Thảo luận tại tổ về dự luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi vừa trình Quốc hội chiều 9/11, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đề nghị giữ nguyên diện đối tượng phải kê khai như hiện hành hoặc thu hẹp vào nhóm cán bộ cấp cao.
Đại biểu cũng chia sẻ, trong khảo sát, lập bản đồ cảm nhận tham nhũng, yếu tố thường được quan tâm là khu vực có nguy cơ tham nhũng cao. Trên thực tế, một ông cán bộ địa chính phường có khả năng tham nhũng cao hơn cả một Vụ trưởng, Vụ phó nếu lĩnh vực quản lý của người này không liên quan trực tiếp đến giữ tiền, phân bổ nguồn lực. Vì vậy nên mới có chuyện, một công chức địa chính xã có thể có đến 4-5 cái nhà là không lạ!
Vị đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng có nghịch lý khi chỉ buộc kê tài sản với con chưa thành niên – đối tượng vẫn phải sống phụ thuộc, trong khi con đã thành niên lại có rất nhiều khả năng để “tiếp tay” cho việc tẩu tán tài sản tham nhũng mà lại không phải kê khai. Do đó, việc mở rộng diện đối tượng trong trường hợp này chính là để theo dõi sự biến động tài sản của cán bộ.
Ông Ngọ Duy Hiểu cũng mong muốn có quy định để cán bộ công chức phải tiếp tục kê khai tài sản trong thời gian 5 năm sau khi về hưu như một giải pháp để ngăn chặn, tương tự như quy định cấm quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý của cán bộ sau thời gian đảm nhiệm chức vụ. Bởi thực tế đã có nhiều trường hợp cán bộ về hưu rồi tự nhiên xuất hiện biệt phủ nguy nga.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) cũng băn khoăn về quy định kê khai tài sản của người thân của cán bộ. Như vụ VN Pharma vừa qua, khi lãnh đạo Bộ Y tế vừa khẳng định không có người thân tham gia doanh nghiệp thì lại có thông tin cho thấy có em chồng của lãnh đạo tham gia. Việc này dù có được giải thích thì cũng đã tạo ra dư luận không tốt. Do đó phải đưa vào quy định việc phải kê khai với cả bố mẹ, vợ chồng, con, anh chị em ruột và anh chị em vợ/chồng.
Đồng tình với những quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) dẫn trường hợp “biệt phủ” tại TPHCM mà dư luận phản ánh, đồng thời nhấn mạnh: “Biệt phủ” đứng tên sở hữu của con gái cán bộ. Nhưng con gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga như vậy thì thật là kỳ lạ. Trường hợp này dễ thấy điểm bất thường ở đây”.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí: "Con của cán bộ mới 19 tuổi mà biệt phủ nguy nga thì thật là lạ!" |
Chống được tham nhũng thì lòng dân mới an
Đại tá Huỳnh Thanh Liêm (đoàn Đồng Nai) bày tỏ tâm huyết với phát biểu của đại biểu Dương Trung Quốc trên hội trường trong phiên thảo luận về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Khi đó, Đại biểu Dương Trung Quốc đã nhấn mạnh chống “giặc nội xâm” liên quan tới sự tồn vong của chế độ, của đảng cầm quyền. Còn đại biểu Sùng Thìn Cò thì khẳng định “tài sản lớn nhất của Đảng, của Nhà nước là lòng dân”.
“Hai câu phát biểu tuy có khác nhau nhưng chung mục đích là phải phòng chống được tham nhũng. Và cũng từ thực tế, Đảng ta đã đặt vấn đề phòng chống tham nhũng lên hàng đầu, có nhiều giải pháp quyết liệt và phòng, chống được tham nhũng thì lòng dân mới an, dân mới tin Đảng” – vị đại tá quân đội nói. Cũng nhấn mạnh điểm này liên quan đến xây dựng lòng tin, đại biểu Bùi Văn Phương – Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình kiến nghị cần thiết thì lấy ý kiến nhân dân.
“Kê khai tài sản này kia chỉ là cái vỏ, vấn đề gốc là cái gì, tham nhũng chỗ nào? Các dự án đầu tư, quy hoạch, tài chính, đấu giá... đều yêu cầu công khai nhưng khi thực thi có được mấy chỗ công khai đâu? Nên dân, cơ quan tổ chức biết gì mà giám sát?” – đại biểu Phương đặt vấn đề.
Theo ông Bùi Văn Phương, chuyện cấu kết với nhau từ “chạy” dự án đến quyết toán là khép kín và “phần trăm, phần nghìn” cũng chia từ đây mà ra, cán bộ công chức nhũng nhiễu cũng qua dự án. Số tiền đầu tư vào dự án mấy chục phần trăm, còn mấy chục phần trăm ra ngoài, doanh nghiệp trở nên giàu có, rồi người cấp, người duyệt dự án cũng hưởng lợi. Chính vì vai trò giám sát của tổ chức, người dân không đảm bảo.
“Nói rằng công khai thì dân biết gì về chuyên môn? Tôi nói nhiều lần là 99 người không biết nhưng có 1 người biết. Công bố dự án ra bằng này tiền, tác động về kinh tế, xã hội, quốc phòng – an ninh như thế nào để cho người dân tham gia, người dân mới biết có hợp lý hay không” – ông Phương phân tích.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp lưu ý, đừng kỳ vọng luật này ra đời có thể phòng chống được tham nhũng nếu không triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Kể cả luật hiện hành mà thực hiện triệt để, nghiêm túc thì tình hình đã khác.
“Luật tốt ra mà triển khai thực hiện không đến nơi đến chốn thì cũng không có kết quả. Nước ngoài đánh giá luật của ta tốt nhưng ta không bằng họ là do khâu thực hiện chưa tốt” – ông Nguyễn Công Hồng nói./.
Theo VOV