John Deutch, cựu Giám đốc FBI và từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, và Gary Samore, cựu điều phối viên Nhà Trắng về vũ khí hủy diệt hàng loạt, thống nhất nhận định, Trung Quốc chỉ có thể thực sự tạo ảnh hưởng đối với Triều Tiên khi chính sách phi hạt nhân của Mỹ không làm thay đổi hiện trạng chế độ ở Bình Nhưỡng, hãng thông tấn Yonhap trích dẫn bài báo trên tạp chí National Interest của Mỹ.
“Mỹ cần phải thay đổi chiến lược một cách đáng kể nếu có cơ hội, để đạt được chính sách đối ngoại ưu tiên cao nhất. Trước tiên, Mỹ cần thuyết phục Trung Quốc tham gia một cách cởi mở, tích cực giúp Bán đảo Triều Tiên thoát khỏi vũ khí hạt nhân”, theo National Interest.
Các chuyên gia cho hay, thật “không tưởng” khi tin Trung Quốc sẽ bị thuyết phục hợp tác nếu Washington áp đặt lệnh trừng phạt, thay vào đó, phải sẵn sàng chấp nhận “ưu tiên lợi ích của Trung Quốc” vì sự ổn định chính trị.
Cựu quan chức Mỹ cảnh báo 'đẫm máu' nếu Bán đảo Triều Tiên xung đột ảnh 1 John Deutch, cựu Giám đốc FBI và từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ (trái), và Gary Samore, cựu điều phối viên Nhà Trắng về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ảnh: Yonhap
Theo các cựu quan chức Mỹ, Washington trước hết phải đặt mục tiêu phi hạt nhân hóa ở Bán đảo Triều Tiên lên ưu tiên hàng đầu, đồng thời bỏ qua các mục tiêu khác như thay thế chế độ và giải quyết các vi phạm nhân quyền ở Bình Nhưỡng.
Nếu Mỹ tiếp tục cố chấp với đường lối ngoại giao cưỡng chế, nhiều khả năng xung đột sẽ xảy ra và hứa hẹn sẽ “đẫm máu”, hai cựu quan chức nhận xét.
John Deutch, cựu Giám đốc FBI và từng giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ (trái), và Gary Samore, cựu điều phối viên Nhà Trắng về vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ảnh: Yonhap |
Cụ thể, bước đầu tiên là phải “kiểm soát được tình trạng đóng băng” đối với các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên bằng một số biện pháp trừng phạt, trong khi đó tiến hành các cuộc đàm phán đa phương, hướng đến một hiệp định hòa bình để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên và sắp xếp để bình thường hóa quan hệ giữa các bên liên quan.
Bước tiếp theo là kết thúc hiệp ước hòa bình, thiết lập quan hệ ngoại giao và dỡ bỏ mọi hình thức trừng phạt kinh tế để đổi lấy cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi Triều Tiên và đưa ra hệ thống kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt.
Hai vị quan chức Mỹ nhận định, hai bước trên vừa giúp trấn an Triều Tiên, vừa đạt được mục đích kiểm soát được kho vũ khí của quốc gia này.
Hai cựu quan chức cấp cao của Mỹ thậm chí còn đề nghị, triển khai quân đội Trung Quốc đến biên giới với Triều Tiên để có thể can thiệp kịp thời, đảm bảo chế độ ở Bình Nhưỡng sau khi phi hạt nhân hóa.
“Đặt lực lượng mỏng quân đội Trung Quốc dọc theo vĩ tuyến 38 với vai trò nhóm giữ gìn hòa bình quốc tế, để ngăn chặn xung đột giữa hai miền Bán đảo Triều Tiên. Lực lượng Mỹ vẫn sẽ ở Hàn Quốc cho đến khi đạt được bình thường hóa ngoại giao và hơn thế nữa”, hai chuyên gia đưa ra giải pháp.