lập quan hệ đối tác mạnh mẽ với các cường quốc khu vực và ngoài khu vực bao gồm cả Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ và phương Tây.

Do đó, Kazakhstan vừa là thành viên của các tổ chức do Nga đứng đầu như Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU) và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), đồng thời tham gia Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc và các dự án của Mỹ do USAID tài trợ, tập trung vào y tế, nhân quyền, phát triển kinh tế.

Quan điểm đa chiều này cũng được nhắc lại nhiều lần trong các tài liệu chính sách đối ngoại của Kazakhstan (2020–2030), công bố vào tháng 3/2020 và học thuyết quân sự mới nhất công bố vào ngày 24/10/2022, trong đó khẳng định rằng nước này sẽ thực hiện một chính sách độc lập, thực dụng và chủ động để phát triển quan hệ hữu nghị, bình đẳng và cùng có lợi với tất cả các quốc gia, hiệp hội liên quốc gia và các tổ chức quốc tế.

Ví dụ, học thuyết quân sự năm 2022 của Kazakhstan đánh giá các mối đe dọa bên trong, bên ngoài, truyền thống và phi truyền thống, đồng thời tập trung vào đa dạng hóa hợp tác quân sự để duy trì chính sách đa phương trong bối cảnh bất ổn khu vực và toàn cầu đang gia tăng.

Chính sách đa chiều kể từ sau xung đột ở Ukraine

Trong những ngày đầu của cuộc xung đột Nga-Ukraine, Kazakhstan đã đề nghị đóng vai trò là một nhà đàm phán, nhấn mạnh sự cần thiết phải đối thoại. Nước này cũng mở rộng viện trợ nhân đạo cho Ukraine, qua đó nêu bật quan điểm trung lập của mình. Mặt khác, Tổng thống Tokayev từ chối công nhận độc lập của các khu vực như Luhansk và Donetsk.

Chính sách đối ngoại đa chiều của Kazakhstan cũng được thể hiện rõ ràng trong cách tiếp cận liên quan đến các quốc gia khác. Nước này có chung đường biên giới dài khoảng 1.800 km với Trung Quốc. Trong những năm qua, Trung Quốc đã nổi lên như một đối tác kinh tế quan trọng của Astana và BRI cung cấp một nền tảng vững chắc cho sự hợp tác kinh tế của họ.

Tầm quan trọng chiến lược của hai bên gắn liền với mối quan hệ song phương đặc biệt, thể hiện rõ qua việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Kazakhstan lần đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, Kazakhstan cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch hòa bình của Trung Quốc cho cuộc xung đột Nga-Ukraine và có thông tin rằng Tổng thống Kazakhstan sẽ đến thăm Trung Quốc vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, vẫn còn những e ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Kazakhstan. Điều này thể hiện qua các cuộc biểu tình ở Kazakhstan phản đối người di cư Trung Quốc, việc mua đất của Trung Quốc và chính sách của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ.

Ngoài Nga và Trung Quốc, Kazakhstan cũng đã tìm cách củng cố sự hợp tác với Mỹ như một phần trong cách tiếp cận đa chiều của mình. Kazakhstan đã đặt một trung tâm dự án của USAID tại Astana trong bối cảnh các mối liên kết kinh tế song phương ngày càng tăng. Kazakhstan thậm chí có thể sẽ được hưởng lợi từ các khoản đầu tư mới từ Mỹ trong bối cảnh khủng hoảng của đồng rúp Nga do xung đột ở Ukraine. Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Kazakhstan hồi tháng 2/2023, Mỹ đã cam kết hỗ trợ kinh tế ngoài việc bày tỏ sự ủng hộ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Kazakhstan.

Trong khi đó, các quan chức EU cũng đã thực hiện một loạt chuyến thăm tới Kazakhstan, như chuyến thăm vào tháng 10/2022 của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và chuyến thăm vào tháng 11/2022 của Đại diện Cấp cao về An ninh và Đối ngoại EU Josep Borell, với các cuộc thảo luận xoay quanh tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi. EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Kazakhstan, chiếm 60% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Sự chú ý mới của EU đối với Kazakhstan diễn ra trùng với cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu và nỗ lực đa dạng hóa các nhà cung cấp năng lượng. Ngoài ra, quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với Kazakhstan có thể giúp EU tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên phi năng lượng quan trọng khi châu Âu tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Trong số các cường quốc khu vực khác, Kazakhstan cũng đã tìm cách tăng cường quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, với việc cả hai nước đã ký một tuyên bố chung nhằm tăng cường quan hệ đối tác quân sự và địa chính trị vào tháng 6/2022. Ngoài việc thiết lập một cơ chế hợp tác chia sẻ thông tin tình báo chung, Kazakhstan đang hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua sắm và sản xuất máy bay không người lái. Điều này rất đáng chú ý vì Kazakhstan là một phần của liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu.

Tóm lại, Tiến sĩ Jason Wahlang kết luận, Kazakhstan đã tăng cường quan hệ đối tác với các chủ thể khác trong khu vực và ngoài khu vực trong bối cảnh bất ổn đang diễn ra. Tuy nhiên, Kazakhstan khó có thể cắt đứt quan hệ với Nga vì Moskva vẫn là một nhân tố nổi bật trong khu vực. Thực tế Astana vẫn là một phần của liên minh kinh tế và an ninh do Nga đứng đầu.

Quang cảnh buổi hội thảo.
Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới
(Ngày Nay) - Ngày 19/12, Hội thảo “Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới” đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là một trong chuỗi hoạt động của đợt cao điểm tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948-10/12/2024).
Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Đoàn Kết, quận Hai Bà Trưng. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN
Học sinh Hà Nội mong phương án tuyển sinh lớp 10 sớm được công bố
(Ngày Nay) - Năm học 2024 - 2025 đã đi qua gần hết học kỳ 1, song các nhà trường, học sinh lớp 9 và phụ huynh trên cả nước vẫn chưa biết phương án tuyển sinh lớp 10 năm học tới. Cùng với các địa phương, thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” được phương án tuyển sinh lớp 10 vì còn chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quy chế tuyển sinh.
Dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) do Công ty TNHH Xuân Trường Hoành Bồ làm chủ đầu tư.
Hà Nội: Sau đấu giá, quy hoạch nhà ở cao tầng được điều chỉnh về thấp tầng
(Ngày Nay) - Ô đất TT-07 (tên cũ là CT–04, nằm tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trước đây từng được quy hoạch để thực hiện dự án nhà ở chung cư cao tầng. Tuy nhiên, sau khi kết quả trúng đấu giá được phê duyệt, ô đất này bất ngờ được thay đổi quy hoạch thành đất ở thấp tầng, để thực hiện dự án Khu nhà ở cao cấp Vạn Thuận – Tây Thăng Long.