Theo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) ngày 4/6, Trung Quốc đã bị chỉ trích vì đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông và Hoa Đông tại Đối thoại Shangri-La ngày 3-6. Bộ trưởng Quốc phòng các nước gồm Mỹ, Nhật Bản và Úc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phán quyết của tòa trọng tài quốc tế đưa ra hồi năm ngoái, trong đó bác yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” phi lý mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra trên biển Đông.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh châu Á ở Singapore sau khi ba nước trên tổ chức một cuộc gặp ba bên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã hoan nghênh sự trợ giúp của Bắc Kinh nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, nơi Bình Nhưỡng đã đẩy mạnh các chương trình tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, ông Mattis đã chỉ trích Trung Quốc khuấy động căng thẳng ở biển Đông.
“Việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông và sự quân sự hóa không thể chối cãi các cơ sở tại các thực thể trong vùng biển quốc tế đã phá vỡ sự ổn định của khu vực”, ông Mattis nói.
Trong khi đó, người đồng cấp Nhật Bản, bà Tomomi Inada đã đưa ra những lời chỉ trích tương tự đối với Trung Quốc trong bài phát biểu kéo dài 30 phút. Bà Inada nói rằng Nhật Bản quan ngại trước những thay đổi đối với tình hình an ninh tại cả biển Đông và Hoa Đông, ám chỉ Trung Quốc chịu phần lớn trách nhiệm dù không nêu tên cụ thể nước này.
“Tại biển Đông và Hoa Đông, chúng tôi tiếp tục chứng kiến các nỗ lực đơn phương, vô cớ nhằm thay đổi hiện trạng dựa trên các đòi hỏi không phù hợp với các quy phạm quốc tế hiện thời”, bà Inada nói.
“Liên quan tới biển Đông, phán quyết cuối cùng đã được đưa ra trong vụ kiện giữa Philippines với Trung Quốc hồi tháng 7-2016”, Bộ trưởng Inada cho biết thêm.
Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Đông, chồng lấn lên vùng biển của các quốc gia láng giềng là Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Theo Lầu Năm Góc. Bắc Kinh đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng trên các đảo nhân tạo, với diện tích xây dựng lên đến 1.300 ha.
Trung Quốc và Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền ở Hoa Đông, khi Bắc Kinh đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Tokyo quản lý.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne trong bài phát biểu của mình cũng nhắc tới phán quyết của tòa trọng tài. “Các tàu và máy bay của chúng tôi sẽ hoạt động ở biển Đông, như những gì đã diễn ra trong nhiều thập niên qua, phù hợp với quyền tự do hàng hải và hàng không. Và chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ quyền của các nước khác nhằm thực thi các quyền này”, bà Payne nhấn mạnh.
Trong một tuyên bố chung, Mỹ, Nhật Bản và Úc đã kêu gọi “đối thoại và hợp tác” với Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh cam kết đối với luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải và hàng không.
Họ kêu gọi các bên liên quan “chấm dứt các hoạt động cải tạo đất, phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp và kiềm chế các hành động khiêu khích có thể gây căng thẳng”.
Sau các bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng 3 nước trên, phái đoàn quân sự Trung Quốc đã tổ chức họp báo bên lề hội nghị. Phái đoàn Trung Quốc nói rằng nước này là một cường quốc tuân thủ luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử của Liên Hiệp Quốc.
“Tôi xin nhấn mạnh rằng tự do hàng hải không nên giống các hoạt động quân sự và giám sát ở cự ly gần… do các máy bay chiến đấu và tàu chiến Mỹ thực hiện trong không phận, vùng biển, các đảo thuộc Trung Quốc”, Trung tướng He Lei, Phó Giám đốc Học viện Khoa học quân sự Trung Quốc, trưởng đoàn phía Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, lớn tiếng nói.
Một thành viên khác là Đại tá Zhao Xiaozhuo thì nói phía Trung Quốc cảm thấy không công bằng khi bị chỉ trích như vậy.
Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh hàng đầu khu vực, diễn ra trong 3 ngày từ ngày 2 đến ngày 4-6. Biển Đông vẫn là chủ đề trọng tâm của các cuộc thảo luận, dù rằng sự ảnh hưởng và trợ giúp của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn được các nước thừa nhận.
Theo Pháp luật VN