Đối với lịch sử nền điện ảnh Việt Nam, Ván bài lật ngửa được xem là một đỉnh cao, một “tượng đài” không thể bị đánh đổ. Góp phần tạo nên thành công cho Ván bài lật ngửa chính là sự tham gia diễn xuất của thế hệ những diễn viên tài năng của nền điện ảnh nước nhà thời gian đó như Chánh Tín, Thành Lũy, Thương Tín, Thúy An…
Thương Tín - Thiếu tá Vọng
Thương Tín là một át chủ bài của làng phim ảnh và kịch nghệ miền Nam vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Ông là diễn viên tham gia nhiều phim truyện nhựa nhất Việt Nam cho đến thời điểm này, trên 200 phim.
Sinh ra ở Phan Rang, là con đầu, sau ông còn 8 người em cả trai lẫn gái, gia đình chỉ có mình ông theo nghệ thuật. Khởi đầu sự nghiệp từ bộ môn nghệ thuật cải lương nhưng ông được biết đến nhiều hơn cả là trong lĩnh vực điện ảnh. Dù đã đóng rất nhiều vãi diễn được khán giả yêu mến nhưng vai để đời vẫn là Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn.
Thương Tín - Thiếu tá Vọng
Ngoài đời, Thương Tín đã là một tay chơi có tiếng. Ông kể về cuộc sống thời bao cấp: “Thời đó nghề tôi đam mê không nuôi nổi tôi. Thường đóng một bộ phim, tôi nhận 1 chỉ vàng nhưng lại tiêu hết 2-3 cây vàng. Sở dĩ tôi đóng được nhiều phim mà vẫn tiêu xài như thế được vì sau khi ly dị xong đã có một phụ nữ rất giàu yêu tôi. Mỗi lần trong ví tôi hết tiền, cô ấy lại bỏ vào”.
Vốn là một nghệ sĩ hào hoa, ông đã có nhiều cuộc tình với nhiều nữ nghệ sĩ và cuối cùng cưới ca sĩ Mỹ Dung, có một người con trai. Có một khoản thời gian ông theo vợ qua California nhưng vì không chịu được cuộc sống nhàm chán, nhớ quê nhớ nghề, ông một mình quay về nước cùng con trai để tiếp tục sự nghiệp của mình.
Trong mắt công chúng những năm gần đây, Thương Tín thường bị gán với hình ảnh một kép hát về già, một con ngựa hoang đã xuống sắc, hay một tay chơi “một thuở”. Sau vụ scandal đánh bạc năm 2007, sự nghiệp của ông như chìm khuất dưới những tin đồn kiểu như “xây dựng sự nghiệp 10 năm đốt một giờ trên chiếu bạc.”
Hiện tại, ở tuổi 58, Thương Tín bất ngờ tái xuất với màn ảnh nhỏ trong ba phim cùng một lúc: Tình người xứ hoa, Bên kia sông, Tối qua mơ gì. Ông chia sẻ, đi đóng phim để nuôi con nhỏ với người vợ trẻ. Niềm vui cuộc sống lục tuần của Thương Tín hiện nay là cuộc sống gia đình nhỏ bé và giản dị này.
Nguyễn Chánh Tín - đại úy Nguyễn Thành Luân
Cách đây hơn hai thập kỉ, Nguyễn Chánh Tín là một trong những cái tên nổi đình nổi đám. Bất cứ ở đâu, thời gian nào cũng có thể bắt gặp ai đó đang bàn luận đến chàng diễn viên trẻ tuổi tài năng này. Câu nói "Đẹp trai như Chánh Tín" đã trở thành câu "cửa miệng" của đám con gái thời đó!
Cuộc sống những năm 80 khó khăn. Nguyễn Chánh Tín khi đó gầy. Cái vẻ gầy ấy tôn chiếc mũi thẳng tự nhiên, vầng trán vuông thông minh và đôi mắt với ánh nhìn sâu, từng trải. Tất cả đã làm nên một Nguyễn Thành Luân tuyệt vời trong Ván bài lật ngửa.
Nguyễn Chánh Tín - đại úy Nguyễn Thành Luân
Khi casting diễn viên cho vai Nguyễn Thành Luân, nhà biên kịch Trần Bạch Đằng đã nhắm vào diễn viên khác và phim đã quay hết tập 1. Tuy nhiên, khi xem lại, ông cảm thấy không ưng ý và quyết định chọn lại diễn viên cho vai này.
Nguyễn Chánh Tín, lúc bấy giờ đang được chú ý trên sân khấu ca nhạc, được mời đến thử vai. Theo nhận xét của ông Trần Bạch Đằng thì diễn xuất của Chánh Tín chân thật, tự nhiên và có một nét gì đó khác người. Đó cũng chính là lý do mà ông quyết định chọn Chánh Tín vào vai Nguyễn Thành Luân.
Rất nhiều năm đã trôi qua sau vai diễn lừng danh trong Ván bài lật ngửa, Nguyễn Chánh Tín đã không còn là Nguyễn Thành Luân ngày nào. Nam diễn viên đã bước sang tuổi 60, đã mất đi cái vẻ hào hoa phong nhã từng làm nghiêng đổ bao nhiêu trái tim phụ nữ. Nguyễn Chánh Tín của hôm nay vẫn còn cực nhọc, vẫn phải lao ra đường kiếm tiền, đối diện với biết bao lo toan thường ngày.
Từng “làm mưa làm gió” trên màn bạc là thế, vậy mà ở ngoài đời thực, lăn lộn với nhiều vai trò khác nhau trong ngành giải trí, từ MC truyền hình đến đạo diễn, nhà sản xuất phim, nam tài tử vẫn chưa thể nghỉ ngơi dù đã ở vào cái tuổi sắp lên lão.
Trong mấy ngày gần đây, dư luận cả nước đang xôn xao trước thông tin Chánh Tín vỡ nợ 10 tỉ và có nguy cơ bị tịch thu nhà. "Họa vô đơn chí", nam diễn viên còn đang phải chống chọi với bệnh tật hiểm nghèo. Trong suốt hơn 60 năm cuộc đời của mình, chưa bao giờ Chánh Tín lại lâm vào một hoàn cảnh bi đát đến vậy.
Dù đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, Nguyễn Chánh Tín vẫn rất may mắn có bên mình một chỗ dựa vững chắc. Đó không ai khác chính là người vợ tảo tần Bích Trâm. Gần 40 năm “góp gạo thổi cơm chung”, tình cảm gắn bó của vợ chồng nam diễn viên là một trong những niềm ước ao mà rất nhiều người phải ghen tị. Giờ đây, khi khó khăn hoạn nạn, người ta mới thấy trân trọng và ngưỡng mộ hơn bao giờ hết tình cảm và lòng yêu thương hết mực mà Bích Trâm dành cho chồng.
Thành Lũy Trung tá Hoàng Đình Duyệt
Diễn viên Nguyễn Thành Luỹ - Trung tá Hoàng Đình Duyệt của “Ván bài lật ngửa” vừa qua đời cách đây 3 ngày vì mắc bệnh sơ gan, suy thận, hở van tim hai lá nặng.
Diễn viên Thành Lũy (áo đen) trong một cảnh quay của phim Mặn hơn muối, bộ phim cuối cùng ông tham gia. Ảnh: TL.
Ông sinh năm 1950 trong một gia đình gia công và buôn bán kim hoàn khá có tiếng ở Đồng Nai. Từ nhỏ, ông đã là một “cậu ấm” đúng nghĩa khi được bố mẹ bảo bọc trong sự đầy đủ của một gia đình có điều kiện. Những năm 1975, trong khi đất nước đang khó khăn thì ông đã có xe hơi để đi, xung quanh ông lúc nào cũng có những người đẹp sẵn sàng gật đầu làm vợ.
Diễn viên Thành Lũy (áo đen) trong một cảnh quay của phim Mặn hơn muối, bộ phim cuối cùng ông tham gia.
Ông cũng thừa nhận mình là một người phá gia chi tử bởi có bao nhiêu tiền là phung phí chi tiêu. Tuy nhiên, số tiền đó ông tiêu xài để theo nghề chứ không phải đem cho gái như người ta đồn đại.
Năm 1970, một biến cố đã xảy đến khiến cho gia đình ông phải thất bát và ly tán. Dù vậy, vì đam mê điện ảnh nên Thành Lũy vẫn miệt mài theo chân các đoàn làm phim. Ông đã từng bán hai căn nhà lớn ở TP. HCM và cả chiếc xe hơi ông cưng như “vàng” để lấy tiền trang trải cuộc sống.
Năm 2004, hôn nhân của Thành Lũy đổ vỡ. Vợ ông dẫn người con đầu ra đi còn ông và con gái út thuê nhà trọ để sống. Thời gian đó, để có thời gian đi theo các đoàn làm phim ông phải gửi con nhờ cô giáo hoặc hàng xóm trong hộ. Đó là những ngày tháng ông sống chắt chiu và bần hàn nhất cuộc đời.
Trước khi ốm nặng nằm một chỗ, diễn viên Thành Lũy vẫn miệt mài đóng phim bất chấp tuổi cao và mang trong mình đủ thứ bệnh. Đến cuối đời, ông phải nhờ tới sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp để chữa bệnh.
Trong những năm tháng gắn đời mình với phim ảnh, diễn viên Nguyễn Thành Lũy từng tham gia hơn 30 phim lớn nhỏ, trong đó vai diễn Trung tá Hoàng Đình Duyệt ở bộ phim “Ván bài lật ngửa” được xem là đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất của ông.
Thảo Nhi