Theo thống kê của Ngày Nay, trong năm 2022, trên cả nước có 39 cuộc thi hoa khôi, hoa hậu và người đẹp được tổ chức trên nhiều tỉnh thành trong cả nước. Các cuộc thi có tên gọi lạ lẫm hoặc gây chú ý dư luận với những câu chuyện mua bán giải thưởng bị thí sinh tố giác trên mạng xã hội.
Địa phương tổ chức thi hoa hậu, hoa khôi và người đẹp có tần suất cao nhất là TP.Đà Nẵng với gần 10 cuộc thi. Nhiều giải thưởng và tên gọi của cuộc thi khiến người dân bất ngờ khi nhắc đến. Trong 39 cuộc thi thì nhẩm tính có đến 400 danh hiệu Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp kèm theo.
Nói dễ hiểu hơn, nếu trước đây, các cuộc thi Vinh danh thương hiệu, Vinh danh sản phẩm được tổ chức tràn lan và gần như việc mua bán giải xảy ra thường xuyên khiến người tiêu dùng chán ngán. Các sản phẩm này chất lượng như thế nào, ra sao và có được qua kiểm duyệt hay không là câu chuyện khác.
Sau cuộc chạy đua Vinh danh thương hiệu, Vinh danh sản phẩm đã đến hồi thoái trào và tiếp đến các cuộc thi “Hoa hậu, Hoa khôi, Người đẹp” lại nở rộ. Ở đây, tác giả không dám ví các cô gái như những sản phẩm kia vì những thí sinh đi thi nhan sắc đều được giới truyền thông ca tụng là có học thức, trình độ văn hóa cao…
Ông Bùi Phú Đức - từng làm ở một công ty tổ chức sự kiện chia sẻ, thời gian trước đây, mỗi năm, công ty chỉ đứng ra tổ chức 2 giải thưởng để vinh danh cho các thương hiệu, sản phẩm có uy tín trên thị trường. Để có được giải thưởng được nhiều người nhắc đến, ông Đức phải kiểm duyệt hồ sơ rất chặt chẽ và đảm bảo được chất lượng.
Khoảng 5 năm trở lại đây, các công ty tổ chức sự kiện để vinh danh sản phẩm ra đời như “nấm mọc sau mưa”. Các giải vinh danh mà nhiều sản phẩm có chất lượng kém, thậm chí mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp chưa được cấp phép. Người tiêu dùng nhìn vào những sản phẩm được vinh danh vô tội vạ ấy, đã đánh đồng “sa cạ” với những giải thưởng có uy tín khác.
Cuộc thi hoa hậu cũng vậy, nếu không được kiểm soát chặt chẽ trong khâu cấp phép, kiểm duyệt cả về nội dung lẫn phẩm chất của thí sinh sẽ làm cho người dân bị “bội thực”. Cũng vì thế, gần đây, trên các phương tiện truyền thông thường xuất hiện thông tin “Hoa hậu, Hoa khôi” hay “Người đẹp” bị bắt khi làm tú bà hoặc đi mua bán dâm.
Ông Đức nói, từ năm 2020, các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch trên cả nước được quyền cấp phép cho những cuộc thi sắc đẹp. Do đó, để thống kê số lượng Hoa hậu, Hoa khôi hay Người đẹp trong các giải thưởng là chuyện không tưởng. Có nhiều cuộc thi được âm thầm tổ chức mà không truyền thông rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Các doanh nghiệp, Hội nghề nghiệp tổ chức cuộc thi sắc đẹp đã nhập nhèm để vinh danh thí sinh thành “Hoa hậu”. Từ đó, đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Hàng năm, các doanh nghiệp tổ chức ở địa phương này rồi sang địa phương khác để xin giấy phép. Trong giới chuyên tổ chức sự kiện, thường "ví von" nghề vinh danh các sản phẩm hay cuộc thi nhan sắc kém uy tín không khác như những... gánh xiếc rong.
Ông Bùi Phú Đức nhận định, vinh danh sản phẩm mắc sai lầm còn có thể sửa sai, chứ việc vinh danh hay tổ chức các cuộc thi nhan sắc và để tôn vinh nhân phẩm phụ nữ, nếu mắc sai lầm thì không thể sửa sai. Đã đến lúc, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc trong việc giám sát các cuộc thi sắc đẹp để bảo vệ cho những "hoa hậu" hướng đến mục tiêu đoạt giải vì nét đẹp chân – thiện – mỹ trong tâm hồn người phụ nữ.
Thống kê của Ngày Nay về các cuộc thi sắc đẹp trong năm 2022: