Cuộc sống bất ổn dưới bóng mây đen

Cuộc sống bất ổn dưới bóng mây đen

Sau vụ cháy khủng khiếp ở Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (87-89 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) đêm ngày 28/8, bầu trời phường Thanh Xuân Trung và khu vực lân cận ủ một màu ảm đạm. Người dân lũ lượt di tản tìm nơi tá túc. Họ rỉ tai nhau đi càng xa càng tốt, cứ theo bóng đám mây đen mà khoanh vùng nguy hiểm…

* * *

Cuộc sống bất ổn dưới bóng mây đen ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Tiến - Trưởng Ban quản trị chung cư A1 54 Hạ Đình vẫn chưa hết bức xúc khi gặp phóng viên sau 10 ngày diễn ra vụ cháy. Trò chuyện với chúng tôi sáng ngày 9/9, ông bảo: “Hiện tâm lý chung của bà con vẫn rất hoang mang, dao động, gần 90% người dân ở chung cư đã đóng cửa bỏ đi. Đến giờ phút này họ vẫn tiếp tục chuyển đi. Cảnh báo nguy hiểm trong bán kính 500m, nhưng chung cư này cách đám cháy chưa đến 20m, chung tường rào cháy, nên ai cũng hoang mang…”.

Điều hoang mang nhất với hàng ngàn cư dân sống quanh Công ty Rạng Đông là thông tin bất nhất của các cơ quan chức năng liên tục đưa ra. Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân trấn an bà con không nguy hiểm, nhưng sau đó, thông tin  từ cuộc họp báo Chính phủ ngày 4/9 gây sốc với tất cả cư dân khi có đến 15,1-27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường. Vùng có nguy cơ ô nhiễm ở phạm vi 500m tính từ hàng rào nhà máy Rạng Đông. Theo lời ông Tiến, người dân lúc đầu còn tâm lý nghe ngóng, đến lúc ngã ngửa khi nghe thông báo, mọi người hoang mang quá, toàn cháu nhỏ, người cao tuổi... Không ai nghĩ thủy ngân khủng khiếp thế.

Chung cư A1 54 Hạ Đình có trên 1.000 nhân khẩu, khoảng 600 cháu nhỏ, chưa tính hai trường học mầm non bên cạnh trông giữ hơn 100 cháu bé, người già thì rất nhiều... Ngay sau khi có thông tin nguy hiểm phát ra ngày 4/9, ngày 5/9 người dân chuyển đi hàng loạt như cuộc di tản. Nhà ông Tiến có ba người, vợ con ông đã nhanh chóng chuyển đi nơi khác. “Buổi tối nhiều ô tô bật đèn sáng cho người dân di tản. Không còn cách nào khác, người ta buộc phải đi, còn biết làm gì khác?” – ông Tiến kể.

Cuộc sống bất ổn dưới bóng mây đen ảnh 2

Sau vụ việc, người chung cư đi gần hết, có những tầng cả tầng còn một phòng trụ lại, buổi tối bắt đầu có hiện tượng trộm cắp lởn vởn phá hoại... buộc ban quản lý phải ở lại giữ an ninh, bảo vệ tài sản cho nhân dân, thấy ai lạ đi vào chung cư phải giữ lại hỏi han kĩ lưỡng.

Những ngày này, phố Hạ Đình chưa bao giờ vắng đến thế. Chỉ có công nhân Công ty Rạng Đông vẫn đến xưởng. Cả phố chỉ 1-2 hàng quán bám trụ, còn lại cửa đóng then cài với những tấm biển treo cửa nhuốm bụi đen sì như: “Cửa hàng chuyển về số 5 ngõ 342 Khương Đình”, “Cửa hàng chuyển về nhà, liên hệ số điện thoại…”, “Cho thuê mặt bằng…”, “Bán nhà…”. Ai qua lại khu vực gần đám cháy cũng cố gắng vặn ga hay đạp xe đi thật nhanh. Nhiều tờ rơi tuyên truyền cách phòng chống nhiễm độc thủy ngân vẫn cài ở cánh cửa nhiều hộ dân vì họ đã di tản đi nơi khác. Mới cách đây 10 ngày, con phố này tấp nập người qua lại, giờ tan tầm nào cũng tắc đường hàng kilomet vì công nhân, học sinh tan tầm…

Bà Mão - một người bán nước ngay trước cổng Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, từ chiều tối 4/9, bà đã chuẩn bị sẵn cho mình khẩu trang loại tốt nhất nhưng vẫn lo ngay ngáy.

Bà thở dài: “Mấy hôm trước, chúng tôi đã yên tâm vì hết quận Thanh Xuân lẫn Sở Tài nguyên Môi trường HN đều nói là không ô nhiễm. Vậy mà sau đó lại công bố kết quả khác…”.

Cuộc sống bất ổn dưới bóng mây đen ảnh 3
Cuộc sống bất ổn dưới bóng mây đen ảnh 4

Không chờ cơ quan chức năng khuyến cáo, ngoài việc di tản nơi ở, trong 3 ngày 6-8/9, có khoảng 930 người quanh khu vực Hạ Đình đã chủ động đến khám các bệnh chủ yếu liên quan đến đường hô hấp, tai mũi họng, tim mạch, huyết áp và đái tháo đường. Trong số này, có 320 trường hợp sau khi đánh giá sức khỏe và tư vấn đã được chuyển tới 3 bệnh viện của TP Hà Nội thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu; 35 trường hợp chỉ định nhập viện điều trị nội trú. Tính từ sau khi vụ cháy xảy ra đến nay, đã hơn 1.100 người dân đã đến các cơ sở y tế khám và xét nghiệm máu.

Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bên liên quan trực tiếp chỉ đạo, triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy, trong đó chú trọng 2 vấn đề: Một, thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng, xác định nguyên nhân gây cháy nổ. Hai, tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư. 

Sau vụ việc, UBND TP Hà Nội ngay ngày 5/9 đã ra 2 văn bản hỏa tốc về việc tiếp tục quan trắc, đánh giá, theo dõi ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vụ cháy Công ty Rạng Đông. Cụ thể, Hà Nội gửi công văn cho Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đề nghị giám định để xác định mức độ ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí sau vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Văn bản nêu rõ, do nhà kho của Công ty CP bóng đèn và phích nước Rạng Đông có một số lượng thành phẩm có chứa hóa chất, kim loại nặng bị cháy, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân trong khu vực, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh nơi xảy ra cháy.

UBND TP Hà Nội “đề nghị đồng chí Chủ tịch Viện chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Viện và mời các chuyên gia trong nước và nước ngoài có kinh nghiệm xử lý sự cố tương tự, giúp Công an thành phố thực hiện việc giám định để xác định mức độ ô nhiễm về môi trường đất, nước và không khí trong vùng ảnh hưởng xung quanh khu vực cháy nhà kho của Công ty Rạng Đông, từ đó đưa ra các giải pháp xử lý khắc phục có hiệu quả trong thời gian sớm nhất để thành phố tổ chức thực hiện”.  Toàn bộ kinh phí do thành phố Hà Nội chi trả theo quy định.

Cuộc sống bất ổn dưới bóng mây đen ảnh 5
Khởi tố hay không phụ thuộc vào nguyên nhân cháy

Công ty Rạng Đông có bị khởi tố hay không phải xác định rõ có dấu hiệu tội phạm. Dấu hiệu thứ nhất xem xét có vi phạm an toàn PCCC hay không? Có đảm bảo an toàn lao động hay không? Xác định nguyên nhân cháy sẽ xác định có dấu hiệu vi phạm hay không. Nếu đúng là công ty chủ quan, không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ thì sẽ khởi tố. Việc khởi tố hay không phải chờ 2 tháng, thậm chí 4 tháng để xác định nguyên nhân do công an điều tra xác minh làm rõ. 

LS Đặng Văn Cường - Trưởng VP luật chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị các cơ quan liên quan của Hà Nội báo cáo công tác khắc phục hậu quả, đồng thời tham mưu cho UBND TP Hà Nội, đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng chức năng, nhanh chóng xử lý môi trường vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Văn phòng Ủy Ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc Phòng) đã có Công văn hỏa tốc gửi Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội đề nghị báo cáo công tác tổ chức, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ngoài ra, Cục Cứu hộ - Cứu nạn cũng tham mưu cho UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp với các lực lượng chức năng, nhanh chóng xử lý môi trường bảo đảm sức khỏe cộng động trên địa bàn quận Thanh Xuân và các khu vực lân cận.

PGS.TS Hóa học Bùi Thị An – nguyên ĐBQH khóa 13, nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường của Quốc hội cho rằng đây là cách xử lý đúng hướng, dù phản ứng sau vụ việc chưa thực sự kịp thời. Theo bà An, Hà Nội chưa xảy ra vụ việc nào như vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, chưa có tiền lệ nên chính quyền cũng chưa có kinh nghiệm, không lường trước được hậu quả, phản ứng chưa kịp thời. “Điều khiến người dân bức xúc hơn cả là báo cáo bất nhất của Rạng Đông, phía công ty phải giải thích trước cả lãnh đạo thành phố, trước nhân dân… vì sao lại bất nhất? Rạng Đông có lỗi, họ phải giải thích rõ vì sao khi trong trường trường này hậu quả quá nghiêm trọng” – bà An khẳng định.

Theo bà Bùi Thị An, khi bà còn làm đại biểu Hội đồng nhân dân Hà Nội nhiệm kỳ 2004-2011, chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm, độc hại ra khỏi nội đô đã được nhắc đến nhưng từ đó đến nay chưa thực hiện được. Bà An đề nghị, ngay sau vụ việc này Hà Nội cần rà soát lại ngay trên địa bàn có những cơ sở sản xuất sử dụng hóa chất độc hại, nguy cơ ô nhiễm giống như Rạng Đông để sớm yêu cầu di dời khỏi nội thành.

Cuộc sống bất ổn dưới bóng mây đen ảnh 6
TIN LIÊN QUAN
Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?