Quả thực, khó có thể chối cãi về tính đúng đắn trong lời phát biểu của em học sinh đó.
Suốt bao nhiêu năm nay, ngành giáo dục Việt Nam vẫn cứ loay hoay, luẩn quẩn tìm con đường cho mình. Biết bao thay đổi, cải cách được đề xuất và thực hiện khiến học sinh “chóng mặt”, hoang mang.
Học sinh phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Pháp luật online.
Nhưng rồi sao? Ngành giáo dục có tiến xa hơn được không hay vẫn cứ “dậm chân tại chỗ”? Câu hỏi đó chắc hẳn ai cũng có câu trả lời cho riêng mình.
Vậy, khi chưa tìm ra “ánh sáng cuối con đường hầm” thì chắc chắn nền giáo dục sẽ còn thay đổi, còn cải tổ rất nhiều. Và đương nhiên, học sinh – sẽ luôn là “đối tượng thử nghiệm” – là chuột bạch của Bộ Giáo dục.
Điều đó tuy “cay đắng” nhưng chúng ta buộc phải đối mặt. Bởi giờ đây giáo dục Việt Nam đang rơi vào thế “tiến thoái, lưỡng nan”. Nhưng thà cứ tiến, cứ thay đổi, cứ bước đi còn hơn ngồi một chỗ tự dằn vặt chính mình.
Sự thật “buộc” phải như thế nên các em học sinh không nên có thái độ bất mãn với nền giáo dục để bao biện cho sự thiếu cố gắng của mình.
Những điều mới luôn là những điều “khó” chấp nhận. Nhưng nếu không thử những thứ mới thì sao có thể biết được nó có phù hợp hay không, có những ưu, khuyết gì và phải khắc phục ra sao?
Ví dụ như câu chuyện tích hợp môn Sử và một số môn học khác. Khi không cải cách thì ai cũng kêu gào rằng việc dạy và học Sử quá chán, phải có điều gì đó thay đổi chứ không thể mãi như thế được.
Nhưng khi Bộ có dự thảo về việc tích hợp môn học giúp học sinh có cái nhìn liên hệ, đối chiếu với các sự kiện lịch sử, có sự mở rộng kiến thức giúp các em đỡ “nhàm chán” hơn thì ngay lập tức bị phản đối dữ dội.
Và đương nhiên, dự thảo đó hoàn toàn “chết yểu”. Môn học chán vẫn cứ chán còn học sinh không chịu thay đổi và vẫn cứ kêu gào rằng “nhàm chán”!
Ngoài ra, việc học tập, rèn luyện hay ý thức đều phải xuất phát từ chính bản thân các em.
Môi trường giáo dục quan trọng những không phải là thứ chính yếu. Chúng ta thử nhìn ra xung quanh, có rất nhiều trường hợp đối lập đầy trái khoáy.
Đơn cử như câu chuyện nhiều học sinh được hưởng môi trường giáo dục hiện đại, đầy đủ, cuộc sống an nhàn lại nhưng kết quả học tập lại không bằng (hoặc kém hơn rất nhiều) so với những bạn học sinh vùng sâu vùng xa, có hoàn cảnh khó khăn.
Điều đó thể hiện rõ ràng rằng sự cố gắng ở bản thân mỗi người mới là điều quyết định chúng ta có thành công hay không chứ không phải ở môi trường học tập.
Chỉ cần các bạn biết chủ động trong mọi việc, luôn cố gắng trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân thì trong bất cứ môi trường nào, bị “đối xử” như thế nào thì các em vẫn có thể tự tin ngẩng cao đầu.
Với những người luôn chủ động cuộc sống của mình, thành công sẽ không bao giờ bỏ qua người đó.
Vậy nên, chuột bạch của Bộ Giáo dục, hãy quen với điều đó đi!
Văn Chính
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.