Thương về Bình Định

(Ngày Nay) - Đường nhựa êm ru nhưng ô tô phải từ từ lăn bánh để hạ đèo đi xuống thành phố Quy Nhơn. Cũng đều đều là bài ca boléro dặt dìu thổn thức: “Khi chân đến quê em, nắng ban mai hôn nhẹ lên khóm hoa tươi...”. 
Tháp Cánh Tiên nhô lên giữa trời xanh
Tháp Cánh Tiên nhô lên giữa trời xanh

Đến cuối đường, đột nhiên như một pha chuyển cảnh trong phim, cả thành phố Quy Nhơn vàng sáng dưới ánh nắng chiều, và xa xa kia biển xanh vỗ về bờ cát vàng. Cô bạn gái Thùy Trâm thức dậy lúc nào không hay, vừa chỉ tay vừa thốt lên: “Quy Nhơn đó anh!”.

Đọc sách vở cũng nhiều nên lần đầu đến với đất võ, trời văn Bình Định, tôi rất muốn tìm hiểu vùng đất này trên thực địa để phần nào trả lời những câu hỏi mơ hồ, kiểu như: Suốt dọc dài mảnh đất Nam Trung Bộ, vì sao chỉ có vùng đất Bình Định lại là nơi hội tụ của tinh thần thượng võ với đội quân Tây Sơn huyền thoại mà còn là nơi phát tiết của những bậc văn sĩ hạng nhất nước ta như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Võ Phiến, Phạm Văn Ký, Nguyễn Mộng Giác…

Đem băn khoăn đó tâm sự với Trâm, cô nàng quen kinh doanh với những con số tỏ vẻ bối rối không biết giúp tôi bằng cách nào. Khi xe đi qua nhà cô ngang sông Côn, cô khẽ nói: “Hai chúng mình cứ đi theo Quốc lộ 19 dọc sông Côn, biết đâu anh sẽ câu trả lời?”.

Nhưng trước hết cứ thăm thú Quy Nhơn đã. Địa điểm mà Trâm dẫn tôi đến tham quan đầu tiên là Ghềnh Ráng - nơi yên nghỉ của thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Khách đường xa đến đây để viếng ngôi mộ đơn sơ, tỏ lòng ngưỡng mộ một thiên tài thơ ca nước Nam đúng như lời tiên tri của thi sĩ Chế Lan Viên: “Tôi xin hứa hẹn với các người rằng, mai sau, những cái tầm thường, mực thước kia sẽ biến tan đi, và còn lại của cái thời kỳ này, chút gì đáng kể đó là Hàn Mặc Tử”. Đến Ghềnh Ráng, nhìn được một vùng non nước đẹp như tranh, những dãy núi đâm ra biển, rồi đêm xuống ngắm trăng treo trên bờ biển mới ngộ ra ai rồi gắn bó với miền đất này cũng dễ thành thi sĩ lắm.

Để hun đúc một vùng đất giàu có về văn hóa, môi trường cảnh quan tự nhiên chỉ đóng vai trò thứ yếu, nhất thiết phải là lịch sử, truyền thống nhiều lớp người gây dựng mà thành. Chủ nhân lâu đời của đất Bình Định xưa kia là người Chăm Pa, đã từng tạo lập một vương quốc hùng mạnh suốt dải đất Nam Trung Bộ.

Ở một thành phố hiện đại như Quy Nhơn, chẳng còn dấu tích về nơi từng là cửa biển Thị Nại xưa, có chăng là di tích Tháp Đôi từ thế kỷ thứ XII. Là người địa phương nhưng Trâm nói rằng cô không quan tâm đến hai ngôi tháp này nhưng cô thấy di tích quý giá bởi giá trị cổ xưa. Lại nói chuyện nhận thức, chợt nhớ vài năm trước đi thăm Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) với ông bạn làm ngân hàng ở Đà Nẵng, ông mắng tôi đi đâu không đi, lại đi thăm mấy cái lò gạch!

Nhưng chính mấy cái “lò gạch” này lại khiến du khách mê mẩn vẻ đẹp kết cấu, chạm trổ tinh vi được các nhà khoa học định danh là “phong cách Bình Định”, nổi bật trong số 7 phong cách tháp Chăm kéo dài gần 10 thế kỷ. Nhìn ngắm vẻ đẹp liêu trai của các tháp Chăm, chợt nhớ đến thi nhân Chế Lan Viên - người đã mê mẩn vẻ đẹp tháp Chăm để có những câu thơ đặc sắc trong tập thơ “Điêu tàn”: “Đây, những Tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian/ Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than”. 

Thương về Bình Định ảnh 1Du khách tham quan thành Hoàng Đế

Sự quyến rũ của tháp Chăm còn nằm trong những bí ẩn chưa được giải mã. Tính ra, từ khi người Pháp bắt đầu nghiên cứu tháp Chăm hồi đầu thế kỷ XX, hơn 100 năm sau, giới khoa học mới lờ mờ phác thảo cách thức những nghệ nhân Chăm đã xây dựng những đền tháp kỳ vĩ: Nào là dùng gạch làm từ đất sét pha cát, rồi dùng keo cây dầu rái, rồi nung tháp từ trên xuống dưới...

Nhưng biết là một chuyện, làm theo lại là chuyện khác! Đi khắp các tháp Chăm ở Bình Định được tôn tạo sẽ thấy hễ gạch của dự án bảo tồn mốc đen đi chỉ sau chục năm, trong khi gạch của nghệ nhân Chăm sau gần ngàn năm vẫn tươi sắc hồng! Nhiều lần trò chuyện với những anh thợ chạm khắc trùng tu các tháp Chăm, họ đều thừa nhận là không thể nào bằng những nét khắc sắc ngọt trên đá của người Chăm qua hàng ngàn năm vẫn thấy mềm mại sống động.

Cũng chỉ dám phỏng đoán: Người Chăm sống nghiêng về đời sống tâm linh, tháp Chăm lại nơi thờ phụng các vị thần nên khi chạm trổ những nghệ nhân xưa như có động lực thăng hoa sáng tạo chăng? Các tháp Chăm ở Bình Định giờ nằm rải rác ven sông Côn kéo dài từ Quy Nhơn lên tận huyện Tây Sơn. Di sản kiến trúc mà có người ví là “mỏ vàng” giờ phục vụ tích cực cho du lịch thế chỗ cho chức năng thờ tự.

Dấu vết lịch sử còn lại rõ rệt ở Bình Định đến tận bây giờ liên quan đến “Tây Sơn tam kiệt”. Nếu làm một “tua” du lịch cứ ngược theo quốc lộ 19 sẽ gặp hai khu di tích quan trọng: Thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc ở Thị xã An Nhơn và Bảo tàng Quang Trung ở thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Chị Lâm Diệu Nga, hướng dẫn viên du lịch ở thành Hoàng Đế, chỉ cho chúng tôi mấy con voi, sư tử đá có phong cách tạo hình rất lạ. Hóa ra, cùng với tháp Cánh Tiên nhô lên giữa trời xanh, những bức tượng linh vật là những gì còn sót lại của người Chăm; từ đây, chúng tôi mới biết thành Hoàng Đế được xây trên nền móng thành Vijaya (tức Đồ Bàn) mà vua Lê Thánh Tông đã chiếm được năm 1471.

Di tích thành Hoàng Đế giờ chỉ còn tường bao đá ong, hào cạn, hồ bán nguyệt cũng đã tỏ rõ đây là nơi làm, nơi chơi xứng tầm với danh xưng Trung ương Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Nhờ có hướng dẫn viên, chúng tôi mới biết trong thành nội còn có mộ danh tướng Võ Tánh của vua Gia Long đã tuẫn tiết giữ thành Quy Nhơn.

Sử cũ ghi: Khi bị quân Tây Sơn vây hãm, để giữ chân đối phương giúp Nguyễn Ánh đánh úp Phú Xuân, Võ Tánh quyết bám thành không tháo chạy. Quân Tây Sơn chiếm lại được thành Quy Nhơn nhưng chính cuộc vây hãm kéo dài này đã khiến họ mất Phú Xuân và dẫn đến sự thất bại nhanh chóng sau đó. Thực là một câu chuyện hay về sự trung dũng của một võ tướng để lưu danh bằng câu ca: “Ngó lên ngọn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương quan Hậu thủ thành ba năm”.

Quốc lộ 19 song song với sông Côn, đến thị trấn Phú Phong thì chạy sát nhau, nhìn gần có thể thấy Bến Trầu, trăm năm trước Nguyễn Nhạc từng là một doanh nhân buôn trầu xuôi dòng sông Côn về Quy Nhơn. Trong khuôn viên Bảo tàng Quang Trung chỉ còn duy nhất một giếng cổ nước mát lành và cây me cổ thụ anh em Nguyễn Huệ luyện võ ôn văn. Cũng dễ hiểu vì vua Gia Long đã xóa mọi dấu tích của triều đại Tây Sơn, thậm chí xương cốt ba anh em Tây Sơn còn chẳng còn thì lấy đâu ra di tích mà bảo tồn!

Vật chất mất đi nhưng tinh thần phong trào Tây Sơn vẫn còn, thể hiện trong võ Bình Định. Ở Bảo tàng Quang Trung, chúng tôi gặp võ sư Hồ Văn Sĩ - con trai võ sư nổi tiếng Hồ Sừng. Không như cha anh phải lay lắt kiếm nghề mưu sinh để mà giữ nghề võ trong quá khứ, Hồ Văn Sĩ bây giờ sống khỏe nhờ phục vụ khách du lịch bằng những “sô” biểu diễn võ nhạc và còn đi dạy võ để người dân, lực lượng dân quân tự vệ đất Tây Sơn thượng võ như thế hệ tiền nhân. Khí chất rắn rỏi, cương trực, thẳng thắn hòa trộn với tinh thần thượng võ của người Bình Định có thể thấy ngay trong một đứa trẻ như Diễm Quỳnh. Mới 11 tuổi song cô bé cứng cáp, cao to hơn các bạn cùng trang lứa là nhờ học võ sớm.

Người lớn giờ không xem chuyện đi học võ là việc vô bổ hay khiến đám trẻ ham đánh lộn mà để rèn luyện sức khỏe. Nhìn những bài múa quyền với động tác dứt khoát, thần thái tự tin của cô học trò, võ sư Hồ Văn Sĩ mừng ra mặt. Không chỉ giữ dòng võ Hồ Gia nối tiếp đời thứ 5 mà tinh hoa võ Bình Định đã được bảo tồn trong dân chúng một cách bền vững khi kết nối với du lịch.

Thương về Bình Định ảnh 2Biểu diễn võ nhạc Tây Sơn tại bảo tàng Quang Trung

Mấy ngày ngắn ngủi ở Bình Định mà tôi đã cảm nhận phần nào tính cách con người nơi đây: Hiền hậu và thật thà đến mức cực đoan là thẳng thắn. Tức mình là nói vỗ mặt nhưng không để bụng quên ngay. Thế nên, mới có chuyện mua sầu riêng ngoài phố, chỉ 70 ngàn đồng/kg quá rẻ nên tôi mua mà không lựa, bà bán hàng nói ngay, quả đó không ngon đâu. Với truyền thống văn hóa, cảnh quan tự nhiên, người dân bản địa mến khách, chẳng ai ngạc nhiên khi Bình Định đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Nhưng, du lịch đang làm đổi thay đất võ, xứ văn - đó là điều mà một người xa quê lâu ngày như Trâm nhận thấy. Cô nhớ ngày xưa, đạp xe ra bãi biển, đi lên tháp Bánh Ít hóng mát chỉ có lác đác vài du khách. Nay tỉnh nhà đang quyết tâm biến du lịch thành ngành công nghiệp không khói, kêu gọi đầu tư, xã hội hóa rất mạnh. Đã có khu nghỉ dưỡng 5 sao của Tập đoàn FLC và sắp tới là những dự dự án bao gồm căn hộ khách sạn đẳng cấp 5 sao được xây dựng tại trung tâm thành phố Quy Nhơn.

Sự ồn ào, hào nhoáng phố thị đó có lẽ hợp với những người thích sôi động, hướng ngoại. Những người hướng nội như tôi và Trâm thích lái xe đi theo những con đường hai bên là đồng lúa, vườn dừa... Chỉ cần nhìn thấy vậy thôi, đã thấy đẹp đến nao lòng, vẻ đẹp bình dị mà một người xa quê như Trâm không muốn mất đi, để cô còn lưu giữ trong tâm trí, để mà còn thương nhớ...

Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.