|
"Việc này không thể làm vào ban ngày", Al-Dhaki nói. "Chúng tôi phải bắt cóc lại họ từ tay IS".
Al-Dhaki là luật sư, điều hành một nhóm nhỏ các nhà hoạt động thường xuyên mạo hiểm xâm nhập vào vùng đất do IS chiếm đóng để giải cứu phụ nữ Yazidi, dân tộc thiểu số không theo đạo Hồi sống ở phía bắc Iraq.
"Cứu người là điều tốt nhất con người làm được", Al-Dhaki nói. "Ta có thêm động lực khi nhìn thấy họ đoàn tụ với gia đình. Tôi không thể mô tả phút giây đoàn tụ đó. Chúng tôi đang cống hiến đời mình để giải cứu những phụ nữ đó".
Al-Dhaki ước tính IS đã bắt giữ khoảng 7.000 người Yazidi và khoảng 3.000 người trong số đó đã chạy trốn thành công hoặc được trả tiền chuộc, thoát kiếp nô lệ. Số phận của 1.000 người Yazidi nữa vẫn chưa rõ. Khoảng 3.000 phụ nữ và trẻ em như Leila và Ahmed vẫn nằm trong tay IS.
Kiếp nô lệ
Năm 2014, khi IS tràn vào phía bắc Iraq, người Yazidi trở thành mục tiêu bị tiêu diệt. Đàn ông bị bắt giết, bóc lột sức lao động còn phụ nữ và trẻ em bị bắt làm nô lệ tình dục.
Tuy nhiên, IS đang bị vây khốn. Mosul, thành trì của tổ chức này ở Iraq, đang bị liên quân chính phủ Iraq và dân quân người Kurd vây hãm, cùng với sự giúp đỡ của liên quân do Mỹ dẫn đầu. Lợi dụng kẽ hở trong các cuộc giao tranh giữa hai bên, Al-Dhaki lẻn vào Mosul "bắt cóc" con tin đang bị IS giam giữ.
Ông đã sắp xếp đưa một phụ nữ 23 tuổi và con trai 3 tuổi rời thành phố, tới một ngôi nhà an toàn khác do nhóm của Al-Dhaki đảm bảo.
Leila và con trai trèo lên xe. Cô trùm khăn kín mặt, ngồi yên trong khi chiếc xe lặng lẽ vụt qua những phương tiện khác, mà có thể một chiếc nào đó do thành viên IS điều khiển. Cậu bé Ahmed ngủ yên trong tay mẹ. Chiếc xe thoát khỏi thành phố an toàn, đưa Leila và Ahmed tới một nơi cách xa phạm vi hoạt động của IS, nơi thân nhân đang chờ gặp mặt.
Họ gặp nhau, ôm hôn, khóc lóc, trước khi một chiếc xe khác chở tất cả tới khu tự trị của người Kurd gần biên giới Thổ Nhĩ Kỹ. Leila và con trai bị IS giam giữ 2,5 năm.
"Chúng bắt chồng tôi đi và đưa tôi cho một thành viên IS, ép tôi lấy hắn", Leila kể lại. Cô giờ sống trong một trại tị nạn cùng người thân. Quê nhà của Leila vẫn đang bị IS chiếm đóng.
Leila nói chuyện nhát ngừng, chật vật lắm mới nói hết câu. Sau khi đau đớn vì bị chia cắt khỏi chồng và buộc phải lấy một người khác, cô bị "bán lại" hai lần nữa cho các tay súng IS như một món hàng.
Lần cuối cùng Leila bị bán cho một tay súng người Iraq to cao, râu dài tới ngực, có vợ cũng là một tín đồ của IS.
"Tôi thậm chí còn hận bà ta hơn cả ông ta", Leila nói. "Bà ta thường đánh đập con trai tôi".
Trẻ con không còn là trẻ con
Trong lúc Leila thuật lại chuyện đời mình, Ahmed khóc và ném mọi thứ quanh tầm với trên cái thảm trong lều. Từ lúc sinh ra tới giờ, cậu bé luôn bị vây quanh bởi những người đàn ông thích bạo lực, thường mang súng đạn trên người. Để ngăn Leila bỏ trốn, "ông chủ" IS sẽ đưa cả Ahmed theo mỗi khi tới trụ sở IS, nơi tiến hành các vụ tra tấn hoặc hành quyết tàn bạo.
Leila cho biết có lần Mosul bị tấn công, kẻ bắt giam cô và vợ thường đeo sẵn đai bom tự tử trong nhà, chờ chết nếu quân đội Iraq gõ cửa. Những sự kiện này đã ảnh hưởng tới tính cách của Ahmed từ nhỏ. Al-Dhaki cho biết nhiều trẻ em Yazidi mà ông giải cứu gặp tình trạng tương tự.
"Các cháu cần giúp đỡ. Bọn trẻ thể hiện khuynh hướng bạo lực. Chúng hành xử khác người thường", anh nói.
Leila cho biết Ahmed nhiều lần được xem các video chặt đầu và đưa đi xem thi thể một người đàn ông bị đóng đinh trên phố. Cô không biết cậu bé đã nhìn thấy những gì trong trụ sở của IS.
Leila bế Ahmed trong lòng, ngồi kể lại chuyện đời mình với phóng viên người Mỹ. Ảnh: NBC |
Ahmed quay trở lại căn lều sau khi chạy ra ngoài chơi cùng lũ trẻ khác. Cậu bé cầm về một cái kéo. Leila tới gần, cố giằng cái kéo ra. Ahmed khóc thét lên.
"Tao giết mày", cậu bé gào vào mặt mẹ.
Al-Dhaki cho biết một cậu bé Yazidi được anh giải cứu từng cố cắt cổ chị gái, dường như bắt chước những gì nhìn thấy từ các tay súng IS.