Cuộc phiêu lưu của người Mông trong phố

(Ngày Nay) - Hai người Mông đến Hà Nội từ cùng một đỉnh núi. Họ rẽ theo những con đường khác nhau.
Ảnh: Cường Đỗ Mạnh
Ảnh: Cường Đỗ Mạnh

Bắt đầu từ nửa cuối năm 2016, “Yên Bái” trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều trên Google. So sánh tương quan giữa “Yên Bái” với hai từ khóa tiêu biểu, gồm “thịt lợn” - một trong những chủ đề thời sự nóng nhất nửa đầu 2017 và “Hội An” - địa danh du lịch nổi tiếng lâu đời, khẳng định sự mới nổi của tỉnh miền núi này, cả với tư cách một địa danh và chủ đề thời sự.ư

Cho tới trước tháng 8/2016, Yên Bái có rất ít lý do để xuất hiện trên báo chí. Đó là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, với chỉ số năng lực cạnh tranh thuộc hàng thấp nhất.

Nhưng ngay cả khi đã trở thành một “xu hướng tìm kiếm”, Yên Bái vẫn chỉ hiện lên qua những câu chuyện, những cái tên mang màu sắc chính trị. Ở đâu đó, sự tương phản giữa các chân dung chính trị và đời sống người dân của một tỉnh nghèo được nhắc tới. Nhưng bản thân chân dung của những người dân - đặc biệt là những người dưới cùng thang thu nhập - vốn làm nên đặc trưng kinh tế xã hội của Yên Bái, chưa xuất hiện.

Thời điểm này có thể là cơ hội để nói về những con người đó. Hay rộng hơn, là cơ hội để nhắc một lần nữa về cuộc sống đồng bào “vùng sâu, vùng xa” - theo cách Trung ương gọi các vùng đất này.

Hai chàng trai người Mông ra đi từ xã Chế Cu Nha, Mù Cang Chải - huyện nghèo nhất của tỉnh Yên Bái. Xuất phát từ cùng một nơi, cả hai xuống Hà Nội theo những con đường khác nhau với những mục tiêu khác nhau. Họ gặp ở đó những cơ hội và thách thức, những người tốt và xấu. Một người đối mặt với vấn đề kinh tế; còn người kia đối mặt với cuộc khủng hoảng về định danh.

Hôm ấy, Lý A Chống ra khỏi nhà vào sáng sớm.

Cậu ngoái lại nhìn căn nhà gỗ chênh vênh bên sườn núi, rồi đi bộ men theo đường mòn xuống đường lớn bắt xe. Trong nhà, vợ Chống và con trai còn đang ôm nhau ngủ. Chống xuống Hà Nội làm thuê trả nợ.

Chống mang theo 100.000 đồng trong túi và bộ quần áo đựng trong cái bao tải. Cậu người Mông xuống bến Mỹ Đình (Hà Nội), còn thiếu nhà xe 90.000 đồng, phải nhờ người bạn trả giúp.

Người bạn cùng bản giới thiệu cho Chống làm công nhân buộc thép. Thu nhập là 3 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền đó đúng bằng số nợ hai năm chưa trả được mà Chống vay của bố vợ và người trong bản Chế Cu Nha để dựng căn nhà nhỏ khi vợ chồng ra ở riêng. Chống nợ bố vợ một con lợn, nợ người cùng bản một triệu đồng.

Ở công trường ấy, Chống làm việc cùng tám đồng hương đều là bạn bè cùng tuổi. Công việc đầu tiên chỉ kéo dài một tháng: chủ thầu quỵt tiền công của Chống. Cậu lại lần mò quay trở về Chế Cu Nha.

Nhưng người đàn ông của gia đình vẫn muốn tìm cách trả nợ. Chỉ vài ngày sau, chàng trai Mông lại tìm đường xuống Hà Nội.

Chống lại xuống bến xe Mỹ Đình, trên người không một đồng xu, vẫn chỉ có đúng một bộ quần áo và đôi dép nhựa. Khi ấy đang là đợt rét nhất của mùa Đông Hà Nội. Cậu gọi điện cho người duy nhất cậu quen tại mảnh đất này - “anh Cường” - người chụp ảnh từng đến thăm nhà Chống, cũng là người thực hiện loạt ảnh chân dung những người Mông trong bài viết này.

“Em đang đứng cạnh một cái xe màu vàng” - Chống đứng giữa dòng người tuôn chảy ở bến xe Mỹ Đình, miêu tả qua điện thoại cho anh Cường đến đón. 

Cuộc phiêu lưu của người Mông trong phố ảnh 1
Từ trái qua: Khang Tủa - Hạng Súa - Lồ Dung

Bằng một nỗ lực nào đó, anh Cường tìm được “cái xe màu vàng” và đón được Chống. Cậu được đưa đi mua quần áo, một đôi ủng chống rét, và được giới thiệu làm công nhân trong một công ty sản xuất bê tông trộn. Nhiệm vụ của cậu là vệ sinh công trường, lau rửa nền đất và những chiếc xe bồn trộn bê tông. Lương tháng bốn triệu hai, cậu được cho sống trong chiếc container ở góc công trường.

Tiền đấy lúc nào em cũng cầm bên người. Sợ mất chứ. Đi làm thì thi thoảng sờ vào túi xem còn không”.

Chống đi từ Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Việc “91% dân số là dân tộc Mông” được chính quyền Mù Cang Chải liệt vào danh sách các nhân tố tạo ra “khó khăn” cho việc phát triển kinh tế xã hội của huyện. Hơn 75% số hộ thuộc diện nghèo, theo chuẩn nghèo đa chiều của chính phủ.

Không có con số thống kê chính thức về những cuộc ra đi như của Chống, Viện Nghiên cứu Xã hội - Kinh tế và Môi trường (iSee), trong một báo cáo năm 2015, khẳng định: “Lối sống và tiêu dùng của nhiều gia đình ở bản làng đã hòa nhập sâu vào nền kinh tế thị trường”. Đó là mua hàng hóa cần cho cuộc sống đơn giản, tiếp cận, hưởng thụ các mặt hàng trước đây được coi là xa xỉ, như vợ chồng Lý A Chống, từ chỗ trả nợ đã có nhu cầu sắm xe máy, xây nhà to hơn.

Đó có thể là một nhu cầu đơn giản với nhiều cộng đồng khác. Nhưng với những đồng bào sống trên núi cao, nền kinh tế chính là nông nghiệp và quỹ đất canh tác ngày càng thu hẹp, tăng trưởng là một thách thức: đầu tư cho tăng trưởng của những con người này, từ vốn tài chính (tiền) cho đến vốn con người (giáo dục) đều không có. Vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Họ thậm chí đối mặt với suy thoái kinh tế, khi dân số tăng và quỹ đất không tăng. Chống là một trường hợp tiêu biểu cho sự suy thoái này: cậu cần một căn nhà khi cưới vợ, cần ruộng để cấy, nhưng nguồn lực cũ không đủ khi gia đình mở rộng. Mảnh đất mà cậu dựng nhà trên sườn núi phải mua của người khác với giá 4 triệu đồng.

Vay nợ trở thành một vấn đề lớn không chỉ của Chống hay của người Mông ở Mù Cang Chải. Một khảo sát năm 2014 chỉ ra rằng có gần 80% số hộ gia đình người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Thái Nguyên và Sơn La (vùng được chọn khảo sát) đang vay nợ. Phần lớn số này là để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà. Tỷ lệ nợ xấu, tức là chỉ có thể trả được một phần hoặc mất khả năng chi trả, là 28,4%.

Chống đã quyết định ra đi, khi mà không có chút vốn nào, từ kiến thức về Hà Nội cho đến tiền bạc. Xuống núi, là con đường duy nhất cậu nghĩ ra.

Chống làm việc ở trạm trộn bê tông một thời gian thì ốm nhẹ. Vợ Chống gửi con, lặn lội xuống Hà Nội thăm chồng.

Trước khi xuống thăm chồng, vợ Chống xin thuốc của người Mông, đi ba trăm cây số xuống thủ đô, cho chồng uống khỏi ốm.

Họ mượn được một chiếc xe đạp để chở nhau đi chơi. Chống chỉ biết một địa điểm ở Hà Nội này: tòa nhà cao nhất Hà Nội. Đó là tòa nhà Keangnam gần bến xe Mỹ Đình, “thắng cảnh” đầu tiên cậu nhìn thấy khi bước chân xuống thủ đô.

Hôm ấy, Chống xin nghỉ làm sớm, chở vợ lên xem “tòa nhà cao nhất Hà Nội”, lượn quanh một vòng, cho vợ xem mấy chỗ người ta trồng hoa đẹp đẹp ở mấy nhà hàng to quanh khu đó,  rồi quay về.

Hôm ấy, Tủa Khang cũng xuống núi vào sáng sớm.

Trời còn mờ sương, mây mù vẫn phủ kín. Cậu cũng đi đúng con đường Chống đã đi, nhà họ chỉ cách nhau vài mét trên sườn đồi. Từ Chế Cu Nha, chỉ có một con đường mòn xuống đường lớn để bắt xe khách.

Hôm ấy là tháng Tám, ngô còn đang xanh, lúa mới cấy. Chế Cu Nha “chỉ có xanh và xanh”, trong trí nhớ của Tủa.

Tủa đi một con đường khác Chống. Họ là bạn học của nhau, ngày bé vẫn đánh nhau và thời thanh niên vẫn cùng ngồi uống rượu. Nhưng Tủa Khang học giỏi. Chống ở nhà lấy vợ đẻ con, còn Tủa xuống xuôi, để học lên đại học. Tủa là tân sinh viên Đại học Bách Khoa.

Con đường của Tủa đối mặt với những thách thức khác Chống. Cậu mang cảm giác bị kỳ thị suốt những năm tháng đi học. Chàng trai người Mông nói tiếng Việt mang theo âm sắc tiếng Mông. “Cứ đứng dậy nói là chúng nó cười; nhiều khi mình nói đúng chúng nó vẫn cười, em chẳng hiểu tại sao” - Tủa cười và nhớ về thời đi học phổ thông.

Tủa mang theo hơn 2 triệu đồng vay ngân hàng xuống nhập học ở Đại học Bách Khoa. Xong thủ tục, cậu chỉ còn 400 nghìn đồng, và phải gần hai tháng nữa, mới đến lúc gia đình gửi tiền. Tủa ăn mì suốt hai tháng.

“Sao mày ăn mì nhiều thế?” - người buôn mì gói hỏi. “Em thích ăn mì” - Tủa trả lời. Rồi người đàn ông ấy giúp Tủa vốn để bán mì gói cho các bạn trong ký túc xá. Người ấy tốt, Tủa vẫn nhớ: anh đưa cả xe máy cho Tủa đi giao mì. Ngoài giờ học, chàng trai người Mông trở thành tay buôn mì. Cậu buôn bán thuận lợi - có những ngày bán vài thùng mì. Giai đoạn ấy, Tủa có tiền. 

Nhưng không chỉ có Tủa bán mì gói cho sinh viên. Một buổi tối, Tủa bị chặn xe, bị đánh trên đường về. Cậu bỏ nghề từ đấy.

 ***

Ngày bé, Tủa từng dựng lều cạnh trường để đi học. Cha mẹ không có nhà, Tủa được gửi ở nhà cô giáo. Nhưng người Mông nhỏ tuổi đã biết tự ái: cậu bé không thích cảm giác ăn nhờ ở đậu và hay nhịn đói. Cuối cùng, cậu dựng một căn lều ở cạnh trường.

Nghị lực ấy giúp Tủa trụ được qua ba cấp học để bước vào đại học. Nhưng cậu bé ấy chỉ đủ sức chiến thắng cái nghèo và cái đói. Cậu không thắng nổi cảm giác lạc lõng.

Cuộc phiêu lưu của người Mông trong phố ảnh 2Chống ở nhà lấy vợ đẻ con, còn Tủa xuống xuôi, để học lên đại học...

Tủa nhìn lại bản làng và cộng đồng người Mông bằng một con mắt khác - của một người đã đi xa. Và cậu nhận ra rằng văn hóa truyền thống của người Mông, đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu từ sự va đập của các nền văn hóa. Người xuôi bắt đầu xâm nhập vào không gian văn hóa của người Mông. Còn những người Mông, như Chống hay là chính Tủa, bắt đầu hành trình lưu lạc để mưu sinh khi mảnh rừng cũ không còn nuôi nổi người. 

“Tiếng Mông chỉ có hai đại từ nhân xưng là Cú và Kọ, là tao và mày, giống như I and You của tiếng Anh” - Tủa nói về một ví dụ cho xung đột văn hóa. Rất nhiều người Mông giữ thói quen nói “tao” và “mày” khi tiếp xúc với người xuôi; khi đi làm thuê. Không có “anh/em, chú/cháu”, và tất nhiên, họ không nhận được sự cảm thông mà người ta sẽ dành cho một người Mỹ.

Tủa lập AHD - Action For Hmong Development, cùng với Súa và Dung. Súa là người Mông từ Điện Biên. Dung là người Mông từ Lào Cai. Đều là những người trẻ, đều là những người Mông đã trải nghiệm sự lạc lõng trong định kiến. Ba cô cậu bắt đầu tổ chức những buổi tọa đàm về văn hóa người Mông. Họ muốn xóa đi định kiến của dân thành thị về người Mông.

Người Mông được học cao Tủa Khang lại nhìn thấy một bài toán khác so với Lý A Chống. Bài toán của sự định danh.

Tủa bắt đầu xin tài trợ tổ chức các buổi trò chuyện về người Mông ở Hà Nội. Ở đó, nhóm của Tủa nói về cái tên Mông - về việc “Mông” hay “Hơ Mông” mới là chính xác. Họ nói về vai trò của người phụ nữ trong văn hóa Mông; về tục kéo vợ, về việc tại sao người Mông vùng Tây Bắc lại ăn Tết vào tháng 11 âm lịch, chứ không phải vào Tết Nguyên đán của người xuôi - điều mà chính quyền đang ra sức vận động. Họ bàn luận về hành vi ban phát kẹo cho trẻ em người Mông của những vị khách du lịch từ xuôi. Họ giãi bày nhiều điều, với hy vọng nhóm nhỏ những người đến nghe sẽ thay đổi nhận thức về văn hóa Mông.

Tại sao Tủa muốn làm tất cả những việc này? Cậu trả lời bằng cách đưa ra một nghiên cứu của iSee về cách mà truyền thông phản ánh hình ảnh của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Khảo sát hơn 500 bài viết ở nhiều kênh về đồng bào dân tộc thiểu số, có tới hơn 70% các bài viết sử dụng tính từ tiêu cực để mô tả đồng bào. Trong số này, nhiều nhất là các từ tả sự "nghèo đói" với hơn 65%, sau đó là "lạc hậu, mê tín dị đoan" với hơn 23%...

Và như một phản xạ vô thức, rất nhiều bài viết so sánh "với người Kinh" như một chuẩn mực về lối sống văn minh.

Tủa, Súa và Dung không chấp nhận được những hình ảnh ấy. 

Tủa giờ không cảm thấy việc lấy một tấm bằng Hóa học ở Bách Khoa có giá trị với đời mình. Cậu biết rằng, nếu tiếp tục theo học, đồng nghĩa với hạn chế cơ hội học hành của những đứa em. Tủa bỏ học Bách Khoa để chuyên tâm cho sứ mệnh mới: chống lại những định kiến và tìm cách bảo vệ văn hóa của người Mông trong những luồng xung đột.

Khi nào hết tiền ăn, Tủa sẽ đi làm thợ xây dăm bữa.

Tủa kể về những chuyến xe về quê đêm cuối tuần cuối cùng trong tháng. “Người ta xếp chồng lên nhau như xe chở lợn” - cậu tả. Đó là ngày mà những người làm thuê được lĩnh lương, và họ tranh thủ về quê thăm nhà.

Người quê Tủa và Chống bây giờ đi làm thuê xa hết. Người ta sẽ về Chế Cu Nha đi gặt khi mùa lúa chín vàng. Nhưng tháng 10 qua đi, là đàn ông biến mất, làng chỉ còn người già, trẻ em và phụ nữ.

“Trong nhà người Mông, đứa trẻ con ăn cơm mà quỳ gối thì ngay lập tức bị nói: sau này lớn lên, mày cũng chỉ là kẻ làm thuê cho người khác” - Tủa kể về cách người Mông quê mình dạy con, để chỉ ra rằng người Mông không thích đi làm thuê. Người giàu nghĩa là đủ ăn trên những mảnh ruộng bậc thang của mình.

Trong câu chuyện của Tủa, những người dân tộc thiểu số di cư hiện lên đầy yếu đuối. Tủa đồng ý, rằng họ rất giống những người Việt Nam rời  quê hương mình đi xuất khẩu lao động tại một quốc gia xa lạ ở Trung Đông hay Đông Á. Họ đối mặt với đầy nguy cơ: bất đồng ngôn ngữ, bất đồng văn hóa, họ dễ bị lừa, dễ bị bóc lột, thậm chí gặp nguy hiểm về thân thể.

Tủa chỉ muốn bản làng giữ được nếp xưa, đủ ấm đủ no với mảnh ruộng, lợn gà, đùm bọc nhau trong không gian văn hóa riêng của mình.

Lý A Chống đã tích cóp được một khoản tiền để mua xe máy, và trở về Chế Cu Nha.

Nhưng Chống đã thấy mệt với ruộng bậc thang. Cậu muốn trở lại Hà Nội đi làm, với cái lý xách vữa, bê xi măng nặng hơn, người bẩn hơn, Hà Nội nóng hơn, nhưng nhiều tiền hơn, chỉ đi làm, ăn, về tắm giặt rồi ngủ, không phải nghĩ đến con gà, bón phân cho cây lúa.

Những phiên chợ người dưới thị trấn giúp ông bố trẻ kiếm được nhiều nhất 150.000 đồng/ngày bằng việc phụ hồ. Bộ quần áo công nhân in tên công ty xây dựng đằng sau lưng, cái tên “Lý A Chống” trước ngực như bảo chứng cho “tay nghề”. Số tiền công cho vợ con thêm bữa cơm có thịt. Thằng Của đi học đã có nhà nước nuôi. 

Hơn một năm nay, trong nhà Chống không sắm thêm được thứ gì. “Em muốn dựng cái nhà to hơn, cho vợ con ngủ trên cái giường rộng, anh em đến chơi có chỗ ngồi, nhưng chỗ làm cũ đã có người thay thế. Ở bản này, con trai đi làm đường sắt trên cao dưới Hà Nội, làm mỏ ở Quảng Ninh, còn con gái đi lấy chồng hết rồi”.

Chiều tàn, khách đến, bà Bầu - mẹ Chống - giơ cả hai tay ra bắt, rồi cười nói vài câu tiếng Mông. Bà mời khách vào nhà, rót nước vào hai cái bát, để trên ghế nhỏ vẫn ngồi ăn cơm mời khách uống. Vợ chồng Chống thì thầm gì đó, rồi biến mất, lúc sau mang về cân thịt với lời mời “ở lại ăn cơm, ngủ với vợ chồng em một đêm”.

Dưới ánh đèn compact 20W lập lòe, sáu người chụm đầu bên mâm cơm có hai bát thịt, một rang với muối, một luộc kèm bát nước.

Hỏi sao không đi buôn váy, buôn táo mèo nữa, Chống nói những thứ ấy không có quanh năm. Làm nương thì phải lo phân bón, cây giống. Ông bố 24 tuổi ngồi nhẩm tính, nhà có hai mảnh nương, mảnh lớn trồng lúa, tháng năm đổ nước, tháng sáu cấy, tháng bảy bón phân, cuối tháng chín gặt, thu mười bao. Mảnh nhỏ trồng ngô, tháng tư trỉa hạt, tháng tám thu bắp, được bốn bao.

Làm dưới Hà Nội một tháng, bằng bà Bầu đi hơn 80 phiên chợ bán su su - phương cách tăng thu nhập duy nhất của những người phụ nữ trong gia đình Chống lúc này.

Chống không biết gì về những thứ người ta đang nói về Yên Bái. Chống chưa từng nghe thấy từ “biệt phủ”. Tin tức cậu cập nhật gần nhất về chính quyền Yên Bái là từ ngày còn ở Hà Nội, nghe người ta nói chuyện.

Yên Bái đã nổi tiếng vì một lý do xa lạ nào đó với những người xa lạ nào đó. Trên đỉnh núi, người dân Chế Cu Nha vẫn nghĩ đến miếng thịt ăn. Một cân thịt lợn, bằng một nửa ngày công của Chống. 

Theo Vnexpress
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.