Chủ sàn vàng Khải Thái lĩnh án chung thân

Sau 5 ngày xét xử và nghị án, chiều 15/11, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội có phán quyết đối với chủ sàn vàng Khải Thái và 6 đồng phạm trong vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 700 bị hại.
 
Các bị cáo tại tòa
Các bị cáo tại tòa

Chiếm đoạt gần 270 tỷ đồng của hơn 700 người

Trước đó, ngày 11/12, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Hsu Minh Jung (tên thường gọi là Saga, SN 1975, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái) và 6 đồng phạm ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

6 bị cáo đồng phạm với Saga là Phan Kiện Trung (SN 1984, ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Linh (SN 1987, ở huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nguyên Giám đốc Công ty Khải Thái), Đoàn Thị Luyến (SN 1987, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Charmvit của Công ty Khải Thái), Tăng Hải Nam (SN 1975, ở quận Hà Đông, Hà Nội, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Lotte của Công ty Khải Thái), Đinh Thị Hồng Vinh (SN 1985, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Plaschem của Công ty Khải Thái) và Trịnh Hoàng Bình (SN 1976, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Kế toán trưởng Công ty Khải Thái).

Theo cáo trạng, Saga đến Việt Nam tìm hiểu thị trường và thuê Phan Kiện Trung làm phiên dịch. Tháng 8/2011, ông ta đến Hà Nội để tìm thuê văn phòng và làm thủ tục mở Công ty Khải Thái với nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, Saga không đứng tên vị trí nào trong Công ty mà thuê người đứng tên Giám đốc, thực hiện công việc theo chỉ đạo của mình.

Thời gian đầu, Công ty Khải Thái cung cấp dịch vụ “đánh” vàng tài khoản. Do hoạt động này không mang lại lợi nhuận như mong muốn nên Saga đã đưa ra loại hình kinh doanh mới là huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư. Để tạo dựng niềm tin, Saga đưa ra các thông tin gian dối về hoạt động kinh doanh của Công ty Khải Thái trên các lĩnh vực kinh doanh vàng tài khoản tại Đài Loan, Hong Kong, bất động sản, khách sạn, ôtô… 

Bên cạnh đó, Công ty Khải Thái còn mở hội thảo đưa khách hàng sang Đài Loan, Hong Kong, Quảng Châu để tham quan giới thiệu… Thực tế, hình thức hoạt động của Công ty này theo mô hình thu tiền của người này, trả tiền cho người kia. Tin tưởng, nhiều người đã đầu tư vào mà không biết mình bị lừa. Vào cuộc điều tra, cơ quan chức năng xác định, từ cuối năm 2012 đến tháng 9/2014, Hsu Ming Jung và đồng bọn đã lừa đảo, chiếm đoạt được 264 tỷ đồng của hơn 700 bị hại.

Trả giá vì “muốn đón đầu kinh doanh”

Trước vành móng ngựa, chủ sàn vàng Khải Thái khai trước khi thực hiện việc huy động tiền gửi của khách hàng dưới hình thức ủy thác đầu tư, ông ta đã tổ chức họp, chỉ đạo các nhân viên. Việc làm này pháp luật Việt Nam không cho phép song Jung giải thích rằng do muốn đón đầu kinh doanh nên mới thực hiện. “Lúc đó, bị cáo không nhận thức được việc làm đó là vi phạm pháp luật. Nhiều công ty vàng bạc ở nước ngoài đã hoạt động tại nước ngoài nên tôi nghĩ mình có thể làm. Sau này tôi mới biết đó là hành vi vi phạm pháp luật” - bị cáo Saga trình bày.

Theo lời khai của Saga, sau khi huy động vốn của khách hàng, ông ta đã chuyển về Đài Loan và Quảng Châu (Trung Quốc) để đầu tư kinh doanh vàng và ngoại tệ. Tại cơ quan điều tra, người đàn ông này có khai tên, địa chỉ các công ty này. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác minh tên các công ty theo lời khai của Hsu Ming Jung thì thấy các công ty này không có thực. Bị truy vấn, bị cáo Saga nói không nhớ tên nên chỉ cung cấp thông tin tương đối. Được biết, số tiền chủ sàn vàng Khải Thái chuyển về Đài Loan là hơn 80 tỷ đồng.

Trong khi đó, 6 đồng phạm của Saga người thì khai chỉ là phiên dịch, người thì khai chỉ làm các công việc được giao, không giúp sức Saga chiếm đoạt tiền của khách hàng… Bị cáo Trung khai mình chỉ là phiên dịch cho Saga, không làm công tác quản lý nhân sự và marketing. Tại các cuộc họp, anh ta chỉ phiên dịch lại chủ trương mà Saga đưa ra, không chỉ đạo nhân viên khác làm. Đến lượt mình, bị cáo Luyến khai sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo nhận thức rõ sai phạm. Còn bị cáo Vinh nói không giúp sức cho Saga chiếm đoạt tiền của khách hàng nhưng bản thân thấy có lỗi.

Khi được nói lời sau cùng, ông chủ sàn vàng Khải Thái gửi lời xin lỗi tới gia đình, những cán bộ nhân viên Công ty bị khởi tố trong vụ án, gửi lời xin lỗi tới các khách hàng của Công ty. Sau đó, bị cáo Jung tha thiết đề nghị HĐXX cho mình cơ hội: “Cầu xin HĐXX đưa ra mức án nhẹ nhất, nhân đạo nhất đối với 6 cán bộ của tôi, họ chỉ là những người làm công ăn lương, đó là nguyện vọng cuối cùng của tôi. Tôi muốn nói lời cuối với khách hàng rằng bản thân Saga đã nỗ lực hết mình và không lừa các bạn. Tôi đến Việt Nam để làm ăn kinh doanh chứ không lừa các bạn. Nếu sau này có cơ hội tôi sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam để đền đáp lại tổn thất cho khách hàng”.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định hoạt động kinh doanh ủy thác đầu tư không có trong giấy phép kinh doanh của Công ty Khải Thái. Trong vụ án này, Saga giữ vai trò chính, đưa ra những thông tin gian dối, dùng nhiều hình thức quảng cáo để tạo niềm tin cho khách hàng. Đây là hình thức kinh doanh không được pháp luật Việt Nam cho phép, vi phạm pháp luật Việt Nam. Đối với các bị cáo còn lại đóng vai trò giúp sức tích cực cho Saga huy động tiền của khách hàng. Việc Saga trả lương, thưởng cao cho các bị cáo đã giúp các bị cáo có thêm động lực giúp sức, thực hiện hành vi gian dối. Vì vậy, cần có mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình; tuy nhiên, trong quá trình xét xử, HĐXX cũng áp dụng những tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo đồng phạm.

Từ nhận định trên, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Saga tù chung thân, 6 bị cáo đồng phạm nhận mức án từ 4 - 20 năm tù cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cụ thể, bị cáo Phan Kiện Trung, Nguyễn Mạnh Linh cùng 20 năm tù, Đoàn Thị Luyến 15 năm, Tăng Hải Nam 14 năm 6 tháng, Đinh Thị Hồng Vinh 14 năm và Trịnh Hoàng Bình 4 năm tù. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX tuyên buộc bị cáo Saga phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại. 

Theo Báo Pháp Luật Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng tới Vân Nam, bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc
(Ngày Nay) - Sáng 5/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11/2024.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.