Ảnh minh họa. |
Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố một kết quả nghiên cứu cho thấy việc áp dụng một thiết bị y tế mô phỏng chức năng tuyến tụy có thể giúp bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1 kiểm soát đường huyết, bổ sung insulin kịp thời để tăng hiệu quả điều trị.
Trong bài viết đăng trên Tạp chí Y khoa New England số ra ngày 16/6, các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts của Mỹ đã thử nghiệm phương pháp "tuyến tụy sinh học" để kiểm soát đường huyết trên 52 bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường tuýp 1.
Thay vì bệnh nhân phải lấy máu để đo đường huyết nhiều lần trong một ngày, nhóm nghiên cứu đã sử dụng điện thoại thông minh iPhone 4S chạy một thuật toán kiểm soát lượng insulin và glucagon gắn với một kim tiêm cấy dưới da để theo dõi lượng đường trong cơ thể 24/24.
Công nghệ này giúp các bác sỹ theo dõi chính xác lượng đường huyết để bổ sung insulin kịp thời. Sau 5 ngày điều trị, đa số các bệnh nhân đều cho phản hồi tốt khi lượng đường huyết qua đêm của họ đã cải thiện đáng kể so với bình thường.
Theo các nhà nghiên cứu, việc ứng dụng công nghệ mô phỏng tuyến tụy sinh học giúp tăng hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân đái tháo đường cũng như giảm nguy cơ mắc các biến chứng do căn bệnh này.
Tuy nhiên, họ cho rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn về phương pháp này trước khi thiết bị trên được sử dụng rộng rãi.
Bệnh đái tháo đường tuýp 1 còn được gọi là tiểu đường phụ thuộc insulin, thường hay gặp ở các bệnh nhân trẻ tuổi.
Trong bệnh này, tuyến tụy không còn khả năng sản xuất được insulin, hormone liên quan tới lượng đường trong máu, và bệnh nhân cần phải tiêm bổ sung insulin mỗi ngày.
Để bổ sung lượng insulin kịp thời, người bệnh phải lấy máu xét nghiệm đường huyết nhiều lần trong một ngày và điều này gây nhiều bất tiện cho sinh hoạt.
Với phương pháp mới này, các nhà khoa học hy vọng giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu bệnh nhân đái tháo đường trên thế giới./.