Đây mới là tinh thần cốt lõi của việc mua bảo hiểm, dù có loại bảo hiểm là một khoản đầu tư sinh lời. Xã hội phát triển đến một mức nhất định, tất yếu phát sinh nhu cầu bảo hiểm. Và ngành bảo hiểm phát triển đến một mức nhất định, tất cần phải có sự chấn chỉnh cho phù hợp với nhu cầu và nhận thức của xã hội.
Ngành bảo hiểm nhân thọ đã phát triển hơn 25 năm tại Việt Nam và ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 20% một năm. Đây là lĩnh vực được Bộ trưởng Tài chính đương nhiệm Hồ Đức Phớc đánh giá có vai trò "bà đỡ", góp phần phát triển ổn định cho các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, đồng thời là giải pháp bảo vệ tài chính cho người dân và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, sau 25 năm phát triển mạnh mẽ, đến nay, khi ngành bảo hiểm bắt tay rộng rãi với ngân hàng để tăng tốc phát triển thì phía ngân hàng đã làm phát sinh vấn đề trầm trọng, gây rủi ro cho cả khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm. Về phía doanh nghiệp bảo hiểm, một số doanh nghiệp theo ông Phớc, do chú trọng doanh thu nên đã lơ là kiểm soát, giám sát hoạt động, chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng của đại lý…
Mặt khác ở chiều ngược lại, cũng không ít khách hàng chưa quan tâm tìm hiểu kỹ, còn có tâm lý cả tin, cả nể, dễ dãi với chính mình khi ký hợp đồng bảo hiểm…
Giờ thì ngành bảo hiểm đang phải rầm rập thay đổi trong một cuộc đổi thay sâu, rộng nhất để lấy lại niềm tin của khách hàng.
Đáng chú ý, nhiều quy định mới về đại lý bảo hiểm, bao gồm cả bancassurance đã được cụ thể hóa theo hướng chặt chẽ, đầy đủ hơn trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và kỳ vọng được ban hành sớm để tăng cường chất lượng theo hướng bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Trong khi chờ Luật được kiện toàn, những biểu hiện như nhân viên một số ngân hàng lừa dối, thậm chí ép khách hàng mua bảo hiểm liên kết cần phải được phía ngân hàng và cả công an (nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự) xử lý nghiêm để lập lại trật tự từ “điểm nóng” ngân hàng.
Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành bảo hiểm nhân thọ, trong năm 2023, thị trường này tiếp tục tăng trưởng nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi và người tiêu dùng gia tăng nhu cầu bảo vệ tài sản, sức khỏe. Cơn rung chấn của ngành bảo hiểm vừa qua là cần thiết, để những cây có rễ chắc, tán rộng tiếp tục phát triển. Còn những cành yếu, cành sâu cũng cần loại bỏ.
Bởi vì đúng như tinh thần mà Harish Mishra đã đúc kết, xã hội cần bảo hiểm cho sự an tâm trước những rủi ro bất khả kháng có thể xảy đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào.