Để lý giải về hiện tượng thời tiết khốc này, PV đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng Phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa hạn dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung Ương.
Xuất hiện hiện tượng băng tuyết tại một số tỉnh miền Bắc như đỉnh núi Ba Vì tại Vườn Quốc gia Ba Vì, đỉnh núi Yên Tử (Quảng Ninh). Vậy đây có phải là trường hợp đặc biệt không và đã từng xảy ra chưa?
Tuyết rơi tại Ba Vì - Hà Nội.
Ngày 24 đỉnh núi Ba Vì có tuyết rơi từ độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, tuy nhiên tại trạm Khí tượng Ba Vì không quan sát được tuyết rơi, đây là hiện tượng cũng khá hiếm gặp mà người dân ở đây từng biết. Riêng ở đỉnh núi Yên Tử (Quảng Ninh) chúng tôi đã xác minh lại là không có tuyết rơi, chỉ có băng giá.
Hiện tượng tuyết rơi ở đỉnh núi Ba Vì theo ghi nhận của người dân là chưa từng xảy ra trong nhiều năm nay. (Bởi vì trên đỉnh núi Ba Vì chúng tôi không có trạm quan trắc khí tượng).
Đợt rét kỷ lục này còn kéo dài tới khi nào?
Dự báo đợt rét đậm, rét hại này có thể kéo dài ít nhất đến hết ngày 27/1, sau đó nhiệt độ có xu hướng ấm dần lên. Lưu ý khu vực vùng núi phía bắc trong hai, ba ngày tới vẫn có khả năng xuất hiện băng giá và mưa tuyết.
Ngày 28.1, khu vực đồng bằng và Trung Du Bắc Bộ nhiệt độ sẽ nhích dần lên trên 15 độ C. Ở vùng núi nhiệt độ vẫn rét đậm, ở mức dưới 15 độ C.
Ông Hòa cho biết thêm, thống kê sơ bộ từ các trạm quan trắc khí tượng cho thấy, đây là đợt lạnh có nhiệt độ xuống thấp nhất trong nhiều năm qua. Sa Pa (Lào Cai) nhiệt độ đã từng xuống -3,2 độ C. Năm 2011, tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn), nhiệt độ thấp nhất đo được -3,2 độ C.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Phó trưởng Phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa hạn dài-TTDBKTTVTU
Còn trong đợt lạnh này, ngày 24.1.2016, nhiệt độ đo được tại Sa Pa là -4,2 độ C; tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) là -5 độ C.
Liên tục xuất hiện băng giá, tuyết rơi. Ông có thể lý giải guyên nhân của đợt rét khốc này?
Do khối không khí lạnh (KKL) rất mạnh có trung tâm áp cao lạnh ở khu vực Siberia (Nga), khí áp ở trung tâm khối áp cao này ở mức trên 1070mb, khối KKL này tác động mạnh mẽ đến nước ta từ ngày 22/1 gây gió đông bắc mạnh cấp 6-8 trên hầu khắp Biển Đông, giật cấp 9, cấp 10. Cùng với nhiệt độ giảm mạnh và kết hợp với dòng xiết ở mực khoảng 5000m, là tác nhân gây mưa hầu khắp khu vực Bắc Bộ.
Do nhiệt độ giảm mạnh thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 3-6 độ, vùng núi cao có nơi xuống dưới 0 độ là điều kiện thuận lợi để hình thành băng giá và một số nơi kèm theo cả mưa tuyết.
So sánh thời thiết này với lịch sử trước đó?
So sánh với lịch sử, đây là đợt rét khốc liệt nhất kể từ năm 1956 đến nay. Tháng 1/1983 là -1,5 độ C, tuy nhiên tháng 3/1986 là -3,5 độ C. Gần đây là tháng 12/1999 nền nhiệt là -2,2 độ C, đến năm 2008 nhiệt độ ở mức -1,0 độ C. Năm nay ngày 24/1/2016 nhiệt độ tại Sa Pa là -4,2 độ C.
Đối với Mẫu Sơn nhiệt độ -5,0 độ C, đây là đợt lạnh nhất kể từ khi thành lập trạm khí tượng. Trước đó năm 2011 nhiệt độ tại đây đã từng có lúc xuống -3,2 độ C.
Theo K. Duy