Xã Thịnh Vượng (Nguyên Bình, Cao Bằng) bị châu chấu hoành hành với mật độ dày đặc 500-1.000 con một mét vuông. Chúng ăn trụi lá nhiều loài cây trồng. Tình trạng này tồn tại nhiều năm qua không chỉ ở Cao Bằng mà nhiều tỉnh như Sơn La, Bắc Kạn, gây thiệt hại mùa màng.
Loài này thường sống ở rừng tre, trúc trên đồi và không ăn được. Con đực nặng 220 mg, nhưng ăn lá với lượng gấp đôi trọng lượng cơ thể là 580 mg/ngày; con cái nặng 590 mg và ăn 600 mg/ngày.
Chuyên gia nông nghiệp, TS Đinh Văn Thành cho rằng, châu chấu tre thường đẻ trứng xuống đất vào tháng 9-10 và nở tháng 4-5. Cần tiêu diệt khi chúng còn là trứng hoặc con non sẽ dễ dàng hơn, bởi lúc này ít di chuyển và tạo thành quần thể lớn. Khi trưởng thành, việc phun không hiệu quả, châu chấu tản đi rất nhiều khu vực phá hoại mùa màng và đẻ trứng khiến việc phòng ngừa khó khăn.
Ông Thành khuyên nên dùng metarhizium và beauveria - loại nấm ký sinh có thể tiêu diệt châu chấu mà không gây hại đến môi trường. Chất này còn có thể diệt một số loài sâu hại khác.
Đồng quan điểm, TS Phạm Văn Nhạ, Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, việc phun hóa chất không mang hiệu quả cao, chỉ giúp tiêu diệt lượng cá thể nhất định ở thời điểm đó, còn rất nhiều trứng trong lòng đất tiếp tục nở con non và phát triển thành quần thể.
Châu chấu có tập tính lột xác khoảng 8-10 giờ sáng, lúc này lớp vỏ chưa được sừng hóa nên theo ông Nhạ, việc phun nấm ký sinh thời điểm này là tốt nhất. "Việc diệt trừ châu chấu phải theo điểm, chọn ổ dịch để phun chứ không nên làm tràn lan. Khi một số con bị bệnh, nó sẽ lây sang cả đàn rồi tự chết dần", ông Nhạ nói và lưu ý thời điểm thực hiện nên là mưa ẩm hơn ngày nắng nóng.
Một vài chuyên gia khác đề xuất, để dịch châu chấu bớt hoành hành, con người nên dừng tiêu diệt chim - loài thiên địch của châu chấu; hoặc trồng cây rau mùi.