Ngoài sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, bệnh thủy đậu, tay chân miệng cũng có nguy cơ bùng phát. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong những tuần gần đây, địa bàn thành phố ghi nhận trung bình từ 40 - 50 ca mắc tay chân miệng/tuần. Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, toàn thành phố ghi nhận 1.169 ca tay chân miệng (giảm gần 100 ca so với cùng kỳ năm 2022) và 36 ổ bệnh. Hiện còn một ổ bệnh tay chân miệng đang hoạt động tại phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm với 2 ca mắc.
Hà Nội có khoảng 2.000 ca thủy đậu, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Số lượng bệnh nhân mắc thủy đậu, tay chân miệng phần lớn ở nhóm tuổi Mầm non và Tiểu học. Đáng chú ý, theo quy luật hàng năm, thời điểm học sinh quay lại trường học, trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh vào khoảng tháng 9, 10.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn; chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ca bệnh, ổ dịch.
Sắp tới, khi học sinh quay trở lại trường học trùng với thời điểm bệnh tay chân miệng tăng mạnh vào khoảng tháng 9, 10 hằng năm, các chuyên gia y tế khuyến cáo, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn cần sự chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của mỗi cá nhân và tập thể.
Thông qua kênh truyền thông của nhà trường nâng cao ý thức phòng bệnh cho học sinh, cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục cũng như tại hộ gia đình, cộng đồng. Trước nguy cơ lây lan mạnh bệnh đau mắt đỏ, khi trẻ được chẩn đoán đau mắt đỏ, gia đình cần cho con nghỉ ngơi, cách ly tại nhà để tránh dịch bệnh lây lan. Cùng với đó, các bậc phụ huynh lưu ý, khi có những dấu hiệu như trẻ sợ sáng, quấy khóc, sưng nề phát triển nhanh, ánh mắt mờ đục, có mủ ở lòng đen... cần đưa trẻ đến bệnh viện điều trị kịp thời.