Kết thúc vòng nhận hồ sơ trực tuyến ngày 30/9, Ban Tổ chức đã sàng lọc và nhận được gần 200 bài thi của 197 đội, với hơn 580 thí sinh tham dự.
Bài dự thi được chia làm các phân ban, gồm: Chính phủ số và Xã hội số; AI và chuyển đổi số; Giao thông và nông nghiệp; Giáo dục, y tế và môi trường. Sau khi thảo luận và chấm điểm, thành viên Ban Giám khảo của mỗi phân ban đã chọn ra 10 - 11 ý tưởng vào vòng thuyết trình (vòng sơ khảo). Như vậy, tổng số hồ sơ vào vòng sơ khảo là 41, tăng 11 hồ sơ so với dự kiến ban đầu.
Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH báo cáo tóm tắt nội dung cuộc thi. |
Lý giải về điều này, Ban Tổ chức cho biết, mục đích cuộc thi là tìm kiếm nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật trên các lĩnh vực, tìm kiếm các giải pháp công nghệ để từ đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm phù hợp. Do đó, ngày 6/11, vòng sơ khảo sẽ diễn ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội, 41 đội sẽ tham gia thuyết trình để chọn 10 ý tưởng xuất sắc vào vòng chung kết, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11.
Tại cuộc họp, Đại tá. TS Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: Lần đầu tổ chức song cuộc thi thu hút gần 200 ý tưởng của cá nhân, đơn vị tham gia. Điều đó cho thấy các đơn vị công nghệ tại Việt Nam đã quan tâm đến việc giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.
Đại diện Thường trực Ban Giám khảo thông tin về các sản phẩm tham gia cuộc thi đã có sức lan tỏa, thu hút nhiều đối tượng, vùng miền. |
Cũng theo Đại tá Vũ Văn Tấn, đối tượng tham gia cuộc thi rất đa dạng, từ trong nước tới quốc tế, từ sinh viên, giáo viên đến đại diện doanh nghiệp, bộ, ban, ngành đều chung tay đóng góp ý tưởng. Có những sáng kiến mới dừng ở ý tưởng, nhưng cũng có nhiều giải pháp đã tương đối hoàn thiện, nếu hiện thực hóa thành công sẽ góp phần giải quyết các vấn đề thiết thực trong cuộc sống.
Đại tá Vũ Văn Tấn lấy ví dụ về một số chủ đề nổi bật của cuộc thi như: Sàn giao dịch việc làm quốc gia; Giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu căn cước công dân gắn chip trong phòng, chống mua bán trẻ sơ sinh và mang thai hộ trái với quy định của pháp luật; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công bằng ngôn ngữ lớn...
Các đại biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo. |
Cuộc thi Data For Life 2023 được thực hiện với mong muốn thu hút nguồn lực từ cộng đồng tài năng trẻ đồng hành cùng Bộ Công an và Chính phủ để phát huy tính sáng tạo, hình thành những ý tưởng và sản phẩm công nghệ thông tin thiết thực. Các giải pháp xoay quanh ba trụ cột là Chính phủ số - giải pháp thúc đẩy dịch vụ công hiệu quả, Xã hội số - thúc đẩy dịch vụ an sinh xã hội và Kinh tế số - thúc đẩy phát triển kinh tế.
Cuộc thi sẽ trải qua ba vòng, trong đó vòng sơ loại (41 đội), chung khảo (10 đội); 5 đội xuất sắc nhất sẽ nhận được giải thưởng. Dự kiến, vòng chung kết sẽ diễn ra ngày 23-24/11; Tổng giải thưởng là 370 triệu đồng, trong đó giải Nhất và giải Nhì lần lượt là 200 triệu và 100 triệu đồng./.