Theo ông Đinh Hồng Phong- Phó CT Quận Hoàn Kiếm, ông chỉ mới được nghe qua sự việc và đang cho xác minh, làm rõ.
"Phố đi bộ là không gian văn hóa. Nếu cậu bé biểu diễn để vui chơi hay thể hiện tài năng âm nhạc thì không có gì cả, nhưng các cô chú nhắc nhở là khi biểu diễn thì không nên mở hộp đàn để mọi người vứt tiền vào đó thì không hay", ông Phong trao đổi với báo Vietnamnet
Chị Hằng cho biết số tiền mà mọi người cho vào hộp đàn được dùng cho mục đích từ thiện. Ảnh: Hằng Karose |
Cũng theo ông Phong, rất nhiều trường hợp như vậy trước đây đã được nhắc nhở, ban đầu có thể họ cũng có những phản ứng gay gắt nhưng sau đó đã hiểu rằng đây là không gian văn hóa và TP muốn nâng cấp để làm sao ngày càng tốt hơn.
Phó chủ tịch quận cho biết, tại phố đi bộ, quận đã giao một tổ công tác để đi nhắc nhở mọi người tôn trọng các quy định chung chứ chưa hề xử lý trường hợp nào.
Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm Hà Mạnh Hùng cũng cho biết, ông đang kiểm tra việc tổ công tác thực hiện nhiệm vụ khi đó có lời nhắc nhở như thế nào.
"Đánh đàn thì được không có vấn đề gì, nhưng có một số quy định cấm, chúng tôi đang kiểm tra", ông Hùng nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Biên-Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, khi trao đổi với báo Dân trí cho biết việc cán bộ Quận Hoàn Kiếm làm vậy là không ổn.
“Trong khi đất nước chúng ta đang khuyến khích các tài năng trẻ mang tài năng của mình cống hiến cho đất nước, cho nhân dân thì việc cậu bé 15 tuổi mang đàn ra kéo cũng được xem là một việc biểu diễn âm nhạc đường phố của một tài năng.
Chưa nói về mức độ tài năng, chỉ nói riêng về hành động mang tính biểu diễn nghệ thuật hoặc tìm cơ hội cọ xát với thực tế, không có dấu hiệu lợi dụng chuyện đó để kiếm tiền phản cảm… thì không nên cấm cản, cũng không đòi hỏi phải có giấy phép gì cả.
Người trẻ cần được cọ xát với thực tiễn để trau dồi tài năng, tăng thêm bản lĩnh… và cần phải được ủng hộ chứ.
Ở nước ngoài, thậm chí cả bố mẹ và các con cùng kéo nhau ra đường phố biểu diễn rồi cầm mũ xin tiền, mọi người vẫn rất vui vẻ rút ví ra tặng tiền. Nếu xem đó là một nghề thì đó cũng là nghề có thu nhập chính đáng. Nếu người ta chơi hay, chơi tâm huyết, có tài hẳn hoi… thì khuyến khích người ta là chuyện đáng nên làm”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nói.
Cậu bé nhiều lần được mẹ đưa ra phố đi bộ biểu diễn. Ảnh: Facebook Hằng Karose |
“Mình nên động viên một đứa trẻ dám ra nơi công cộng biểu diễn âm nhạc để phục vụ mọi người. Luật Nghệ thuật biểu diễn cũng không quy định hình thức biểu diễn như thế phải có giấy phép mới được biểu diễn. Bởi vậy, người ta đòi hỏi những người làm lĩnh vực an ninh trật tự phải biết phân biệt giữa biểu diễn âm nhạc đường phố với biểu diễn vì mục đích thương mại, cái gì cho phép, cái gì nên khuyến khích và cái gì không khuyến khích.
Nếu những hoạt động biểu diễn đường phố gây ầm ỹ, gây mất mỹ quan đô thị thì mới phải cần nhắc nhở. Còn nếu những hoạt động biểu diễn văn minh, tạo ra sự hứng thú cho người xem thì cần phải khuyến khích.
Theo tôi, đặt giả sử, cậu bé đứng biểu diễn ở vị trí chưa phù hợp, gây cản trở giao thông hoặc gây cản trở đối với những hoạt động khác thì nên nhẹ nhàng hướng dẫn, chứ không nên căng thẳng.
Cậu bé mới 15 tuổi, ở độ tuổi rất nhạy cảm, chúng ta không nên khiến cho các bạn ấy có những suy nghĩ tiêu cực hoặc tổn thương nào đó. Nếu giả sử các bạn ấy có sai phạm, chúng ta cũng cần phải nhẹ nhàng và khéo léo để nói chuyện cho các bạn ấy hiểu chứ không nên gieo vào đầu các bạn ấy những hình ảnh xấu”, Thứ trưởng Vương Duy Biên nói thêm.
Tổng hợp