Ashwaq Ta'lo chỉ mới 15 tuổi khi cả gia đình cô bị đưa qua biên giới vào Syria trong khoảng thời gian IS tấn công vào vùng núi Sinjar, trung tâm định cư của người Yazidi - một nhóm sắc tộc người Kurd, ở miền bắc Iraq cách đây 4 năm. Ashwaq, cùng với chị gái và những phụ nữ trẻ khác sau đó được đưa về Iraq.
Ở đó, Ashwaq đã được bán đấu giá, cũng như hầu hết những phụ nữ Yazidi khác, cho một người đàn ông có tên là Abu Humam, người cô sống cùng 3 tháng và bị lạm dụng tình dục liên tục.
“Tôi đã ở bên hắn trong suốt 3 tháng. Rồi hắn bán tôi ở Iraq. Sau đó, dù đã sống suốt phần đời của mình ở Iraq, tôi quyết định bỏ nhà để có thể quên gã đàn ông đó. Và tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tôi sẽ gặp lại hắn ở Đức", Ashwaq nói.
Cô gái đã quyết định thoát khỏi người đã mua mình bằng cách trở thành người tị nạn tới Đức, nơi cô cuối cùng đã được đoàn tụ với mẹ và các thành viên khác của gia đình mình. Tuy nhiên, vào một ngày tháng 2, khi đang đi trên đường tại thị trấn Waiblingen, bất ngờ cô bị một người đàn ông chặn lại, Ashwaq nhận ra đó là Humam, mặc dù cô cho rằng điều này là không thể bởi những kẻ khủng bố IS sẽ không được nhập cư vào Đức.
“Tôi đã nói với mẹ rằng mình đã gặp hắn trên đường. Mẹ tôi khuyên tôi không nên sợ hãi bởi không thể có tên khủng bố nào được đến Đức”, Ashwaq kể lại.
Vào ngày 20/2 năm 2018, Ashwaq bắt đầu thử việc tại một tiệm làm tóc. Vào giữa trưa ngày hôm sau, gã đàn ông - người cũng được cho là đang xin tị nạn, đã quay lại, nhưng lần này anh ta đã trực tiếp gọi cô ấy:
“Hắn đã đến gặp tôi và nói: 'Tôi có thể hỏi chuyện cô được không?'. Và tôi đã nói: chắc chắn rồi, tôi cũng đã nhận ra hắn chính là người mua mình. Hắn nói: 'Cô là Ashwaq'. Tôi nói: 'Không, tôi không phải là Ashwaq, ông là ai?' Hắn nói: 'Đúng, cô là Ashwaq còn tôi là Abu Humam”.
Ngay sau đó Humam đã nói chuyện bằng tiếng Ả Rập, nhưng Ashwaq chỉ trả lời bằng tiếng Đức rằng cô không hiểu hắn nói gì, tuy vậy gã đàn ông này vẫn khẳng định thân phận thật của cô gái.
"Tôi biết cô sống ở đâu, cô sống với ai kể từ khi đến Đức và cô học trường nào," cô gái người Yazidi nói dường như Humam biết "toàn bộ cuộc sống của cô ấy ở Đức".
Cô đã báo cáo vụ việc cho người giám sát của mình ở Đức và sau đó là cảnh sát trưởng thị trấn Waiblingen, thuộc Vùng Stuttgart.
"Họ đưa tôi một số điện thoại và nói: Nếu bạn gặp lại người đàn ông này, bạn phải gọi cho chúng tôi," Ashwaq nói.
Cô gái trẻ đã gặp lại "ông chủ" của mình hai lần và cảnh sát thậm chí còn đưa ra hình ảnh của Humam, nhưng không có gì xảy ra. “Rồi tôi đợi suốt một tháng rưỡi. Họ không làm gì cả". Giáo viên của Ashwaq đã nói: "Nếu cô cảm thấy Iraq tốt đẹp hơn, hãy trở về, còn nếu không thì hãy ở lại Đức, chúng tôi sẽ chăm sóc cô".
Cuối cùng, Ashwaq đã quyết định trở về quê hương của mình và đã có dịp đoàn tụ với 4 người chị em trước đó đã bị giam giữ như mình trước đây.
Theo các dịch vụ xã hội của Đức, Ashwaq có thể ở lại Iraq trong tối đa 6 tháng, trước khi trở về Đức và nếu thời gian này hết hạn, tình trạng tị nạn của cô ở Đức sẽ không còn được áp dụng nữa. Tuy nhiên, Ashwaq đã quyết định sẽ không quay trở lại Đức.
"Khi tôi kể lại mọi chuyện, cha tôi nói rằng ông không muốn tôi quay trở lại Đức, nơi có người đàn ông đó", Ashwaq hiện đã hồi hương được 4 tháng.
Vẫn còn mối nguy tại quê nhà
Ashwaq thừa nhận rằng Iraq vẫn còn rất nguy hiểm, nơi mà gia đình cô gồm 77 người, trong đó 36 thành viên đã được phóng thích, nhưng “41 người còn lại vẫn bị giam giữ và chúng tôi đã mất liên lạc với họ, cô cho biết gia đình của Humam hiện vẫn ở lại Baghdad.
Hiện tại, Ashwaq đang nghĩ đến việc chuyển đến Australia, nơi 2 người anh và 1 người em gái của cô đang định cư và sau đó đưa cả gia đình đến đó.
Quay trở lại Đức, vụ việc của Ashwaq hiện đang được xem xét bởi công tố viên liên bang của thành phố Karlsruhe, tuy nhiên, chưa có nhiều tiến triển vào lúc này.
"Cho đến nay, chúng tôi đã không thể xác định được danh tính của người đàn ông này", một phát ngôn viên của Công tố viên Liên bang cho biết.
Người Kurd Yazidi là một nhóm sắc tộc cực kỳ dễ bị tổn thương ở Iraq, họ thường bị bắt giữ làm nô lệ và bị các phần tử khủng bố IS mua về để lạm dụng tình dục, điều này khiến chính phủ Đức chấp nhận cho khoảng 1,100 phụ nữ Yazidi nhập cư với tư cách là người tị nạn vào năm 2016. Liên Hợp Quốc đã tuyên bố việc IS tàn sát người Yazidi là tội ác diệt chủng.
Theo Sputnik