Làng chuồn chuồn tre
Cách không xa ngôi chùa Tây Phương cổ kính, làng Thạch Xá nổi danh với những nghệ nhân sở hữu đôi bàn tay khéo léo, có thể làm ra những món đồ thủ công tinh xảo chỉ từ những gốc cây thô cứng. Nơi đây còn được giới trẻ và du khách gần xa biết đến với tên gọi làng “chuồn chuồn tre”.
Không biết xuất hiện từ khi nào, nhưng chuồn chuồn tre đã trở thành món đồ chơi yêu thích của nhiều thế hệ trẻ em xứ Đoài, trước khi trở thành món quà không thể thiếu trong các cửa hàng lưu niệm ở trung tâm Thủ đô cũng như khắp Việt Nam.
Gắn bó hơn hai mươi năm với những cánh chuồn tre, vợ chồng nghệ nhân Đỗ Văn Liên và Nguyễn Thị Xoan luôn khẳng định nhờ có món đồ chơi giản dị này mà họ đã tạo lập được một sinh kế bền vững, lại có cơ hội gặp gỡ nhiều du khách gần xa ở nước ngoài.
Chồng có nghề mộc, vợ quanh năm đan quạt lá đề, vợ chồng ông Liên nhiều năm chỉ biết dựa vào hàng nước gần chùa Tây Phương và mấy sào ruộng để sống. Cho tới một ngày, ông Liên mày mò làm thử vài con chuồn chuồn tre rồi treo ngoài hàng nước bán cho du khách.
Một con chuồn chuồn tre mỏng, nhẹ, nhìn có vẻ không cầu kỳ, nhưng phải mất 2-3 tháng để vợ chồng ông Liên làm ra được thành phẩm ưng ý. Túc tắc làm vài chục con bán qua ngày, du khách đi lễ chùa dần thích mắt liền hỏi mua với số lượng lớn. Từ một nghề phụ, những đơn hàng chuồn chuồn tre xuất hiện ngày càng dày đặc, vợ chồng ông Liên làm không ngơi tay. Họ chuyển nhà từ trên núi xuống một nơi bằng phẳng hơn để dựng xưởng.
Mọi không gian trong căn nhà xưởng chuồn chuồn đều được vợ chồng ông Liên tận dụng làm nơi sản xuất, góc này dùng để ngồi lắp cánh, ngoài sân có một bếp than nung đỏ thanh sắt để uốn mỏ và một máy tiện để bào mịn vỏ tre. Sân thượng lại là một xưởng vẽ đầy đủ màu sắc với những giàn phơi được thiết kế riêng cho chuồn chuồn “đậu” đợi ngày phơi khô và trang điểm.
Đôi bàn tay thô ráp nhiều vết sẹo của một nghệ nhân làm chuồn chuồn tre. Ảnh: Mạnh Cường |
Dù luôn nói nghề này là do “mình học mót”, nhưng ông Liên và bà Xoan vẫn có những sáng tạo riêng, họ tự mày mò cách làm, sau đó tự chế ra những khuôn thước riêng để tiết kiệm nguyên liệu và thời gian.
Từ một nhà xưởng nhỏ này, suốt hai mươi năm qua vợ chồng ông Liên bà Xoan đã chắp cánh cho hàng chục vạn đôi cánh chuồn chuồn bay khắp mọi miền Việt Nam và cả thế giới.
Để cho ra một con chuồn chuồn từ thân tre là thành quả của 20 công đoạn khác nhau, đòi hỏi độ tỉ mỉ, chi tiết và kiên nhẫn của các nghệ nhân. Ngay từ công đoạn tuyển lựa, ông Liên sẽ phải chọn những cây tre mềm, dẻo, dài đốt. Tre sau khi được phơi khô vài tuần sẽ được vót vỏ, cho tới chẻ đôi cánh, uốn cong mỏ bằng sắt nóng. Dù đã làm nghề hàng chục năm, nhưng ông Liên cho biết công đoạn khó nhất vẫn là lúc đặt chuồn chuồn lên để xem độ thăng bằng của cánh và thân. Các mẫu chuồn chuồn của ông Liên rất đa dạng về kích cỡ, từ 12x12 cm, 15x15 cm cho tới những con chuồn chuồn dài tới 1-1,5 m.
Bào mịn vỏ tre là một trong hai công đoạn duy nhất sử dụng máy trong “dây chuyền” sản xuất chuồn chuồn tre tại Thạch Xá. Ảnh: Mạnh Cường |
“Muốn chuồn chuồn cân bằng, cần phải tạo được sự cân đối giữa mỏ và đôi cánh của nó. Giữa hai đôi cánh cũng phải có kích thước đều nhau để lực không bị dồn về một bên”, nghệ nhân 60 tuổi cho biết.
Chuồn chuồn sau khi được lắp ghép và dính keo sẽ trải qua công đoạn phủ màu. Các nghệ nhân thường lựa chọn những màu sắc tươi tắn như đỏ, xanh lá, tím, hoặc vàng, cam để tạo vẻ sống động. Sau khi được phơi khô 24 giờ, chúng sẽ được tô điểm thêm những họa tiết, hoa văn uốn lượn bắt mắt.
Những con chuồn chuồn được thổi hồn khi khoác lên mình lớp sơn mới. Ảnh: Mạnh Cường |
Có những đợt cao điểm lễ Tết, vợ chồng ông Liên chấp nhận làm không ngơi tay cả đêm để đáp ứng đơn hàng.
“Nhà tôi thực chất ngày nào cũng là cao điểm”, bà Xoan vừa nói, vừa thoăn thoắt châm những cánh chuồn chuồn vào thân. “Hết đơn hàng Tết, lại tới đơn hàng xuất đi nước ngoài”.
Những cánh chuồn chuồn tre với màu sắc bắt máy đòi hỏi vô vàn công phu từ tay các nghệ nhân lâu năm không chỉ hấp dẫn những đôi mắt trẻ nhỏ Việt Nam, mà còn là một món đồ lưu niệm tinh xảo mà hết sức giản dị với du khách nước ngoài.
Ông Liên cho biết ngoài các lái buôn trong nước, gia đình ông còn tiếp đón nhiều nhóm khách nước ngoài. Họ tự mày mò địa chỉ mà con trai ông đăng trên các nền tảng mạng xã hội để tới tham quan, trải nghiệm. Có gia đình người Ấn Độ rất thích thú khi thấy những con chuồn chuồn cỡ lớn, họ gom mua hết sạch. Hay có một vị khách người Ý lại cầu kỳ hơn, ông tìm tới tận xưởng cho biết bản thân mình rất đam mê các sản phẩm đồ thủ công của Việt Nam rồi đặt hàng một mẫu chuồn chuồn thân nhỏ, cánh tròn để đem đi xuất khẩu.
Không chỉ dừng lại ở việc làm chủ công nghệ sản xuất chuồn chuồn tre, vợ chồng ông Liên thậm chí còn đi xa hơn khi sáng tạo ra nhiều mẫu mã con giống khác nhau như: chim, bướm, hay thậm chí là rùa. Những sản phẩm nhỏ này gần như được chế tạo từ đôi bàn tay con người và có rất ít sự can thiệp của máy móc, ông Liên chia sẻ.
“Cũng có nhiều đơn hàng đấy, nhưng chúng tôi vẫn coi làm đồ thủ công chỉ là lấy công làm lãi”, ông Liên nói. “Dù sao cũng nhờ con chuồn chuồn này mà chúng tôi thoát nghèo, nuôi được hai con trai vào đại học”.
Cánh chuồn “vượt bão” dịch bệnh
Những năm gần đây, một số gia đình làm chuồn chuồn tre ở Thạch Xá đã phối hợp với nhiều tổ chức, trung tâm văn hóa, du lịch thực hiện các dự án nghiên cứu, bảo tồn đồ chơi Việt cũng như tìm hướng đi cho chuồn chuồn tre ở thị trường nước ngoài. Sản phẩm này đã được phân hạng và công nhận là sản phẩm OCOP năm 2021.
Rất nhiều đơn hàng được đặt để xuất khẩu chuồn chuồn tre sang các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Khi cánh chuồn vừa bay cao và xa, cũng là lúc phải đương đầu với giông tố.
Giống như nhiều hộ lao động thủ công mỹ nghệ khác, xưởng sản xuất chuồn chuồn tre của vợ chồng ông Liên cũng “một phen lao đao” khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Hàng chục đơn hàng với khối lượng lên tới hàng vạn sản phẩm bỗng chốc phải chịu cảnh “đóng túi”. Những đoàn du khách trong nước và quốc tế từng nhộn nhịp tới làng Thạch Xá để trải nghiệm là chuồn chuồn tre cũng không hẹn ngày gặp lại. Xưởng chuồn chuồn luôn tràn ngập tiếng đẽo gọt, vót tre của ông Liên bỗng chốc vắng lặng. Những con chuồn chuồn tre chưa được tô màu nằm im trong bao tải, không biết ngày nào được sơn màu và điểm nhãn.
Vợ chồng bà Xoan, ông Liên người sơn, người phơi chuồn chuồn để theo kịp tiến độ đơn hàng. Ảnh: Mạnh Cường |
“Ngay khi xã hội mở cửa, chúng tôi lập tức xuất được đơn hàng 35.000 sản phẩm sang Trung Quốc. Thực sự lúc đó rất phấn khởi”, bà Xoan nói. “Từ đó tới giờ, công suất và đơn hàng của xưởng đã vượt mức trước COVID-19”.
Những năm dịch bệnh càng khiến bà Xoan liên tưởng về khoảng thời gian đầu, hai vợ chồng mày mò lắp ghép thử một con chuồn chuồn. Bà nói có lúc tính bỏ cuộc vì làm chuồn chuồn tre rất mất công, lời lãi chẳng đáng là bao. Để cho ra những cánh chuồn tre nhỏ bé nhưng rực rỡ đó, đòi hỏi nghệ nhân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, thậm chí là máu mỗi ngày.
Rồi khi nghe đài báo nói xã hội mở cửa trở lại, bà Xoan lại ngồi vào góc chiếu trước nhà, tay lại thoăn thoắt vót tre, tỉa cánh chuồn. Ông Liên lại lên sân thượng cặm cụi sơn, phơi, điểm vẽ cho những chú chuồn chuồn đang đợi sẵn ngày được cất cánh đi xa.
Nhiều mẫu mã con giống được vợ chồng ông Liên bà Xoan sáng tạo. Ảnh: Mạnh Cường |
Sau 20 năm gắn bó với những cánh chuồn, đôi bàn tay của vợ chồng ông Liên ngày càng khô ráp vì keo dính, ngón tay lấm tấm màu sơn và đặc biệt ngón trỏ không ít lần bị dao phạm vào.
Nhìn vào đôi bàn tay thô ráp, lấm tấm màu sơn và quấn băng của vợ chồng ông Liên, chúng ta sẽ càng cảm thấy trân trọng công sức của những nghệ nhân này. Giống như những cánh chuồn tre, dù mỏng manh nhưng một khi đã bám chắc vào trụ đỡ sẽ không đổ, tình yêu và lòng tự hào với việc đưa chuồn chuồn tre vượt xa lũy tre làng là động lực để vợ chồng ông Liên lao động mỗi ngày.
“Phải yêu lấy nghề thì mới làm được lâu dài”, ông Liên nói với một nụ cười rất tự hào về nghề làm chuồn chuồn tre”.
Theo đại diện huyện Thạch Thất, hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn, trong đó có xã Thạch Xá, đều có hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp không ít khó khăn. Khả năng cạnh tranh của làng nghề còn thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm, nên phải có những giải pháp căn cơ và đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống Hà Nội.
Lãnh đạo huyện Thạch Thất cũng khẳng định địa phương cần chủ động có các giải pháp kết nối để phát triển du lịch giữa các phố nghề, kết nối chuỗi du lịch trung tâm Thủ đô với các làng nghề truyền thống ở ngoại thành trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói chung và huyện Thạch Thất nói riêng.