“Mượn” chấn chỉnh để hành doanh nghiệp ?
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, tính đến tháng 12/2016 cả nước có 277 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó có 207 công ty cổ phần, 55 công ty TNHH và 15 DN của Nhà nước.
Đa số các doanh nghiệp đã góp phần thực hiên tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Song tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng như làm tăng mức thu phí của người lao động; việc quản lý hoạt động của các chi nhánh trong doanh nghiệp XKLĐ không chặt cộng với cách thức hoạt động theo kiểu khoán trắng nên không kiểm soát được chất lượng lao động; làm trầm trọng thêm tình trạng người lao động bỏ hợp động, trốn ở lại để làm việc chui vi phạm pháp luật nước sở tại… đang làm ảnh hưởng xấu đến công tác mở rộng thị trường XKLĐ…
Muốn nâng cao sức cạnh tranh xuất khẩu lao động Việt Nam tại các thị trường lao động này rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước để khắc phục các khiếm khuyết kể trên. Tuy nhiên, biện pháp chấn chỉnh như thế nào để đạt mục đích trên lại đang là vấn đề bức xúc, thậm chí khiến một số doanh nghiệp làm đơn kêu cứu.
Điển hình là Công ty Cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh (VIHATICO) mới đây đã gửi đơn khiếu nại đích danh Cục quản lý lao đông ngoài nước (QLLĐNN- thuộc Bộ LĐTB&XH). Ông Lưu Quang Bình - Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VIHATICO cho biết, Công ty của ông bị ông Tống Hải Nam Cục phó Cục QLLĐNN ra văn bản tạm dừng việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp đồng của Công ty CP Việt Hà bằng công văn số 291/QLLĐNN-TTr ra ngày 15/3/2017. Và sau đó một ngày, tức ngày 16/3/2017, Thanh tra Bộ LĐTBXH mới công bố quyết định thanh tra Công ty CP Việt- Hà.
Còn bà Vũ Thị Phượng - Giám đốc Chi nhánh Hải Dương (Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Bạch đằng (BIMEXCO) thì cho rằng thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê đã gây thiệt hại cho DN và người lao động. Đó là một kiểu “trải đinh”. Bản thân Công ty này đã lỡ dịp ký hợp đồng với đối tác Nhật Bản hai lần vì thủ tuc ‘‘ngâm’’ hồ sơ của Cục này. Lần thứ nhất vào tháng 2/2015 phải mất 5 tháng Cục mới thông qua thủ tục hồ sơ nên BIMEXCO đã lỡ cơ hội ký hợp đồng với Nghiệp đoàn Kyodo Kumiai Tsubasa ( Nhật Bản). Lần thứ 2, vào năm 2016 BIMEXCO lại bị lỡ hợp đồng với Công ty Nihon Human Create của Nhật Bản cũng lý do tương tự. BIMEXCO bắt đầu nộp hồ sơ đăng kí từ ngày 1/2/2016 và sau 17 lần chỉnh sửa hồ sơ, đi lại nộp giấy tờ mãi đến ngày 21/9/2016, vẫn không hề nhận được quyết định của Cục QLLĐNN về việc có hay không chấp nhận cho BIMEXCO thực hiện hợp đồng với đối tác này.
Chủ tịch cty Việt Hà tố cáo có lợi ích nhóm tại Cục QLLĐNN? |
Nhiều bất thường cần làm rõ
Hầu hết các DN đều hiểu Thanh tra là một việc làm bình thường của Bộ, giúp Bộ biết được các hoạt động của các DN cũng như nắm bắt việc các chính sách, pháp luật đi vào đời sống thực tế như thế nào. Mặt khác, qua thanh tra các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ giúp DN thực hiện đúng hơn các quy định của Pháp luật về XKLĐ. Nghị định số 95/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã có những quy định hình thức phạt tiền, phạt bổ sung nếu DN vi phạm pháp luật lao động rất rõ ràng.
Nhưng tại sao đình chỉ VIHATICO hoạt động rồi mới thanh tra thì không ai hiểu nổi. Hơn nữa, VIHATICO là DN đã có 17 năm kinh nghiệm hoạt động trong công tác XKLĐ, từ khi là DN nhà nước đến khi cổ phần. “ Các cuộc thanh tra trước đó chúng tôi cũng không vi phạm gì, tại sao lại dừng hoạt động của chúng tôi. Chưa kể, năm 2015, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam đánh giá Công ty Việt- Hà đạt 5 sao khi xếp hạng DN XKLĐ”. Cách hành xử thiếu trách nhiệm, vô cảm đó đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động trong Công ty, người lao động đã, đang chuẩn bị đi làm việc ở ngoài nước, ông Bình bức xúc nói.
Ngoài ra, ông Bình còn phân tích sai phạm có tính hệ thống của Cục QLLĐNN như trước đó, vào cuối năm 2015 đơn vị này đã tham mưu Bộ LĐTB&XH ra Công văn số 4732/LĐTBXH-QLLĐNN và 4 tháng sau ( tức tháng 4/2016) phải thay bằng Công văn1123. Công văn số 4732 đã nêu nhiều quy định, trong đó có điều kiện yêu cầu doanh nghiệp phải ký hợp đồng với đối tác trước rồi mới xét để giới thiệu với tổ chức JITCO. Điều đó trái với pháp luật Nhật Bản vì họ quy định, tổ chức JITCO công nhận trước rồi mới được phép ký hợp đồng với đối tác. Dựa trên việc thực hiện Công văn này, ông Tống Hải Nam Cục phó Cục QLLĐNN lai ký công văn 113 ngày 26/1/2017 để dừng hoạt động của 35 doanh nghiệp xuất khẩu lao động khác.
Đối với BIMEXCO cũng vậy, là cơ quan tham mưu cho Bộ, đang lẽ Cục QLLLĐNN phải có trách nhiệm giúp DN hoàn thành nhanh bộ hồ sơ để kịp gửi cho đối tác vậy sao Cục lại “ngâm” tới hàng tháng trong khi đối tác Nhật Bản cho rằng chỉ cần không quá 20 ngày để hoàn thành thủ tục này.
Được biết, trong kết luận Hội nghị nâng cao chất lượng hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã đề xuất nhiều giải pháp quan trọng. Ngoài việc chấn chỉnh, xử phạt các DN hoạt động vượt quá hành lang pháp thì Bộ trưởng đã yêu cầu bắt đầu từ Cục QLLĐNN phải đẩy cao tinh thần trách nhiệm, minh bạch qui trình làm việc, loại bỏ các kiểu ‘‘giấy phép con’’, các thủ tục nhũng nhiễu, chống tiêu cực…
Cục QLLĐNN sẽ giải thích như thế nào trước những khiếu nại của doanh nghiệp như Việt Hà, BIMEXCO ?
Ngày Nay tiếp tục cập nhật thông tin.