Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý I của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước khoảng 52,2 triệu người, tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 51,1 triệu người có việc làm, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ và tăng hơn 670.000 người so với năm 2019.
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn có hiện tượng mất cân đối cung-cầu lao động cục bộ và có sự phát triển không đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, ngành nghề kinh tế, giữa các loại hình lao động khác nhau (lao động phổ thông, lao động quản lý, lao động trình độ kỹ thuật cao…).
Cụ thể, theo vùng kinh tế, vùng trung du và miền núi phía Bắc chiếm 11,9% lực lượng lao động cả nước, nhưng chỉ có 8% lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh của cả nước.
Ngược lại, Đồng bằng sông Hồng đang có 22,3% lực lượng lao động cả nước, nhưng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chiếm đến 30,5%.
Trong khi các khu vực như Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên trong tình trạng dư cung lao động thì vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng lại thường xuyên dư cầu.
Mất cân đối cung cầu còn thể hiện ở tình trạng người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề được đào tạo, không phù hợp giữa cấp bậc chuyên môn kỹ thuật và ngành nghề đào tạo với nhu cầu của thị trường.
Theo đó, có tới 84,6% lao động có trình độ cao đẳng, 66% số lao động có trình độ trung cấp, 22,8% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo.
Mặt khác, có khoảng 44,5% lao động làm các công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng cao hơn so với bằng cấp.
Trước thực tế trên, được sự hỗ trợ của ILO, thông qua dự án PE4DW, Cục Việc làm đang nghiên cứu, xây dựng một mô hình dự báo cung-cầu lao động phù hợp cho Việt Nam. Hướng tiếp cận của mô hình này là cung cấp thông tin thị trường lao động một cách kịp thời, chi tiết đến từng địa phương và đáp ứng đúng nhu cầu của các bên liên quan.
Thực tế từ nhiều năm nay, Việt Nam đã có không ít trung tâm dự báo về nhu cầu lao động, trung tâm phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, trung tâm dự báo quốc gia, các viện nghiên cứu thuộc các bộ, ngành...
Ngay cả các trường học, doanh nghiệp, cũng có nhiều đơn vị tham gia vào quá trình khảo sát và dự báo cung-cầu lao động. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm phân tích và dự báo chiến lược (Viện Khoa học Lao động và Xã hội) Phạm Ngọc Toàn, các báo cáo này chủ yếu phục vụ cấp độ vĩ mô, mang tính chiến lược, chưa có ý nghĩa thực sự với người lao động, doanh nghiệp. Các đơn vị đang thiếu sự thống nhất trong triển khai mô hình phân tích, dự báo. Mỗi nơi thực hiện theo phương thức khác nhau, dẫn tới kết quả khác nhau.
Mô hình dự báo cung-cầu lao động đang được Cục Việc làm xây dựng nếu thực hiện thành công sẽ cung cấp thông tin dự báo thị trường lao động kịp thời. Nhờ đó, người lao động biết được diễn biến thị trường đang ra sao để có sự chuẩn bị, tham gia đào tạo phù hợp. Doanh nghiệp xác định chi phí lao động từng vùng, khu vực để đánh giá nguồn nhân lực có sẵn sàng cho họ mở rộng đầu tư hay chưa. Các địa phương cũng có thể chủ động hơn trong việc điều tiết lao động, thay vì phụ thuộc vào Trung ương như hiện nay.
Mô hình này cũng giúp giải quyết được vấn đề xã hội, bởi kết nối trên thị trường lao động hiệu quả. Các địa phương có thông tin rõ ràng, giảm chi phí cho xã hội. Người lao động dễ tìm việc. Doanh nghiệp không mất thời gian, chi phí tuyển dụng, có lao động đảm bảo cho sản xuất kinh doanh.
Dự kiến, mô hình dự báo này và nền tảng cơ sở dữ liệu (bao gồm hạ tầng công nghệ thông tin, cấu trúc cơ sở dữ liệu) sẽ được hoàn thiện vào năm 2024. Đến năm 2025 sẽ có nguồn thông tin đầu vào cho cơ sở dữ liệu và ra mắt mô hình ban đầu. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm phát triển một mô hình phân tích và dự báo cung-cầu lao động sẽ được sử dụng cho Bộ LĐTB&XH. Từ đó, tạo cơ hội thu thập kiến thức và kinh nghiệm từ các chuyên gia trong và ngoài nước, các viện nghiên cứu, tổ chức khác về nghiệp vụ phân tích và dự báo. Qua đó, đề xuất, xây dựng mô hình dự báo cung-cầu lao động phù hợp cho Việt Nam.
Trên cơ sở xác định mô hình phân tích, dự báo phù hợp, các cơ quan liên quan mới có thể biết rõ thông tin đầu vào và từ đó tổ chức mạng lưới cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời. Đây chính là yếu tố then chốt, quyết định đến đầu ra của hoạt động phân tích, dự báo. Thông tin đầu vào càng cụ thể, chi tiết, kịp thời và chính xác thì cũng có thông tin đầu ra tương tự như vậy.
Theo Cục Việc làm, vấn đề dự báo sẽ được chú trọng đa tầng, đa lĩnh vực. Một dự báo về thị trường lao động cần bảo đảm ở tầng quốc gia, tầng địa phương. Từ đó, hình thành một mô hình dự báo tốt cho điều hành của Chính phủ, của Bộ LĐTB&XH.