Sáng nay (7.6), Quốc hội đã cho ý về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Phát biểu góp ý, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng: Chương trình giám sát năm 2018 mặc dù đã được Quốc hội thông qua năm 2017, nhưng trong thực tiễn thời gian gần đây có những phát sinh nên đề nghị Quốc hội xem xét lại.
Đại biểu Giang nêu ví vụ, trong dự kiến năm 2019, Quốc hội giám sát việc quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn 2014-2018, nếu được thì lồng ghép thêm chương trình giám sát ở 3 khu vực đang được chuẩn bị làm đặc khu kinh tế. “Việc sử dụng chuyển đổi mục đích, giao dịch đất đai ở đó như thế nào cần được giám sát để có cơ sở đánh giá kỹ vấn đề mà dư luận đang quan tâm. Nếu được, đề nghị giám sát vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai tại đó và để chặt chẽ thì Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt chúng ta cần phải cân nhắc cẩn trọng, lùi thời gian không thông qua trong kỳ họp này. Sau khi tiến hành kiểm tra đất ở các nơi đó Luật sẽ thông qua trong kỳ họp tới. Như thế sẽ giải quyết được những vấn đề bức xúc trong dư luận thời gian gần đây, cũng như những ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội hôm thảo luận về kinh tế-xã hội”, đại biểu Thái Trường Giang nói.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Quốc hội nên tập trung vào 2 chuyên đề đang rất nóng, rất bức xúc hiện nay. Thứ nhất vấn đề chính sách pháp luật về dân tộc thiểu số và miền núi, thứ hai là quản lý, sử đụng đất đai đô thị.
Đại biểu Nhưỡng còn đề nghị Quốc hội nghiên cứu, ban hành nghị quyết về việc giao chỉ tiêu giám sát cho các ĐBQH để nâng cao vai trò và vị trí của ĐBQH. Điều này là để thực hiện trách nhiệm của ĐBQH được quy định tại Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội.
“Tôi thấy trong những năm qua đây là vấn đề chúng ta còn bỏ ngỏ. Chính vì thế ĐBQH nào tự giác thì thực hiện, còn đại biểu không tự giác thì không thực hiện. Như thế có nghĩa là chưa thực hiện được hết trách nhiệm của một ĐBQH trước Nhân dân”, đại biểu Nhưỡng nói.
Mở rộng vấn đề, ĐBQH Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đã dẫn số liệu từ Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, ở Việt Nam trung bình mỗi năm có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp và con số này ngày càng gia tăng. Số liệu của Bộ Công an nghiên cứu trên 2.000 học viên các trường giáo dưỡng cho thấy khoảng 50% em có tuổi thơ từng sống trong tình trạng hà khắc của bố mẹ.
Vẫn theo đại biểu Thảo, pháp luật cũng đã quy định phải bố trí và vận động nguồn lực để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em nhưng tại nhiều tỉnh thành thì sự quan tâm và bố trí ngân sách cho bảo vệ trẻ em chưa được đúng mức. Để xảy ra tình trạng trên, nguyên nhân đến từ nhiều phía.
Về các giải pháp được đưa ra, đại biểu Thảo cho rằng, qua theo dõi, trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, thấy chủ yếu đó là công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người dân; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực thi pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em, tập trung xử lý các vụ việc một cách kịp thời. “Theo tôi, nếu các giải pháp mới dừng lại ở mức như vậy sẽ không thực sự hiệu quả”, đại biểu Thảo nói.
Từ phân tích, dẫn chứng, đại biểu Thảo cho rằng, để khắc phục, giải quyết vấn đề một cách triệt để, đề nghị cần phải bổ sung nội dung liên quan tới tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.