Theo ghi nhận của phóng viên, từ tháng 10/2022 – cuối năm 2023, thông qua việc chỉ định thầu cho 3 doanh nghiệp, Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức (Công ty nước Thủ Đức) chi gần 30 tỷ đồng để mua sắm đồng hồ nước, thiết bị ghi nhận dữ liệu, vật tư gang cầu,... Nhưng thay vì dự toán để tổ chức vài gói thầu lớn, mời thầu rộng rãi nhằm tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, thì Công ty nước Thủ Đức chia nhỏ thành 50 gói thầu để chỉ định thầu.
Từ tháng 10/2022 - 12/2023, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Hùng Việt được chỉ định 27 gói thầu với tổng giá trị hơn 14,5 tỷ đồng; từ tháng 1 - 11/2023, Công ty TNHH Thảo Tín Vũ được chỉ định 12 gói thầu với tổng giá trị khoảng 7 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Kỹ thuật Bách nghệ Phú Thọ được chỉ định 11 gói thầu trong quãng thời gian từ tháng 4 - 9/2023, tổng giá trị hơn 7,2 tỷ đồng.
Gần 30 tỷ đồng mua sắm được chia nhỏ thành 50 gói thầu
Cụ thể, từ tháng 10/2022 – 1/2023, Công ty Cổ phần Cấp nước Thủ Đức đã chỉ định 5 gói thầu mua sắm đồng hồ nước điện từ DN50mm cho Công ty Cổ phần Kỹ thuật Hùng Việt (Công ty Hùng Việt) để phục vụ công tác trong năm 2022.
Các gói thầu này có cùng mục tiêu mua sắm là phục vụ công tác lắp đặt, thay mới đồng hồ nước, tổng giá trị 1,6 tỷ đồng nhưng được chia nhỏ thành 5 gói thầu có giá gói thầu thấp hơn 1 tỷ đồng mỗi gói để chỉ định thầu.
Từ ngày 2/3/2023 – 27/4/2023, Công ty nước Thủ Đức chỉ định 3 gói thầu mua sắm thiết bị truyền dữ liệu Datalogger 2 kênh cho Công ty Hùng Việt với tổng số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Giá của 3 gói thầu này đều có cùng số tiền là gần 748 triệu đồng, cùng mua 20 bộ thiết bị ghi nhận dữ liệu Datalogger 2 kênh, có cùng mục tiêu đầu tư nhằm để giám sát, truy xuất dữ liệu từ xa của các đồng hồ lưu lượng, được kết nối trực tiếp đến các thiết bị đo, phân tích, bộ điều khiển, hệ thống lấy mẫu tự động, góp phần giảm thất thoát nước.
Tuy nhiên, thay vì tổ chức thành 1 gói thầu để đấu thầu công khai, Công ty nước Thủ Đức đã chia nhỏ thành 3 gói thầu gần như tương đồng nhau để chỉ định thầu, đặc biệt trong tháng 4/2023 được chia làm 2 đợt mua sắm để chỉ định thầu cho Công ty Hùng Việt.
Trước đó, ngày 26/10 và ngày 11/11/2022, Công ty nước Thủ Đức cũng đã 2 lần chỉ định 2 gói thầu mua sắm thiết bị ghi nhận dữ liệu Datalogger 2 kênh đều có giá chỉ định thầu gần 374 triệu đồng, có cùng mục tiêu đầu tư cho Công ty Hùng Việt.
Từ ngày 10/5/2023 – 31/7/2023, chỉ trong vòng 2 tháng, Công ty nước Thủ Đức tổ chức 6 đợt mua sắm đồng hồ nước điện từ DN50mm phục vụ công tác của công ty với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng, có cùng mục tiêu đầu tư nhằm phục vụ công tác lắp đặt, thay mới đồng hồ nước cho khách hàng.
Nhưng thay vì tổ chức 1 gói thầu để đấu thầu rộng rãi, Công ty nước Thủ Đức đã chia nhỏ bằng 6 gói thầu có giá dưới 1 tỷ đồng mỗi gói rồi chỉ định thầu cho Công ty Hùng Việt và Công ty Cổ phần Kỹ thuật Bách nghệ Phú Thọ (Công ty Bách Nghệ Phú Thọ). Trong đó, gói thầu đợt 1, đợt 2 và đợt 4 có cùng số tiền 803 triệu đồng, gói thầu đợt 5, đợt 6 có cùng số tiền 788,4 triệu đồng.
Sáu đợt mua sắm đồng hồ nước DN50mm của Công ty nước Thủ Đức chỉ trong vòng 2 tháng (từ 10/5/2023 - 31/7/2023). |
Từ ngày 11/9/2023 – ngày 18/9/2023, chỉ trong vòng 1 tuần, Công ty nước Thủ Đức liên tiếp chỉ định 2 gói thầu mua sắm đồng hồ nước điện từ DN50mm cho Công ty Bách Nghệ Phú Thọ và Công ty Hùng Việt, 2 gói thầu có cùng số tiền hơn 946 triệu đồng, cùng mua 12 bộ đồng hồ nước và có cùng mục tiêu đầu tư.
Cùng loại đồng hồ nước điện từ DN50mm, ngày tháng 17/10 và tháng 14/12/2023, Công ty nước Thủ Đức tiếp tục chỉ định 2 gói thầu mua sắm khác cho Công ty Hùng Việt, các gói thầu có giá chỉ định thầu từ lần lượt hơn 722 triệu đồng và hơn 963 triệu đồng, đều có cùng mục tiêu đầu tư là phục vụ công tác lắp đặt, thay mới đồng hồ nước cho khách hàng
Ngoài những gói thầu kể trên, trong năm 2023, Công ty nước Thủ Đức cũng thường xuyên mua các sản phẩm như: đồng hồ nước thông minh DN15mm, đồng hồ nước DN15mm cấp C, đồng hồ nước điện từ DN100mm, DN200mm, DN250mm,... qua 2 công ty Hùng Việt và Công ty Bách Nghệ Phú Thọ. Tất cả những gói thầu này đều có mục tiêu đầu tư tương tự nhau nhưng đều được “sắp xếp” dưới 1 tỷ đồng để chỉ định thầu cho 2 doanh nghiệp này.
Với Công ty TNHH Thảo Tín Vũ, đây gần như là nhà thầu lớn nhất cung cấp vật tư gang cầu cho Công ty nước Thủ Đức. Từ tháng 1 – tháng 11/2023, Công ty nước Thủ Đức đã chỉ định 12 gói thầu cho Công ty Thảo Tín Vũ.
Đáng chú ý là từ ngày 3/3/2023 – ngày 28/6/2023, Công ty nước Thủ Đức đã tổ chức 6 đợt mua sắm bằng 6 gói thầu mua sắm vật tư gang cầu phục vụ công tác di dời, gắn mới đồng hồ nước. 6 gói thầu này có tổng giá trị hơn 4,5 tỷ đồng, có chung mục tiêu đầu tư, cùng mua vật tư gang cầu phục vụ công tác di dời, gắn mới đồng hồ nước. Nhưng thay vì tổ chức 1 gói thầu để đấu thầu công khai, Công ty nước Thủ Đức đã chia nhỏ thành 6 gói thầu nhỏ với số tiền từ 406 triệu đồng – hơn 900 triệu đồng.
Cố tình tách thầu để chỉ định thầu sẽ bị xử lý như thế nào?
Theo quy định của Luật Đấu thầu 2013 và Luật Đấu thầu và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, gói thầu không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp,... thì được áp dụng hình thức chỉ định thầu.
Chỉ trong vòng hơn 1 năm Công ty nước Thủ Đức đã mua sắm gần 30 tỷ đồng qua 3 doanh nghiệp kể trên bằng tất cả 50 gói thầu chỉ định thầu. Những gói thầu này dường như có sự “sắp xếp” để chỉ định thầu khi có nhiều loại sản phẩm mua sắm với số lượng lớn trong một thời gian ngắn, có cùng mục tiêu mua sắm nhưng được chia nhỏ thành nhiều đợt mua sắm với số tiền dưới 1 tỷ đồng.
Theo Luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn Luật sư TP.HCM thì việc Công ty nước Thủ Đức đã tách nhỏ gói thầu dự toán 30 tỷ đồng ra thành 50 gói thầu khác nhau để thực hiện việc chỉ định thầu trong suốt thời gian dài cho 3 công ty có dấu hiệu của việc cố tình chia dự án, tách thầu thành các gói thầu nhỏ nhằm mục đích chỉ định thầu và có dấu hiệu của việc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu. Đây là một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu, quy định tại Khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu 2013.
Theo Khoản 1, 2 Điều 90 Luật Đấu thầu 2013: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ngoài việc bị xử lý theo quy định, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu và đưa vào danh sách các nhà thầu vi phạm trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”.
Luật sư Trần Minh Hùng cho rằng có dấu hiệu của việc tách thầu để chỉ định thầu. |
Trong khi đó, theo Khoản 1, 2 Điều 87 Luật Đấu thầu 2023 quy định về việc xử lý vi phạm như sau:Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.Ngoài việc bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bị cấm quy định tại Luật này còn bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 06 tháng đến 05 năm.”
Theo Luật sư Trần Minh Hùng, việc chia nhỏ dự án, tách thầu để tiến hành chỉ định thầu, hạn chế sự tham gia của các nhà thầu là hành vi vi phạm các điều cấm trong đấu thầu và Căn cứ theo Khoản 5 Điều 37 Nghị định 122/2021/NĐ-CP có thể bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng về hành vi Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu.
Luật sư Hùng kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh về những sự việc diễn ra tại Công ty nước Thủ Đức để có thể đưa ra kết luận đầy đủ, chính xác nhất. Nếu có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.