‘Đại lộ’ hội nhập và dấu ấn ‘người mở đường’

0:00 / 0:00
0:00
 Trong nhiệm kỳ này, chúng ta đã tham gia 3 hiệp định thương mại, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng thấy. Để có “đại lộ” hội nhập như vậy, Chính phủ đã nỗ lực, quyết tâm vượt các trở ngại mà nhiều lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt.
Ngày 15/11/2020, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký Hiệp định RCEP. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Ngày 15/11/2020, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, đại diện Việt Nam, ký Hiệp định RCEP. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mỗi tuyến đường mở ra sẽ tạo thêm cơ hội thịnh vượng, mà nhiều lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ví von “tiểu lộ, tiểu phú; đại lộ, đại phú”. Và con đường hội nhập cũng vậy, càng mở rộng thì cơ hội phát triển càng lớn. Kể từ khi bước vào sân chơi lớn toàn cầu cách đây gần 15 năm với việc tham gia WTO (vào năm 2006), đến nay, Việt Nam đã có 13 FTA (hiệp định thương mại tự do) có hiệu lực.

Quá trình mở những “con đường” đưa nền kinh tế nước ta đến gần các thị trường tiềm năng là quá trình đầy chông gai, tốn nhiều thời gian và công sức như việc làm các tuyến cao tốc nối liền mọi vùng miền đất nước. Có những “con đường hội nhập” mất đến cả chục năm xây dựng.

Và ngày 15/11 vừa qua, ghi một dấu ấn lịch sử khi tại Việt Nam, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 quốc gia ASEAN và 5 nước đối tác đã được ký kết, kết thúc 8 năm đàm phán nhiều thăng trầm. Tham gia hiệp định thương mại lớn nhất thế giới này, Việt Nam có thêm cơ hội tiếp cận với thị trường 2,2 tỷ người, chiếm 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu

Để có được kết quả này, Việt Nam đã phát huy tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN. Khó khăn thì rất nhiều, đặc biệt giai đoạn gần đây, xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nước khiến cho tất cả các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do đều gặp phải các vấn đề nhất định. Do vậy, đàm phán RCEP từ đầu năm 2020 cũng vướng mắc và khả năng ký kết còn bỏ ngỏ. Chưa kể đến dịch COVID-19 kéo dài đã làm đảo lộn lịch đàm phán trong RCEP, cũng như khiến các nước khó khăn hơn rất nhiều trong việc đưa ra thêm bất cứ cam kết nào trong hội nhập kinh tế quốc tế. Gần tới vạch đích, Hiệp định gặp bước ngoặt bất ngờ khi Ấn Độ quyết định rút khỏi các cuộc đàm phán (vào tháng 11/2019).

Ngay từ khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 kiêm nhiệm Chủ tọa đàm phán Hiệp định RCEP, Việt Nam đã hết sức nỗ lực và chủ động vận động để có được sự đồng thuận trong ASEAN và thúc đẩy các nước đối tác, một mặt tìm các giải pháp xử lý vướng mắc của Ấn Độ, thuyết phục Ấn Độ quay lại đàm phán RCEP, mặt khác vẫn thúc đẩy kết thúc hoàn toàn đàm phán và rà soát pháp lý giữa 15 nước còn lại, nhằm thực hiện mục tiêu ký kết Hiệp định trong năm 2020. Trên cơ sở đồng thuận của các nước ASEAN, chúng ta cũng đưa việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP thành một trong những ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020. Và ngày 15/11, tại Hà Nội, RCEP đã chính thức được ký kết.

Đây là niềm tự hào, là thành quả to lớn của việc các nước ASEAN với vai trò trung tâm của mình đã cùng với các nước đối tác đặt nền móng cho một giai đoạn hợp tác mới mang tính toàn diện, lâu dài, hướng đến tương lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chia sẻ như vậy tại lễ ký kết RCEP được tổ chức theo truyền hình trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo 10 quốc gia ASEAN và các nước đối tác là Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và New Zealand.

‘Đại lộ’ hội nhập và dấu ấn ‘người mở đường’ ảnh 1

CPTPP được ký kết tại Chile vào ngày 8/3/2018

Nhớ lại 3 năm trước, chặng đường đến với CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm hơn 13% GDP toàn cầu, cũng đầy cảm xúc.

Đang băng băng đến gần vạch đích sau quãng đường 10 năm đề xuất, đàm phán và chính thức đạt được sự đồng thuận của đại đa số thành viên trong năm 2016 thì CPTPP (khi ấy là TPP) bất ngờ bị “rung lắc”. Đầu năm 2017, Tổng thống Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi TPP. Tuy nhiên, cùng với các nước, nhất là Nhật Bản, Việt Nam đã thể hiện quyết tâm cao độ để “giữ” bằng được hiệp định. Và tại Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017 sau cuộc họp do Việt Nam và Nhật bản đồng chủ trì, TPP-11 đã được bộ trưởng của 11 nước thông qua, đổi tên thành CPTPP. Khi đó, một số chuyên gia bình luận, diễn biến đàm phán tại Đà Nẵng đầy kịch tích như một trận đá bóng ở đẳng cấp cao nhất. Một cái kết có hậu cho những người kiên trì đến phút chót. Có lẽ nỗ lực của một nước có trình độ phát triển thấp trong số 11 nước đã tác động tích cực mạnh mẽ đến quyết định của các nước còn lại. Thêm vào đó, thái độ thân thiện, chân thành, sự nhiệt tình, tận tình và chu đáo của nước chủ nhà cũng tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho quá trình đàm phán vốn dĩ rất căng thẳng và đầy khó khăn.

Sau sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ngài Abe Shinzo, nhất trí về việc hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy để sớm ký kết CPTPP. Vào ngày 8/3/2018, 11 quốc gia đã ký kết CPTPP tại Santiago (Chile).

“Đại lộ” nữa mà chúng ta đã mở ra trong nhiệm kỳ này là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), FTA thế hệ mới thứ 2 Việt Nam tham gia sau CPTPP. Cũng phải mất 10 năm vất vả từ khi đàm phán đến khi EVFTA có hiệu lực vào ngày 1/8/2020. Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ký FTA với EU. Đây là nỗ lực vượt bậc của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, là quyết tâm vượt mọi sóng gió để vươn ra biển lớn, đưa tiến trình hội nhập lên tầm mức toàn diện, sâu rộng hơn nhiều so với trước, tạo thêm động lực cho đổi mới toàn diện và phát triển trong nước.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong các chuyến công du châu Âu đều tích cực chứng minh cho bạn bè quốc tế tin vào tầm nhìn, năng lực, quyết tâm của Việt Nam.

“Đèn xanh” cho EVFTA chính thức được bật để Hiệp định này tiến thẳng đến Nghị viện châu Âu vào dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công du châu Âu mùa thu năm 2018. Nhưng ngay cả khi “đèn xanh” EVFTA đã bật, thì vẫn có các luồng dư luận cả trong nước và quốc tế cho rằng, tương lai đến đích còn ở một chân trời xa thẳm, khó đoán định. Bởi thời điểm đó, EU dành ưu tiên cao nhất cho việc tập trung hoàn thành gấp các thủ tục nội bộ đối với Thỏa thuận Brexit (về việc Anh rời EU) với nhiều biến động ngoài dự kiến; cùng lúc, có trên 30 văn bản phải kết thúc thủ tục nội bộ để Nghị viện châu Âu thông qua trước kỳ bầu cử tháng 5/2019.

Đó là còn chưa kể, EU là liên minh của 28 nước, thủ tục nội bộ, pháp lý để ký các điều ước quốc tế không thể nhanh và đơn giản như đối với một quốc gia. Ủy ban châu Âu, với 28 Cao ủy, phải thông qua và trình Hiệp định lên Hội đồng EU…

Đón trước khó khăn, Việt Nam dốc toàn lực vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với EVFTA và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA). Công tác vận động được tiến hành đồng bộ tại Hà Nội, tại thủ đô các nước thành viên EU, tại các hội nghị quốc tế, ở tất cả các cấp, nhất là các cuộc gặp gỡ cấp cao.

Liên tục có các chuyến bay không ngừng nghỉ đến châu Âu, các nhà lãnh đạo của Việt Nam mang theo sự chân thành, nhiệt tình, nồng hậu cùng nỗ lực kiên trì đến cùng để đưa Hiệp định về đích.

‘Đại lộ’ hội nhập và dấu ấn ‘người mở đường’ ảnh 2

Ngày 36/6/2019, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Romania, Đại diện Hội đồng EU Stefan-Radu Oprea và bà Cecilia Malmstrom, Cao ủy Thương mại EU, ký EVFT. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quả ngọt đã kết trái, ngày 30/6/2019, tại Hà Nội, diễn ra lễ ký EVFTA và EVIPA giữa Ủy ban châu Âu và Chính phủ Việt Nam. Khi đó, mặc dù đang có chuyến thăm chính thức Nhật Bản, nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từ Osaka về Hà Nội vào sáng sớm để chứng kiến và phát biểu tại lễ ký kết rồi ngay trong ngày, lại từ Hà Nội đến Tokyo (máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Haneda vào hơn 23h30, giờ địa phương) để tiếp tục chuyến thăm (bay từ Việt Nam sang Nhật Bản mất hơn 4 tiếng). Ngay sáng hôm sau, 1/7/2019, tại Tokyo, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản chật kín chỗ ngồi, với  hơn 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự, Thủ tướng đã chia sẻ niềm vui, “các bạn là những người mở hàng đầu tiên khi 2 hiệp định này vừa ký ngày hôm qua”.

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến trao 32 giấy chứng nhận đầu tư và biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản với tổng giá trị lên đến hơn 8 tỷ USD.

Thủ tướng đã ví von, EVFTA như tuyến đường cao tốc quy mô lớn hiện đại nối gần hơn nữa EU và Việt Nam. Vào ngay sau khi “cao tốc” này chính thức mở cửa, thông xe được gần một tuần, Thủ tướng đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Triển khai kế hoạch thực thi EVFTA”, quán triệt tinh thần: Cơ hội đã có, đường cao tốc đã mở, để vượt lên, vượt qua thách thức, nhất là thách thức suy giảm kinh tế rất khó khăn hiện nay, thực hiện khát vọng giàu mạnh, chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, thay đổi tư duy, phải hành động mạnh mẽ, quyết liệt và sáng tạo hơn nữa. Thủ tướng cũng nhấn mạnh thông điệp sẽ tạo thuận lợi để “dù xe tải hay xe khách, đại bàng hay chim sẻ sẽ cùng đi, cùng bay trên cao tốc ấy” khi có đại biểu phản ánh là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (được ví như chim sẻ) sẽ gặp khó khăn lớn.

Chắc chắn, vươn ra biển rộng thì ắt gặp sóng to gió lớn, nhưng vững tay chèo lái vượt qua, chúng ta sẽ đến bến bờ thịnh vượng. Việt Nam đã tham gia nhiều FTA, bao phủ đến hầu hết các lục địa trên thế giới khiến Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại toàn cầu. Cùng với tham gia WTO, việc thực thi các FTA đã góp phần thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng hơn 300%, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 350%. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu đã đạt mức kỷ lục, vượt mốc 500 tỷ USD. Theo tính toán, việc tham gia CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Còn với EVFTA, trung bình mỗi năm Việt Nam sẽ tạo thêm khoảng 146.000 việc làm. GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 4,57 đến 5,30% cho giai đoạn 5 năm tiếp theo và 7,07 đến 7,72% cho giai đoạn 5 năm sau đó; có thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030… Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, việc thực thi RCEP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 0,4% đến năm 2030 nếu xét lợi ích trực tiếp, có thể lên đến 1% lợi ích gián tiếp từ cải cách thể chế.

Với nỗ lực của những “người mở đường”, đại lộ hội nhập ngày càng tiến xa, các chân trời mới mở ra. Trên chặng đường đó, sẽ có cả những con gió thuận và gió ngược. “Đích thịnh vượng” sẽ không còn xa khi chúng ta chung sức, đồng lòng tiến lên, bởi “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải cùng đi” như Thủ tướng từng nhiều lần nhắc nhở.

Theo Chính phủ
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.