Chủ tịch VPBank: Đàm phán bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện trong Quý 3

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Sau thương vụ bán 49% cổ phần FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC – công ty con của Tập đoàn Tài chính SMCB của Nhật Bản năm ngoái, nhiều con mắt đang dõi theo kế hoạch phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ của ngân hàng này cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.
Chủ tịch VPBank: Đàm phán bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện trong Quý 3

Trả lời thắc mắc của cổ đông và nhà đầu tư tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2022, Chủ tịch HĐQT VPBank Ngô Chí Dũng cho biết ngân hàng này đang trong giai đoạn đàm phán tích cực và sẽ sớm hoàn thiện, công bố tên đối tác ngoại sẽ gia nhập VPBank trong thời gian ngắn tới đây.

“Quá trình đàm phán đang diễn ra và diễn ra hết sức tích cực, tuy nhiên khó có thể kết thúc trong Quý 2, việc bán vốn có thể hoàn thành trong quý 3 sắp tới”, ông Dũng nói.

Hoạt động phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược tối đa 15% vốn điều lệ, đồng thời nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 30% vốn điều lệ, theo VPBank, sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu tăng vốn của ngân hàng này, mà còn là cơ hội tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm quản lý, vận hành và nâng cao năng lực từ đối tác nước ngoài.

Trong kế hoạch được ĐHĐCĐ phê duyệt, VPBank sẽ tăng vốn điều lệ lên tới trên 79 nghìn tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2021. Kế hoạch tăng vốn sẽ được thực hiện thông qua hoạt động phát hành cổ phiếu ESOP, chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, ngân hàng này đã tăng vốn điều lệ từ hơn 25 nghìn tỷ đồng lên 45 nghìn tỷ đồng. Như vậy, 2022 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp VPBank đẩy mạnh hoạt động tăng vốn điều lệ và sẽ trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống sau khi triển khai tăng vốn thành công.

Hoạt động tăng vốn điều lệ liên tục của ngân hàng này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư, trong bối cảnh một số ngân hàng lớn khác có kế hoạch tăng vốn khá khiêm tốn, hoặc thậm chí nhiều năm liền không tăng vốn.

Trước đó trong buổi trao đổi với nhà đầu tư, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, đã khẳng định mục đích tăng vốn của ngân hàng không phải để trở thành tổ chức tài chính có vốn điều lệ lớn nhất, mà nhằm củng cố nền tảng vốn vững chắc cho chặng đường phát triển 5-10 năm tới của VPBank.

VPBank hiện tại đang làm việc với đối tác tư vấn chiến lược trong giai đoạn cuối để hoàn thiện kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo, trong đó sẽ chỉ ra những cơ hội thị trường và kinh doanh, cùng các thách thức đi kèm. Một kế hoạch và chương trình hành động bao gồm các sáng kiến, dự án… sẽ được công bố tới cổ đông và nhà đầu tư trong thời gian tới.

Tham vọng của ngân hàng cũng đã được thể hiện rõ hơn qua hoạt động tái định vị thương hiệu được công bố hồi đầu tháng Tư này. Theo đó, VPBank xác định mục tiêu trở thành ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam, phục vụ cho sứ mệnh “Vì một Việt Nam thịnh vượng”.

Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, ngay từ đầu năm, VPBank đã tiến hành mua lại mua lại Công ty Chứng khoán (CTCK) ASC và đổi tên thành VPBank Securities. Sự gia nhập của CTCK này vào hệ sinh thái không chỉ giúp ngân hàng này khai thác xu hướng nở rộ của hoạt động đầu tư chứng khoán trên thị trường thời gian qua, mà còn mở rộng hoạt động sang lĩnh vực ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản. Tổng vốn đầu tư VPBank đổ vào CTCK này lên tới 20.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VPBank sẽ sớm hoàn tất việc mua lại cổ phần của công ty bảo hiểm OPES để tập trung phát triển mảng sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, bên cạnh mảng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đang hợp tác với AIA.

Trong năm 2022, VPBank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên trên 697 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 30 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng 27% và 107% so với năm 2021. Trong quý 1, ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 11.146 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/04, cổ phiếu VPBank (HSX: VPB) nhích nhẹ 0,55% so với phiên đóng cửa trước đó, lên 36.700 đồng/cổ phiếu. Trong một năm, cổ phiếu này tăng gần 13%, với giá cao nhất ghi nhận ở 40.363 đồng/cổ phiếu tại ngày 05/07/2021.

Tác phẩm có tên “Comedian” của nghệ sĩ người Italy Maurizio Cattelan ra mắt lần đầu năm 2019 tại triển lãm Art Basel ở Miami Beach, đã gây tranh cãi về việc có thể được coi là nghệ thuật hay không. Ảnh: AP
6,2 triệu USD cho quả chuối dán tường
(Ngày Nay) - 6,2 triệu USD là mức giá vừa được trả cho một tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi, một quả chuối tươi dán lên tường bằng băng dính bạc. Tác phẩm được đưa ra trong một cuộc bán đấu giá của Sotheby’s ở New York, Mỹ.
Quang cảnh Hội nghị.
Sản phẩm từ các ngành công nghiệp văn hóa tạo nên hiệu ứng du lịch
(Ngày Nay) - Ngày 21/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (Chỉ thị số 30).